Vật liệu xây nhà thờ và các vật dụng trưng bày trong nhà thờ đều bằng gỗ quý và giá trị cổ xưa. Nhà thờ có một khu Từ Đường có bàn thờ, bài vị 356 dòng tộc ở Việt Nam qua các thời kỳ; các khu vực trưng bài bản đồ Việt Nam, ảnh Bác Hồ và các vị vua thời kỳ phong kiến, các tư liệu văn hóa, lịch sử có giá trị qua các thời đại… Ngoài ra, trong quần thể Nhà thờ các dòng tộc Việt Nam còn có các hạng mục như sân bãi, cây xanh, hoa kiểng, khu vui chơi giải trí và nghỉ ngơi cho du khách đến tham quan, nghiên cứu.
“Mục đích của mình xây nhà thờ này là để giáo dục cho thế hệ trẻ, phải quay về cội nguồn. Có nghĩa là ai cũng có tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Mình cũng phải biết dòng họ mình xuất phát từ đâu. Qua các thời kỳ, ông bà mình đã cống hiến về mặt kinh tế, chính trị để mình có ngày hòa bình hôm nay. Mình phải luôn tri ân những người đã hy sinh để cho mình có cuộc sống độc lập như ngày hôm nay. Điều này mình muốn giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ”, ông Bình cho biết.
Ông Bình cho biết thêm, nhà thờ sẽ là nơi giúp nhiều thế hệ sau có cơ hội tụ họp đông đủ về đây, thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất. Người làm ăn phương xa cũng có dịp chuyện trò, chia sẻ tình cảm, bàn cách giúp đỡ người gặp khó khăn. Vì thế, nhà thờ các dòng tộc Việt Nam có ý nghĩa văn hóa tinh thần rất lớn, vì vừa là nơi tiến hành nghi lễ truyền thống để con cháu thể hiện lòng biết ơn các bậc sinh thành, vừa là nơi các thành viên các họ tộc gặp gỡ, quây quần bên nhau.