Người dân nơi đây có cuộc sống thật đặc biệt, có lẽ hiếm có nơi nào mỗi gia đình sắm hai loại phương tiện: Xe máy vào mùa khô, ghe thuyền, ca nô vào mùa nước nổi. Một trong những điển hình là huyện Châu Phú (tỉnh An Giang).
Miền Tây mùa nước nổi mang một cảnh sắc hoàn toàn khác lạ so với mùa khô. Những đàn cá kéo về cùng nước lũ đã mang đến cho người dân nơi đây một nguồn tài nguyên thủy sản khổng lồ.
Đó là những cánh đồng lúa chín bạt ngàn đang vụ thu hoạch, được đê bao bảo vệ trước dòng nước lũ, là cánh đồng trắng xóa nước với những chiếc ghe mưu sinh của ngư dân, hay ngôi chợ nhỏ ven đường chuyên mua bán các sản vật vùng lũ. Cùng với đó, miền Tây trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Một vài địa danh du lịch nổi tiếng nhất của miền Tây mùa nước nổi như chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phụng Hiệp, Cái Bè, vườn quốc gia Tràm Chim... Đây được coi là những điểm đến lý tưởng của miền Tây vào mùa nước nổi. Ngoài ra, chợ nổi Cái Răng cũng là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhất Cần Thơ.
Hay An Giang, miền đất Bảy Núi có rừng tràm Trà Sư với muôn loài chim trời, có hồ nước trời Búng Bình Thiên mênh mông sắc vàng điên điển, có chợ nổi Long Xuyên náo nhiệt đông vui, có hồ Tà Pạ trong vắt với đá dựng nham nhở…Và còn rất rất nhiều những nơi khác nữa, mỗi nơi tôi đến đều mang trong mình những sắc màu khác nhau của cuộc sống nơi đây. Cuộc sống bình dị của những người dân quanh năm sống chung với sông nước, với từng cơn lũ…
Mùa nước nổi bao giờ cũng đem lại sự bình yên. Bởi mỗi khi nước rút đi đều để lại lớp phù sa tuyệt vời. Đó là lớp phù sa, sẽ lại tiếp tục nuôi nấng cho các loại cây trồng lớn lên, để cùng giúp cho những miệt quê, miệt đồng cuộc sống no ấm.