Về miệt biển rừng nghe lại chất phương Nam

30/07/2018 14:27

Theo dõi trên

Bạn rủ về miệt biển rừng nơi có “Người giữ rừng” trú đóng chơi, nghe là nghe vậy mà có biết ở miệt nào đâu.

Xe chạy tới Bình Đại, Bến Tre, ngay chợ Đê Đông thì dừng lại. Cả nhóm được thay bộ đồ bà ba duyên ơi là duyên, lạ ơi là lạ rồi leo lên xuồng máy tới chỗ của những người giữ rừng.

Những mái tranh đơn sơ và thưa thớt của những con người lãnh nhận nhiệm vụ giữ rừng nơi cửa biển. Có em trong nhóm nói giọng giống y chang trong phim Đất phương Nam hồi xửa hồi xưa, nghe thương gì đâu…

Hai ngày lều tranh vách lá với người dân Nam bộ chính thức khởi sự. Đó là cây cầu khỉ chênh vênh có con Vàng đợi chủ và thân thiện với hết thảy mọi người. Là căn nhà với những gì đơn sơ nhất hướng ra sông mà sáng ngắm mặt trời lên, tối ngắm mặt trời về. Bình yên, bình yên đến lạ!

Sáng, chèo ghe vô rừng giăng lưới bắt cá, bắt tôm. Tay cầm cái dao phay hễ thấy quày dừa nước nào trái trọng trọng thì dạt một miếng. Nếu đủ già thì chặt quày đó bỏ lên ghe. Tìm chỗ đất trống dù sình lầy, kiếm cái cục đá cứng dù bẩn bẩn chẻ từng “múi” dừa nước ra làm hai, hút nước cái rột rồi ăn cái cùi dừa béo thơm ngọt lạ.


 
Ăn con cá mình giăng, con sò mình bắt giữa rừng bên bếp lửa và cơn mưa nhẹ thấy nó ngon còn hơn khi ăn ở phố thị nhà hàng. Ảnh: Quỳnh Như

Xong, chui vô đám lá, bắc than nhóm bếp bằng lá rừng, củi vụn - mà phải khéo, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Rồi thì gỡ cá dính lưới, lặn ngụp bắt sò dưới sông mà nướng, mà ngửi, mà thưởng thức, mà chậm rãi ăn để nghe thời gian ngừng trôi trong từng vị ngon ngọt của sản vật quê nhà…

Mưa rừng ào ạt thì chui vô bụi dừa nước, ô ri mà núp, mà cười. Ăn con cá mình giăng, con sò mình bắt giữa rừng bên bếp lửa và cơn mưa nhẹ thấy nó ngon còn hơn khi ăn ở phố thị nhà hàng.

Đêm, đúng con nước, anh Hai bên hàng xóm xả đập. Đám cá loi nhoi dính lưới, con nào con nấy tươi roi rói. Làm gì cũng ngon mà nướng kiểu nào cũng ngọt. Rồi cả đám lại theo anh Hai đi bắt ba khía xào me. Mèn ơi, món này nó ngon hơn cua Cà Mau xào me mà hồi nào giờ có biết đâu hen. Anh Hai với mấy em trong nhóm quơ kiểu gì mà chút thôi được mấy chục con.

Rót ly rượu, uống cái ót, gặm con ba khía xào me, nghe tiếng đất trời im lặng, thỉnh thoảng có tiếng xuồng máy chạy ạch ạch trên sông. Thấy những kêu gào vật vã đời thường tự dưng vô duyên quá đỗi.

Sáng, lên ghe về lại Sài Gòn, thấy con Vàng đứng ở cửa nhìn ra mà thương, mà nhớ cái nhà tranh vách lá nơi cách biệt thị thành thiếu đủ thứ món, ngay cả nước để tắm. Nhớ anh Hai hàng xóm thiệt tình, thấy đám con nít chèo ghe về đói bụng thì kêu hỏi ăn cơm hông. Vậy mà có cái thằng nhảy vô xúc ké muỗng cơm, rồi nó rủ thêm mấy đứa khác. Đứa nào qua thì anh Hai cũng lấy cái chén, đôi đũa để sẵn bên ơ cá kho thơm lừng và cái nồi cơm đủ dằn bụng.

Mới gặp lần đầu mà anh Hai nằm võng vắt vẻo rồi nói “kệ, ăn ba hột dằn bụng đi. Tui ăn rồi. Ăn hỏng hết tối tui cho mấy con mèo nó ăn chứ cũng đâu có để”. Rồi anh Hai kể hôm qua anh Hai nhậu với ông hàng xóm quá chén nên trễ con nước. “Nghịch (giận) mấy bữa, giờ mới thuận, nhậu với nó mới say dữ dzầy nè”. Cái kiểu mếch lòng của người miền Tây nó thương gì đâu vậy hà.

Về Sài Gòn rồi lại nhớ cái chơn chất, thiệt tình, thiệt bụng mà hào sảng đúng chất miền Tây quá xá!

Đinh Thị Quỳnh Như
Theo plo.vn

Bạn đang đọc bài viết "Về miệt biển rừng nghe lại chất phương Nam" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.