Về Bạc Liêu vãn cảnh chùa Cô Hai Ngó bên sông

06/06/2019 15:48

Theo dõi trên

Chùa Giác Hoa thuộc ấp Xóm Lớn, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Đây là ngôi chùa do bà Huỳnh Thị Ngó – con gái một điền chủ giàu có xây dựng nên dân gian thường gọi là Chùa Cô Hai Ngó.

Ngôi chùa nằm lặng lẽ bên một dòng sông uốn quanh, ấn tượng với khách thập phương bởi kiến trúc nghệ thuật độc đáo và khung cảnh tĩnh lặng làm nhẹ cả lòng người.
 


Ngôi chánh điện có cách kiến trúc phương Tây pha lẫn Phương Đông độc đáo. Ảnh: Lao Động

Đây là một ngôi đại tự mang màu sắc, kiến trúc của hai nền văn hóa Đông - Tây, hội tụ cả những đường nét kim cổ rất đặc sắc. Chùa là tổng thể các công trình kiến trúc lớn nhỏ như chánh điện, phủ thờ, các tượng Phật, miếu nhà thờ vong... Chùa thờ Phật theo phái Bắc Tông.

Điểm xuyến mái cong và những dòng chữ Hán ở phía trước. Thoạt đầu nhìn vào, không ai tin đây là một ngôi chùa mà cứ ngỡ là nhà cổ hoặc một công thự thời thuộc địa ở Nam Kỳ. Điều đó lại tạo nên sự mới lạ, đặc sắc của kiến trúc ngôi chùa. Có lẽ do xuất thân từ gia đình điền chủ giàu có nên việc cô Hai Ngó xây dựng ngôi chùa gần giống như nhà hoặc công thự cũng là điều dễ lý giải.

 


Mái vòm hàng lang ngôi chánh điện có kiến trúc kiểu Pháp điển hình những năm 1990. Ảnh: Lao Động

Vào bên trong chánh điện là một không gian trang nhã, thanh tịnh, thoáng mát, được thiết kế và xây dựng hoàn toàn bằng gỗ quý. Với kết cấu 20 cột gỗ tròn có đường kính 45 cm được chạm khắc rồng, phượng và nhiều họa tiết rất tinh xảo chia làm 5 hàng ngang, chống đỡ mái ngói.

Những bức tượng Phật, các vật trang trí phía trong cũng được làm bằng gỗ tốt. Chùa là tổng thể các công trình kiến trúc lớn nhỏ như chánh điện, phủ thờ, các tượng Phật, miếu nhà thờ vong... Chùa thờ Phật theo phái Bắc Tông.

Bên cạnh kiến trúc độc đáo, chùa này còn được nhiều người biết đến bởi cô Hai Ngó là chị ruột của công tử Huỳnh Công Phước. Tương truyền, khi ông thấy có 5 chiếc xe tranh nhau chở khách bèn bao tất tần tật: một chiếc chở ông, chiếc chở nón, chiếc chở gậy, chiếc chở cặp da và chiếc chở mắt kính.

Những ngày rằm tháng Giêng, tháng bảy, tháng mười chùa tổ chức nhiều lễ cúng lớn với hàng trăm người dân trong và ngoài tỉnh tham dự.

Với những vườn cây xanh tươi, không khí trong lành, khi đến chùa ngoài cúng viếng Phật, khách thập phương còn có thể tìm được cảm giác tĩnh lặng, nhẹ nhàng sau những ngày xô bồ, mưu sinh với công việc đời thường.

 
Hàn Yên (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Về Bạc Liêu vãn cảnh chùa Cô Hai Ngó bên sông" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.