Về Bạc Liêu nghe Dạ cổ hoài lang

29/09/2016 15:03

Theo dõi trên

Đến Bạc Liêu, thăm Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và thắp nén hương thành kính tưởng nhớ cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Nơi đây trở thành địa chỉ tham quan quen thuộc cho du khách và những người mộ điệu đờn ca tài tử - văn hóa đặc sắc của nghệ thuật Nam bộ.



Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Nhạc sĩ tài hoa trên đất Bạc Liêu

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sinh năm 1890, tại xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông theo gia đình mưu sinh ở nhiều nơi và dừng chân ở Bạc Liêu. Tại đây, ông vào ở chùa Vĩnh Phước An để học chữ Nho. Sau đó, có một thầy đàn nổi tiếng tên Lê Tài Khí (còn gọi là thầy Hai Khị hay Nhạc Khị) dù bị mù cả hai mắt và có tật ở chân nhưng ngón đàn của thầy rất điêu luyện. Ông nhờ cha dẫn đến thầy Hai Khị xin được học đàn mỗi đêm. Vốn là người siêng năng và yêu thích nhạc cụ, ông tiếp thu rất nhanh và sử dụng thành thạo các loại: Đàn tranh, đàn cò, đàn kìm, trống lễ. Điều đặc biệt, đàn tranh là loại nhạc cụ được ông sử dụng thành thạo và chơi hay nhất trong các loại nhạc cụ.

Năm 23 tuổi, ông cưới vợ là bà Trần Thị Tấn. Cưới nhau 3 năm mà vợ chồng vẫn chưa có con. Theo phong tục xưa, cha mẹ buộc ông phải trả vợ về nhà cha mẹ ruột. Thời ấy, phải chứng kiến cảnh biết bao người vợ tiễn chồng lên đường tòng quân trong lúc cuộc chiến chống thực dân Pháp còn kéo dài, ông đau cùng nỗi đau của người chinh phụ. Đêm đêm, nghe tiếng trống chùa văng vẳng vọng lại, ông liên tưởng đến tiếng trống trận đang ngày đêm thúc giục hòa cùng đó là bao giọt nước mắt của người chinh phụ tiễn người chinh phu. Rồi ông nhớ đến hoàn cảnh của vợ chồng ông, ông không phải là chinh phu và bà cũng không phải chinh phụ nhưng có cùng nỗi đau biệt ly. Thời gian đó, mỗi đêm, người ta lại thấy ông Sáu Lầu ngồi ôm đờn thẫn thờ và bản Dạ cổ hoài lang được ra đời trong hoàn cảnh ấy.



Phục dựng hình ảnh sinh hoạt nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ

Bản nhạc bất hủ - Dạ cổ hoài lang

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu mất ngày 13/8/1976. Trong cuộc đời sáng tác, ông để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị, mở đường cho nền nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương đến ngày nay như: Thu Phong, Oanh vàng, Bái đường, Ái cầm,... Trong đó, nổi tiếng nhất có bản Dạ cổ hoài lang sáng tác năm 1919, là tiền thân của bài Vọng cổ ngày nay. Cái gốc của bài Vọng cổ là Dạ cổ hoài lang được ông viết theo nhạc dân tộc: Hò, xự, xang, xê, cống.

Tháng 8/1919, tại Bạc Liêu, soạn giả Cao Văn Lầu công bố bản nhạc lòng bất hủ. Qua gần 100 năm, bản Dạ cổ hoài lang nguyên thủy từ nhịp đôi được các thế hệ nghệ sĩ như: Trịnh Thiên Tư phát triển thành nhịp 4; soạn giả Lư Hòa Nghĩa phát triển lên nhịp 8; nhịp 16 được phát triển từ soạn giả Mộng Vân; ông Trần Tấn Hưng phát triển thành nhịp 32 và Lý Phi phát triển lên đến nhịp 64. Sau đó, soạn giả Viễn Châu kết hợp từ một đoạn nhạc những điệu lý, điệu hò cùng với 4 câu Vọng cổ thể loại nhịp 32 để tạo thành Tân cổ giao duyên.


Cố Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê từng khẳng định: “Trong số cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như bản Dạ cổ hoài lang biến thành Vọng cổ; từ một sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể, sinh ra từ đầu thế kỷ, lớn lên sống mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng, mà sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu”.


 
Du khách tham quan và nghe giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bản Dạ cổ hoài lang

Nơi tôn vinh công lao người nhạc sĩ tài hoa

Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu nằm trong khuôn viên ở giữa 2 con đường mang tên ông - Cao Văn Lầu và đường Ninh Bình của TP.Bạc Liêu.

Ngày 29/10/2013, UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mở rộng Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2014 có diện tích xây dựng 12.500m2 với nhiều hạng mục được xây mới, trong đó có nhà trưng bày về sự hình thành đờn ca tài tử cải lương; nhà trưng bày về thân thế, sự nghiệp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bản Dạ cổ hoài lang; sân khấu biểu diễn loại hình đờn ca tài tử, biểu tượng đàn kìm, tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu, vườn tượng các nhạc cụ dân tộc khắc họa 12 loại nhạc cụ được làm bằng đá phổ biến trong đờn ca tài tử; gian hàng lưu niệm,... là những nơi du khách không thể bỏ qua.

Đặc biệt, trong khuôn viên công trình, đài nguyệt cầm nhìn từ trên cao xuống như chiếc đàn kìm nằm xung quanh vòng đài ống tre được khắc họa trên đá 20 bài tổ: 3 bản Nam, 6 bản Bắc, 4 bản Oán, 7 bản Bắc lớn và 1 bản Vọng cổ.

Khi đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2013, minh chứng cho sức sống mãnh liệt của bộ môn nghệ thuật độc đáo của Nam bộ. Qua 96 năm, bản dạ cổ hoài lang vẫn trường tồn cùng thời gian và trở thành niềm tự hào của nghệ thuật đờn ca tài tử Việt Nam./.

(Theo Báo Long An)

Hùng Anh
Bạn đang đọc bài viết "Về Bạc Liêu nghe Dạ cổ hoài lang" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.