Đền Lăng Sương, xã Trung Nghĩa (huyện Thanh Thủy) vừa được tu sửa khang trang.
Lễ hội chính của đền Lăng Sương được tổ chức vào mùa xuân, ngày rằm tháng Giêng (ngày sinh Thánh TảnViên). Lễ hội mùa xuân được tổ chức trong 3 ngày, ngày 14 lễ cáo tế xin phép thần được mở hội, ngày 15 lễ hội chính, ngày 16 là lễ yên vị. Lễ thứ hai trong năm là lễ giỗ Thánh Mẫu vào 25-10 (âm lịch) hàng năm gắn với sự tích Gò Đống Bò để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
Có thể nói, với truyền thống thờ Mẫu, hệ thống các đền, chùa, miếu, phủ trên cả nước nói chung, ở Thanh Thủy Phú Thọ nói riêng đều ghi dấu ấn đặc sắc về tục thờ Mẫu. Trong dân gian còn lưu truyền lời nhắc các thế hệ mai sau “Sống một trăm, chết hai lăm tháng mười” để nhớ ngày giỗ Mẫu.
Có lịch sử từ lâu đời, Đền thờ chính được xây dựng theo kiểu chữ công (I), tòa đại bái, gian hậu cung trên cao nhất, bên phải có long ngai thờ thân Mẫu Đức Thánh Tản tên là Đinh Thị Đen. Bên trái là long ngai thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn. Gian bên trái thờ Thân phụ Đức Thánh Tản Nguyễn Cao Hành, gian bên phải thờ Dưỡng mẫu của Đức Thánh Tản Ma Thị Cao Sơn. Cách đền khoảng 300m về phía Đông Nam là lăng mộ của Thân mẫu Đức Thánh Tản. Ở giữa là minh đường bằng phẳng, nhìn qua phía Đông Bắc là Gò Đống Bò. Đền Lăng Sương đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận và xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2005.
Tương truyền xưa kia Gò Đống Bò là một gò đất nằm ngay cạnh Đền Mẫu có cây cỏ tốt tươi, lau lách, cây cối rậm rạp. Một năm, vào ngày 24 tháng 10 âm lịch, trước ngày giỗ Mẫu một hôm, từ đâu xuất hiện một con bò to về ở ẩn bên gò đất. Dân làng, trai đinh hò reo săn bắt, giết thịt, làm cỗ dâng lên cúng giỗ Đức Thánh Mẫu nên gò có tên gọi là Gò Đống Bò.
Lễ cúng giỗ Đức Thánh Mẫu diễn ra từ chiều ngày 24. Dân làng mổ bò, tẩm ướp thảo mộc, gia vị, rồi lấy một cây tre đực tươi xuyên ngang, đặt cả con lên bếp than hồng thui. Bò chín vàng, được dân làng đặt lên cáng cho các trai làng rước từ Gò Đống Bò về trước ban thờ phục vụ lễ giỗ Mẫu. Lễ cúng được dân làng bày tiệc mặn, cỗ cúng có gan trần và thịt đốt. Với tất cả lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, lễ cúng giỗ có phần đọc chúc văn, ca ngợi công lao ân đức của Thánh Mẫu. Sau khi cúng tế, bò được xẻ thịt mời dân làng, du khách thập phương thụ lộc, lấy khước, tri ân công lao của Thánh Mẫu đã có công sinh thành Đức Thánh Tản - vị thần có công trị thủy, có tài thao lược, phò vua giúp nước, phù hộ muôn dân mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, thiên tai, dịch bệnh không hoành hành, quốc thái, dân an, bách gia trăm họ an khang thịnh vượng. Kết thúc lễ giỗ Mẫu, dân làng đồng thời làm lễ tiễn dưỡng mẫu Ma Thị Cao Sơn về núi Tản.
Nghi thức tế lễ trong Lễ hội Đền Lăng Sương (huyện Thanh Thủy). Ảnh: Nguyên An
Từ ngàn xưa, Lễ giỗ Mẫu đã đi vào tiềm thức của nhân dân trong vùng, trở thành truyền thống văn hóa tín ngưỡng tâm linh vùng Đất Tổ. Với phương châm “biến di sản thành tài sản”, lễ giỗ Đức Thánh Mẫu cùng Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thực sự là tài sản quý. Mang theo niềm tự hào, tin tưởng ấy, mỗi du khách đều háo hức tìm về mỗi mùa lễ hội và khi hội tan lại đau đáu mong đợi cho lễ hội mùa sau để được đắm mình trong dòng chảy bất tận của văn hóa tâm linh nơi cội nguồn dân tộc.
Lễ Giỗ Thánh Mẫu năm nay, được huyện Thanh Thủy tổ chức chính vào ngày 25 tháng 10 âm lịch, ngày 24 là lễ cáo tế, ngày 26 là lễ yên vị. Có thể nói Lễ giỗ Mẫu được mở vào đầu đông khi bão tố qua đi, dòng sông hao gầy trở lại; trong cái rét se lạnh của mùa đông đang tới, thóc lúa, ngô, lạc đã lên bồ; rau, đậu, đỗ xanh ngần trên các bãi sông; mía đã đọng những ngấn đường sọng mật; đàn sếu vang trời gọi mời ai ăn Tết mùng 10. Tiếng cu gáy thưa dần trong những khoảng rừng xa, cũng là mùa của du lịch văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng nước khoáng nóng đang thôi thúc gọi mời. Lễ giỗ Mẫu 25 tháng 10 năm nay như một điểm xuyết cho tour du lịch về cội nguồn thêm đặc sắc.