Thanh Chương

Văn Thánh Vĩnh Long- Biểu tượng của văn vật miền Tây

16/01/2017 10:03

Theo dõi trên

Nói đến văn vật Vĩnh Long thì không thể không nói đến Văn Thánh, một công trình tuyệt đẹp, nhìn ra sông Long Hồ êm đềm và lưu giữ trong nó ký ức về một thời nhân dân lục tỉnh Nam Kỳ gian nan chống đỡ quân Tây Dương tàn bạo. Di tích này gắn liền với tên tuổi cụ Phan Thanh Giản, vị Tiến sĩ khai khoa đất Nam Kỳ và tâm huyết của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Tấm bia giữa đường thần đạo

Văn Thánh Vĩnh Long được thiết kế với đường thần đạo chạy thẳng từ tam quan vào điện Đại Thành nhưng có ba tấm bia đá được dựng ngay giữa đường thần đạo như những bình phong nhỏ. Đứng bên những tấm bia nhìn ra tam quan, thấy con sông Long Hồ đang ào ạt chảy xuôi tôi bỗng liên tưởng đến đình Trấn Ba ở đền Ngọc Sơn (Hà Nội) với hàm ý ngăn chặn những con sóng văn hóa ngoại lai xâm nhập vào nền văn hiến của dân tộc.

Tấm bia do cụ Phan Thanh Giản soạn cho hậu thế thấy một giai đoạn lịch sử gian nan của đất nước, của vùng đất Long Hồ – Vĩnh Long này trong cơn bĩ cực, mịt mù khói lửa loạn ly do thực dân Pháp xâm chiếm Nam Kỳ. Năm 1862, ta mất ba tỉnh miền Đông nên nhân dân và sĩ phu ba tỉnh miền Đông đã tỵ nạn về Vĩnh Long, đến 210.000 người, bằng phân nửa dân số toàn tỉnh lúc bấy giờ. Có thể nói, Vĩnh Long khi đó là nơi chung đúc nỗi uất hận, chí khí đánh giặc cứu nước và lòng xót xa đối với “dân ấp, dân lân” đang điêu đứng vì giặc giã của nhân dân lục tỉnh Nam Kỳ. Phong trào chống Pháp khắp Nam Kỳ bùng lên mạnh mẽ như khởi nghĩa của Trương Định, Võ Duy Dương, Thủ khoa Huân… khiến  nhiều phen quân Pháp lao đao.




Tam quan Văn Thánh Vĩnh Long.

Giữa bối cảnh loạn lạc, rối ren đó Kinh lược sứ Phan Thanh Giản đóng tại Vĩnh Long và Đốc học Nguyễn Thông quyết tâm dựng Văn Thánh này. Chắc hẳn, với danh nghĩa đề cao đạo học, nơi đây là tụ điểm để sĩ phu hội họp, bồi đắp tinh thần ái quốc, bàn cách ứng phó với thời cuộc và lo chống giặc giữ nước. Văn Thánh được dựng lên như một trụ cột văn hóa, trước sự xâm lăng của thực dân Pháp không chỉ về mặt quân sự.

Sau khi giới thiệu những tấm bia trên đường thần đạo, cô cán bộ Sở Văn hóa – Thông tin đưa chúng tôi thăm công trình hai tầng tám mái, phía bên phải từ Tam quan vào, có treo bức hoành phi đề ba chữ “Tụy Văn Lâu” nghĩa là Lầu hội tụ/ tụ họp văn chương/ văn hóa/ văn nhân. Tên lầu khiến tôi nhớ đến câu thơ của Khuất Nguyên “Thương điểu hà chi, thục sử tụy chi” nghĩa là: “Chim thương bay thành từng đàn, ai khiến chúng tụ họp như vậy?”.

Năm 1933, sau khi vua Bảo Đại ban sắc phong tặng cụ Phan Thanh Giản là “Đoan túc Dực bảo Trung hưng tôn thần” thì ở gian giữa thờ Phan Thanh Giản và Võ Trường Toản..Phía trước khám thờ hiện nay có một bức ảnh chân dung cụ Phan Thanh Giản mặc quan phục và pho tượng đồng bán thân thể hiện cụ Phan mặc thường phục rất sống động. Pho tượng này do nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cung tiến năm 2008.

Phan Thanh Giản sinh năm 1796, xuất thân trong một gia đình nghèo khổ, nhờ có ân nhân giúp đỡ mà ông được theo đuổi việc đèn sách. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất năm Minh Mạng thứ 7 (1826), trở thành vị Tiến sĩ khai khoa ở đất Nam Kỳ.  Ông làm quan trải ba triều vua, là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Quan lộ của ông thăng giáng cũng nhiều. Dưới triều Tự Đức, ông giữ chức Thượng thư bộ Lại, sung Cơ mật viện đại thần. Năm 1850, ông được cử vào trấn nhậm miền Tây Nam Kỳ cùng với tướng Nguyễn Tri Phương. Sau đó, ông được phong làm Kinh lược sứ Nam Kỳ. Ông được vua Tự Đức giao làm Tổng tài Quốc sử quán coi việc biên soạn bộ Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, là một bộ sử quí giá của dân tộc. Vua Tự Đức đã từng thưởng cho Phan Thanh Giản tấm kim khánh có khắc 4 chữ “Liêm, Bình, Cần, Cán”.

