Cồn Phụng còn có tên là cồn Tân Vinh. Cồn Phụng lúc đầu chỉ là một cù lao nổi giữa sông Tiền vào những năm 1930 với diện tích khoảng 28 ha, nhưng do lượng phù sa bồi đắp dồi dào mỗi năm mà nay đã lên tới trên 50 ha.
Đây là một trong bốn cồn nằm trên đoạn sông Mĩ Tho được đặt theo quan niệm tứ linh: long, lân, quy, phụng. Tên Cồn Phụng có từ khi ông Nguyễn Thành Nam đến đây xây dựng chùa Nam Quốc Phật vào hồi đầu thế kỉ XX, lập nên một giáo phái độc đáo ở miền Tây Nam Bộ tên là đạo dừa, chủ trương hòa đồng tôn giáo, cổ súy hòa bình, sống bằng hoa trái. Bởi vậy, Cồn Phụng còn có tên là cù lao Đạo Dừa.
Đến Cồn Phụng, du khách sẽ được nghe kể về một tôn giáo độc đáo, được chiêm ngưỡng những di tích kiến trúc thờ tự độc đáo của Đạo Dừa xây dựng từ thời giáo chủ Đạo Dừa là Nguyễn Thành Nam hiện được bảo tồn nguyên trạng òn lưu lại trên diện tích chừng 1.500m²: sân 9 con rồng; tháp Hoà bình, toà tháp có kiến trúc lạ mắt với những mảng đắp chạm rồng, phượng được gắn bằng những mảnh vỡ của bát đĩa, ấm chén; một đỉnh lớn.
Đến Cồn Phụng, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác thích thú, đôi lúc mạo hiểm trên những chiếc xuồng máy, xuồng chèo len lỏi trong những sông, rạch nhỏ hai bên toàn cây dừa nước, những rặng bần và trên bờ là những vườn cây ăn trái trĩu quả; hay du ngoạn trên những chiếc xe ngựa, xe đạp ngắm cảnh đường làng quê xứ dừa và trò chuyện thân thiện với người dân nơi đây. Ban ngày du khách khám phá các vườn cây ăn trái, các điểm làm nghề thủ công truyền thống của địa phương và tham gia vào các công đoạn chế biến kẹo dừa, bánh tráng, làm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa; hay tham gia vào các dịch vụ giải trí, khi thấm mệt, du khách nghỉ ngơi, thả hồn đong đưa trên chiếc võng được mắc trong vườn cây ăn trái tỏa bóng mát rượi. Rồi thư thả tản bộ trên những con đường làng rợp bóng cây xanh, ngắm nhìn những vườn cây trái trĩu quả và bắt gặp những sinh hoạt thường ngày của người dân xứ cồn; thưởng thức tại vườn các loại trái cây miền sông nước; các loại bánh kẹo từ dừa, thưởng thức tại chỗ hoặc mang về làm quà tặng người thân. Hay nhiệt tình tham gia câu cá sấu, đua mô-tô nước, chơi các trò chơi tập thể tại khu sinh hoạt ngoài trời; hát karaoke, hát múa tập thể, hát với nhau ngoài trời; hay hồi hộp đi qua cầu dừa, cầu tre lắc lẻo.
Những đêm trăng sáng, du khách có thể ngồi thuyền bồng bềnh trên sóng nước, ngắm trăng sáng trên sông hay ngắm và bắt đom đóm vào những đêm tối trời. Những ánh sáng chớp, tắt liên hồi của bầy đom đóm trên những rặng bần ven sông trong đêm tĩnh mịch, lắng nghe đâu đây và tiếng xào xạc của những cụm lá dừa nước; tiếng cá quẫy, tiếng ếch kêu dưới bờ ao.
Đến Cồn Phụng, du khách không chỉ hòa mình với thiên nhiên sông nước hữu tình, mà còn được thưởng thức đủ các món ăn đặc trưng của vùng châu thổ đồng bằng, được các đầu bếp lành nghề thực hiện tỉ mỉ theo kinh nghiệm dân gian và chế biến theo khẩu vị của thực khách trong và ngoài nước. Đặc trưng nhất là những món ăn dân dã của miệt vườn miền Tây như: cá tai tượng chiên xù, hấp nước dừa, nước mắm; lẩu mắm; cá kho tộ; ốc nướng tiêu; lươn hấp muối, lươn um dừa lá cách, bắp chuối; cháo gà ta thả vườn, gà nướng lu, lẩu gà nòi hầm sả; các món ăn biến tấu từ chuột dừa; xôi chiên phồng; bánh xèo; đuông dừa chiên bơ, chiên nước nắm; các món ăn chế biến có nước cốt dừa…
Cồn Phụng như một làng quê miền Tây thu nhỏ của Đồng bằng sông Cửu Long. Du khách có thể khám phá và trải nghiệm nhiều nét độc đáo về văn hoá, tập tục trong đời sống dân dã của người dân xứ dừa Bến Tre. Nhiều gia đình vẫn giữ nếp sống chủ yếu bằng nghề nuôi ong lấy mật từ hoa nhãn và một số loài hoa khác. Ngồi trên xe ngựa tham quan khung cảnh yên bình, rồi dừng chân ngồi nghỉ dưới ngôi nhà lợp lá dừa để uống trà với mật ong và quất, thưởng thức trái cây miền nhiệt đới, nghe đờn ca tài tử ngọt ngào da diết thì mọi phiền muộn, mệt mỏi dường như tan biến…
Cao Minh Tâm