Căn nhà sàn được xây dựng bằng vật liệu sẵn có dạng ống trụ như thân cây gỗ, tre nứa. Nơi che chở cho đời người. Và khi có ai đó nhắm mắt xuôi tay họ cũng được người thân gửi trọn thân xác và hồn vía vào cỗ quan tài hình ống bằng thân cây khoét rỗng.
Về ăn uống cũng gắn liền với bao vật dụng đa dạng hình ống. Cái chõ để đồ cơm xôi cũng là đoạn thân gỗ khoét rỗng rồi lót vỉ, đổ gạo, đậy kín, đặt lên nồi nước ninh sôi lấy hơi làm chín. Cái chõ đâu chỉ đồ cơm mà còn đồ rau, đồ thịt, đồ cả cá, cua, ếch nữa.

Người miền núi lấy nước từ nguồn về không dùng thùng chậu mà thường đựng trong những ống bương dài ba bốn gióng vác trên vai đi về nhà. Trước khi lên cầu thang nhà sàn sẵn có những ống nước, máng nước để rửa chân. Ngay cái gáo múc nước cũng làm bằng ống tre xinh xắn. Đồng bào vẫn đựng nước uống trong nhà, nước uống khi đi rừng bằng ống tre bương, nứa một gióng rất tiện ích và sạch sẽ. Ngay cả khi thưởng thức rượu cần. Rượu cũng được hút lên từ những cần trúc nhỏ khoét rỗng có hình ống uốn cong mềm mại, xoay chiều nào cũng tiện.
Đồng bào cũng rất thích nấu cơm, thổi xôi làm chín rau thịt cá bằng những chiếc ống. Đó là cách thức cơm lam rất phổ biến. Cách làm đó còn có thể áp dụng nấu rau thịt cá... nhất là lúc đi nương, khi đi rừng. Vật dụng hình ống đó có thể làm ra để muối thịt chua, muối măng chua, đựng muối ớt, muối hạt dổi, muối mắc khén...

Trong mọi gia đình, vật thể dạng ống cũng được dùng rất phổ biến, nào là ống thổi lửa, ống điếu cày, ống đựng đũa, ống đựng tiền tiết kiệm. Trâu gác bếp, vô số các ống tre, nứa đựng hạt giống rau quả đậu đỗ bí bầu để tới mùa sau gieo trồng. Chất liệu làm nên vật thể hình ống gia dụng thường từ gỗ, tre nứa, song mây hoặc những quả bầu khô để tạo ra những sản phẩm đậm nét văn hóa núi.
Ở môi trường sản xuất cộng cụ hình ống là hệ thống máng dẫn nước, ống cống tưới tiêu nước, ống nước trong các guồng, cọn xe nước để làm thủy lợi, giã gạo... Ngay việc giã gạo, chày cối cũng có hình trụ, hình ống. Khi đo lường có chiếc đấu để đong thóc, đong ngô, đong đỗ. Khi săn bắt chim thú cũng có ống nứa đựng chất nhựa dính thú lông mao, dính lông vũ. Khi đi rừng lội suối phòng vắt đỉa bà con cũng dùng ống nứa đựng vôi. Bôi đâu là vắt, sâu, đỉa sợ thia lia ra đó. Từ cái lờ, cái đó, cái nơm đến ống trũm, giỏ hom các vật thể đan hình ống đó cũng là vật bắt cá rất công hiệu.

Với cấu trúc hình ống, người miền núi đan lát rất tài hoa tạo ra những chiếc gùi địu trên lưng, những chiếc bồ nan đựng quần áo vải vóc, đồ đạc quý trong nhà mà hoa văn rất đẹp mắt. Dụng cụ hàng nan mây tre này hợp với nội thất nhà sàn giản dị, tinh tế khoe sự tài hoa khéo tay của chủ nhân làm ra nó một cách kín đáo.
Những nhạc cụ mang hương sắc núi rừng
Công cụ vò lúa, giã cốm bà con cũng dùng vật dụng bán hình ống do nửa thân cây khoét rỗng lòng máng gọi là lóong là đuống. Đây vừa là công cụ sản xuất vừa là một nhạc cụ bộ gõ có từ cổ xưa tồn tại tới ngày nay. Để có vật dụng nửa hình ống này người làm ra nó phải kỳ công chọn cây vừa dai vừa rắn gõ vào có âm sắc, lại phải phơi nắng, dầm mưa đục khoét khéo léo. Những buổi đâm đuống (hay còn gọi là kéng lóong) của từ 4 đến 6 cặp chày gõ vào máng, âm thanh trong gọn, vang xa rộn ràng giục dã bản làng. Những ống bầu cũng làm nên cây đàn tính, đàn bầu mà âm thanh của nó cũng làm say đắm bao du khách gần xa.

(Theo langvietonline.vn)