Nói về mức độ “nổi tiếng” của chàng công tử này phải dùng từ “khét tiếng” mới đúng. “Công tử Bạc Liêu” từ một danh xưng trở thành một thành ngữ chỉ sự ăn chơi trác táng, tiêu xài hoang phí của một bộ phận những “cậu ấm”, “công tử” thời phong kiến. Và công tử Bạc Liêu hễ nhắc đến, nhiều người hiểu là ông Trần Trinh Huy, dù các thời sau vẫn có những người xài tiền hoang phí không thua kém gì ông. Thời nay, ông được cho là “đại gia chơi ngông bậc nhất miền Tây”.
Chiếc xe hơi chỉ có số ít quý tộc bên Pháp mới dám mua, toát lên vẻ sang trọng của gia đình giàu có bậc nhất Nam kỳ lúc bấy giờ - Ảnh: emdep.vn
Ngày nay công tử Bạc Liêu trở thành “thương hiệu đặc biệt” hấp dẫn du khách khắp nơi tìm đến tham quan. Biệt thự công tử Bạc Liêu khi xưa nay trở thành Khách sạn công tử Bạc Liêu, nơi mà du khách đi du lịch miền Tây có ghé Bạc Liêu đều muốn ở lại ít nhất một đêm (đặc biệt là căn phòng của công tử Bạc Liêu).
Khu nhà gồm 2 tầng nổi bật bởi màu trắng sang trọng cùng kiến trúc Pháp lộng lẫy, bề thế. Tầng trệt của căn biệt thự có 2 phòng ngủ, 2 đại sảnh khá rộng và cầu thang dẫn lên lầu. Tầng lầu có 3 phòng ngủ, 2 đại sảnh, phòng ông Trần Trinh Trạch (thân sinh của công tử Trần Trinh Huy) và phòng công tử Trần Trinh Huy, nơi có đầy đủ tiện nghi với giường đôi, tivi, điện thoại, đồ hồ, máy lạnh, tủ áo và một bàn viết.
Bạn sẽ được tận mắt trông thấy chiếc giường có giá "khủng" lên đến 7 tỷ đồng - Ảnh: emdep.vn
Sự nổi tiếng của biệt danh công tử Bạc Liêu cùng nội thất sang trọng, kiến trúc đặc biệt của ngôi nhà này đã thu hút rất nhiều du khách. Không chỉ có du khách Việt Nam mà ngay cả du khách nước ngoài đi du lịch Việt Nam, nghe giai thoại về công tử Bạc Liêu cũng tòm mò tìm đến. Ngôi biệt thự này do một kỹ sư người Pháp thiết kế theo phong cách Tây Âu và xây dựng vào năm 1919. Bề ngoài của ngôi nhà nhìn thanh thoát, sang trọng và kiến trúc bên trong rất đẹp, kiểu cách. Các nội thất còn giữ lại ở bên trong là những đồ gỗ, sứ, đồng rất quý giá.
Khu nhà công tử Bạc Liêu - Ảnh: Dân Việt
Sau nhiều năm trùng tu, khu dinh thự ăn chơi khét tiếng một thời Nam Kỳ đã mở cửa đón khách du lịch. Bên trong toà nhà vẫn còn giữ nguyên nét kiến trúc tinh tế, nhiều hiện vật có giá trị lịch sử như bàn ghế, giường, tủ, gốm sứ... Hơn nữa, một số chiếc xe cổ của công tử Bạc Liêu một thời cũng vẫn còn được lưu giữ.