Bi kịch của cuộc đời Phan Thanh Giản gắn liền với giai đoạn xây dựng Văn Thánh Vĩnh Long. Bộ Lịch sử Việt Nam gồm 15 tập của Viện Sử học xuất bản năm 2013 viết về giai đoạn này cho hay, ngày 20/6/1867, đoàn tàu chiến gồm 17 chiếc và 1.600 binh lính của Pháp dàn trận trước thành Vĩnh Long. Quân Pháp đưa thư đòi Phan Thanh Giản tới tàu của chúng để bàn về ba tỉnh miền Tây. “Phan Thanh Giản thiếu cảnh giác xuống tàu địch để thương lượng đã bị địch buộc phải nộp thành Vĩnh Long. Thân cô thế cô trên tàu địch, dưới áp lực vũ khí của kẻ thù, cuối cùng ông đã nộp thành cho giặc với mong muốn quân Pháp “không nhiễu hại dân lành”. Sử nhà Nguyễn chép: “Thanh Giản đến ngay thuyền nước ấy để cùng biện thuyết, vẫn không chịu nghe, bèn khuyên viên ấy chớ nhiễu hại nhân dân và tiền gạo hiện chứa trong kho vẫn do ta coi giữ, viên tướng ấy bằng lòng nghe theo, một lát sau trở về thì quân Pháp liền bốn mặt vào thành…”

Thấy mình không làm tròn bổn phận, cụ Phan bèn xếp tất cả phẩm phục, sắc phong kèm theo tờ sớ tạ tội rồi tuyệt thực trong 17 ngày. Đêm mùng 4 rạng ngày 5 tháng 7 năm 1867, Phan Thanh Giản uống á phiện với dấm thanh để ra đi, thọ 72 tuổi. Thi hài cụ được đưa về quê hương Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, an táng một cách đơn sơ với bia mộ ghi theo di chúc của cụ không có phẩm hàm, chức tước là “Nam Kỳ hải nhai lão thư sinh Phan công chi mộ” – Mộ của ông họ Phan là học trò già nơi góc bể Nam Kỳ.




Tượng thờ cụ Phan Thanh Giản

Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ yêu nước tiêu biểu của Nam Kỳ thế kỷ XIX đã dành cho Phan Thanh Giản những đánh giá trân trọng: “Lịch sự tam triều độc khiết thân/ Vi quân thùy tán nhất phương dân… Hữu thiên lục tỉnh tồn vong sự/ Nan đắc thung dung tựu nghĩa thần”  nghĩa là: Trải việc ba triều giữ thân trong sạch/ Không có ông thì ai đỡ cho dân một phương… Việc mất còn của sáu tỉnh đã có trời định/ Nhưng làm sao còn có được bầy tôi trung nghĩa nữa”.

Nhận định về sự kiện Phan Thanh Giản để mất ba tỉnh miền Tây, Viện Sử học viết: “Hành động này của ông xuất phát từ lòng thương dân”.

Một người một cách

Ngồi bên khẩu súng thần công hoen rỉ, vốn là vũ khí bảo vệ thành Vĩnh Long xưa, suy ngẫm về thời cuộc mới thấy để mất Nam Kỳ, Phan Thanh Giản đã tạ tội với non sông, với triều đình bằng cái chết của mình với một ý thức trách nhiệm nặng nề nhưng bi kịch của ông cũng là bi kịch của dân tộc lúc bấy giờ. Đồng liêu của cụ Phan là lão tướng Nguyễn Tri Phương dày dạn trận mạc và anh dũng, luôn quyết chiến và sẵn sàng hy sinh,  nhưng kết cục lần lượt để mất đại đồn Kỳ Hòa, mất Biên Hòa rồi mất cả thành Thăng Long. Ai cũng hiểu rằng đối chọi với “tàu đồng, súng lớn” của địch mà ta vẫn chỉ súng điểu thương, súng thần công thì làm sao có thể chống đỡ nổi. Cụ Phan Châu Trinh sau này nhận định, Pháp thắng ta là do họ đã đi trước chúng ta một thời đại, khi chúng ta còn đang ở nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu thì phương Tây, Pháp đã ở thời đại công nghiệp và đang tiến đến nền kinh tế tri thức. Muốn cứu nước thì không có con đường nào khác là phải đuổi kịp các dân tộc khác về mặt tri thức, đưa dân tộc ta ngang tầm  với các dân tộc khác về mặt tri thức. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể sinh tồn và cạnh tranh với họ.

Phan Thanh Giản, một nhà khoa bảng mà sự nghiệp thơ văn của cụ đủ để lại một tên tuổi lớn, với cương vị quan chức triều đình cụ là tấm gương liêm khiết, yêu nước, thương dân. Sau khi cụ qua đời, hai con của cụ là Phan Liên, Phan Tôn đã vào bưng biền kháng Pháp, đã từng bị Pháp tuyên án tử hình, sau đó hai ông theo Nguyễn Tri Phương ra trấn giữ thành Hà Nội và bị Pháp đưa đi đày ở đảo If trên Địa Trung Hải… Với những đóng góp như thế, dấu ấn của Phan Thanh Giản và các con để lại với Nam Kỳ khó có thể nhạt phai.

Ngày nay lịch sử đã lùi xa 150 năm kể từ ngày cụ Phan Thanh Giản tạ thế, đứng trước “Tụy Văn Lâu” hôm nay, trò chuyện với cô hướng dẫn viên xinh tươi, áo dài tha thướt, nón trắng tinh khôi, sinh ra và lớn lên trong hòa bình, tôi muốn nhắc lại ý kiến của ông Võ Văn Kiệt rằng: “Phan Thanh Giản có cách yêu nước của Phan Thanh Giản, Trương Định có cách yêu nước của Trương Định và tôi khẳng định Phan Thanh Giản là người yêu nước… Với tôi, đây là một tấm gương mà mỗi chúng ta nên suy nghĩ và học tập”.


Nguyễn Phan Khiêm

Nguồn: congluan.vn
Bạn đang đọc bài viết "Văn Thánh Vĩnh Long- Biểu tượng của văn vật miền Tây" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.