Về người Anh hùng 6 lần bị giặc cưa chân

19/07/2018 14:33

Theo dõi trên

Câu chuyện về Anh hùng quân đội Nguyễn Văn Thương bị giặc cưa sống đôi chân giao liên, một lần nữa lại được tái hiện qua ký ức nguyên vẹn và sống động của ông, bởi “có những nỗi đau hóa thành bất tử” (Tố Hữu).

Tuổi thơ của anh hùng quân đội Nguyễn Văn Thương không mấy trọn vẹn: 2 tuổi đã chịu cảnh mồ côi mẹ, 13 tuổi mồ côi cha. Cha mẹ ông đều là những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Trước hai tấm gương hy sinh anh dũng, ông quyết định tham gia hoạt động cách mạng, đi theo lý tưởng của hai bậc sinh thành.
 

Sáu trận đòn thù kinh hoàng
 
Là con của hai chiến sĩ cách mạng, lại mưu trí, dũng cảm nên lúc đó, ông Nguyễn Văn Thương được điều sang ngành công an, đến năm 1961 thì được chuyển sang ngành tình báo. Từ đó đến năm 1969, ông là mũi trưởng giao liên đơn vị tình báo J22. Ông đã hàng chục năm có mặt ở cả bốn cụm tình báo, nắm hầu hết các tổ chức mạng lưới ở Phòng tình báo phía Nam của ta. Những tài liệu ông vận chuyển từ Sài Gòn ra căn cứ có giá trị rất lớn, liên quan đến nhiều cán bộ tình báo là những vị tướng, tá tình báo mà nhiều người được biết.
 
Khi biết rõ ông là con mồi béo bở, cục tình báo CIA đã dùng nhiều đòn khai thác tâm lý tinh vi nhất của Hoa Kỳ nhằm dụ dỗ mua chuộc, nhưng không có kết quả.
 
Suốt 100 ngày ở trong ngôi biệt thự Hoa Hồng sang trọng. Một tên lính Mỹ đeo quân hàm đại tá chỉ cho ông xấp tiền 100.000 USD, chiếc xe hơi cùng một mỹ nhân tên Thùy Dương và nói “Tất cả những thứ này là của ông”. Chúng bắt ông phải cung cấp tài liệu mật và trả lời câu hỏi “Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương có phải là ông không?”. Nhưng luôn luôn chúng chỉ nhận được câu trả lời “Tôi tên Nguyễn Trường Hận, mù chữ và đang trốn đi lính”.
 
Sau nhiều mua chuộc, dụ dỗ bằng biệt thự, đô la, chức tước và cả gái đẹp, sau nhiều đòn cân não căng thẳng nhưng không không lay chuyển được sự trung thành của ông Nguyễn Văn Thương với cách mạng, bọn CIA xoay ra giở ngón đòn tra tấn tàn độc, thừa chết thiếu sống. Đó là chúng lần lượt vặn gẫy cả mười ngón chân, đập nát hai bàn chân rồi cưa từng đoạn chân của ông. Khoảng nửa tháng cưa một lần, trong 100 ngày chúng đã cưa chân ông đến sáu lần, sáu đoạn, cho hết “đôi chân giao liên”.
 
Bây giờ, nhớ lại những thời khắc kinh hoàng ngày ấy, ông Nguyễn Văn Thương bình thản nói: “Cho dù bọn chúng khiến tôi đau đớn đến cỡ nào tôi cũng chịu đựng được vì trong lòng tôi có sức mạnh của Đảng, có hình ảnh của ba mẹ, vợ con và đồng đội”. Ông kể: “Lần cưa đầu tiên, khi chúng gí lưỡi cưa vào thì tôi nghe mắc cá chân mình lành lạnh, cảm nhận lưỡi cưa nghiến vào da thịt. Kỳ lạ là tôi không thấy đau ở ngay chỗ bị cưa, mà từng đường cưa cứ nhói thẳng vào trong óc, xoáy vào tận tim. Cưa tới đâu, tôi nhận biết tới đó, đau khủng khiếp lắm”. Có thiếu gì cách chúng làm cho ông chết, nhưng chúng không muốn ông chết, chỉ là để giữ lấy cái lưỡi của ông, hy vọng lấy được lời khai của vị tá tình báo. Cứ theo dõi động tác chúng cưa chân, ông cũng rõ: Chúng ga-rô chân ông trước khi cưa, khi cưa hết phần mềm quanh chân, chúng cặp động mạch cho đỡ chảy máu. Ông nghe rõ tiếng cưa sắt nghiến vào chân kêu két két. Ông ngất đi trong cơn đau cùng cực.

Từ cõi chết trở về chói lọi
 
Ngày Giải phóng miền Nam 30-4-1975, ông Nguyễn Văn Thương cùng đoàn người chiến thắng trở về. Có người không còn đứng được hoặc đi không vững, có nhiều người chỉ còn như bộ xương khô nhưng trong lòng ai cũng trào dâng niềm vui chiến thắng. Máy bay đổ tù binh từ khắp các trại của chính quyền Sài Gòn xuống sân bay Lộc Ninh. Cờ giải phóng cắm khắp nơi. Thật đúng là ngày hội mừng vui, cảm động cho cả người đón và những người “từ cõi chết về chói lọi”.
 
Lúc xuống sân bay, dù loa yêu cầu phải xếp hàng nhưng không ai chịu đứng yên và cùng hát vang bài ca Giải phóng miền Nam. Ông Thương đã trở về trên lưng một đồng chí. Ông hoa mắt trước cảnh ồn ào náo nhiệt, hai tay nắm chặt đôi ghế con- phương tiện để ông sẵn sàng “chạy” lao ra đón các đồng chí của mình.
 
Từ phía xa, ông Tư Cang, cụm trưởng cụm 18 trong mạng lưới tình báo của Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn) đã nhìn thấy ông Thương. Ông Tư Cang lao vội ra, bế xốc ông Thương lên. Niềm hạnh phúc vỡ òa cùng nước mắt và tiếng cười.
 
Ông Tư Cang khi đó vuốt ve sờ nắn khắp người ông Thương, sờ vào phần đùi còn lại của đôi chân giao liên đắc lực. Rồi ông Tư Cang ôm chặt người mũi trưởng của các cụm giao liên tình báo ngày nào trong vòng tay mà xúc động nghẹn ngào: “Đúng rồi, Thương ơi! Em còn sống, còn sống trở về. Anh Tư mừng lắm, mừng lắm!”…
 
Trong căn nhà ấm áp với gia đình riêng ở khu dân cư Bình Lợi, TP HCM hôm nay, ông Nguyễn Văn Thương ngồi trên chiếc ghế được sáng chế cho phù hợp với phần thân thể còn lại. Ông chủ nhà đã khiến nhiều khách ghé thăm bật khóc ngon lành trong nỗi yêu thương và cảm phục vô vàn. Bốn mươi năm đã qua cùng ký ức kinh hoàng về địa ngục trần gian năm xưa, người anh hùng quân đội ấy sống cuộc đời an vui bình dị của một trong lớp lớp người đã bỏ lại những phần thân thể của mình cho hòa bình đất nước.
 
Sau 6 đợt cưa chân vị tá tình báo anh hùng, một tên đại tá CIA đã phải thốt lên: “Ôi, một sinh vật bằng thép! Chúng tôi đã thua ông!”.
 
Ngọc Minh

Bạn đang đọc bài viết "Về người Anh hùng 6 lần bị giặc cưa chân" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.