Vạn Phúc phát triển làng nghề kết hợp với du lịch văn hóa

21/09/2016 16:32

Theo dõi trên

Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) là một trong những làng nghề còn lưu giữ nhiều nét truyền thống của quê hương Việt Nam với cây đa, giếng nước, sân đình xưa. Nếu như trước đây làng lụa Vạn Phúc xôn xao với tiếng khung cửi thì nay đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong nước và quốc tế khi tới Hà Nội.

Làng nghề “Đệ nhất tinh xảo”

Người làng Vạn Phúc có nhiều điều để tự hào: Một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng từ xa xưa, từng được chọn may quốc phục dưới các đời vua nhà Nguyễn và được người pháp đánh giá là “Đệ nhất tinh xảo” của vùng Đông Dương tại hội chợ Paris năm 1932. Đến nay, không gian truyền thống này vẫn được tôn vinh là “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động đến ngày nay”, với những dòng sản phẩm độc đáo, quý phái, đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới.



Du khách nước ngoài chọn lựa sản phẩm áo sơ mi làm từ chất liệu lụa.

Cái tên làng lụa là cách gọi chung chứ riêng các sản phẩm làm từ tơ tằm ở Vạn Phúc đã có tới vài chục loại. Từ những loại lụa quý như lụa vân quế hồng điệp, lụa vân tứ quý, lụa vân long phượng mây bay, lụa vân thọ đỉnh, lụa quế trơn, sa trơn... tới những sản phẩm đại chúng hơn như sa tanh, đũi… hoa văn trên lụa Vạn Phúc trang trí đối xứng, đường nét tinh tế khi nổi khi chìm, có loại trang nhã, có loại rực rỡ, đường nét trang trí không rườm rà, phức tạp mà luôn mềm mại, phóng khoáng, dứt khoát, mẫu mã đa dạng.


Du khách thích thú tìm hiểu về quá trình tằm nhả tơ và tạo thành kén.

Bước vào Vạn Phúc là bước vào thế giới của sắc màu, với những xấp vải nhiều màu được bày bán trên phố. Người làng kể lại, người thợ khéo tay vẽ hoa đẹp, khâu hoa khéo, khi dệt lên thành hàng hoa không khác gì hoa thật, thể hiện sự tinh tế, thẩm mỹ và trình độ điêu luyện của nghệ nhân làng Vạn Phúc. Có những gia đình như nhà cụ Triệu Văn Mão, không chỉ giữ nghề của cha ông mà còn khôi phục được những mẫu lụa vân quý giá đã bị mai một.

Vẻ đẹp của lụa Vạn Phúc gắn liền với áo lụa Hà Đông vừa tinh tế, kiêu sa, vừa mềm mại, thướt tha đã làm nên nét trang nhã cho người phụ nữ Việt Nam.

Điểm du lịch - làng nghề độc đáo

Làng lụa Vạn Phúc cách trung tâm thành phố hà Nội chừng 10km. Nơi đây luôn được du khách quốc tế và trong nước lựa chọn khi đặt chân tới Thủ đô và là một trong những điểm nhấn quan trọng để xây dựng sản phẩm du lịch - làng nghề, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cho Hà Nội.



Nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc dệt lụa.

Tháng 3/2015, chính quyền địa phương đã đồng ý đưa vào hoạt động Trung tâm giới thiệu sản phẩm lụa truyền thống, đặt ở vị trí trung tâm của Làng lụa Vạn Phúc, với những gian hàng cam kết 100% các mặt hàng kinh doanh tại đây là lụa Vạn Phúc có thương hiệu và chất lượng cao. Điều này đã tạo ra một sự cạnh tranh công khai và minh bạch giữa những tiểu thương trong làng, để cùng phấn đấu vì mục tiêu chung giữ gìn thương hiệu cho làng nghề. Trong nhiều gia đình, khung dệt cổ vẫn được giữ lại, xen lẫn với các khung dệt cơ khí hiện đại, vừa để sản xuất vừa để phục vụ khách tham quan. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm, người làng Vạn Phúc cho biết, gia đình bà hiện nay có 15 máy dệt đặt ngay trong nhà, để du khách có thể tới xem quy trình dệt lụa, cũng như được tham gia cùng những người thợ để du khách có thể thấy quá trình hoàn thiện một sản phẩm được làm thủ công đòi hỏi sự công phu cần mẫn của nghệ nhân. Mỗi một sản phẩm là cả một quá trình từ nguyên liệu tự nhiên kết hợp với óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo mới có được những tấm lụa mềm mại mà không kém phần sang trọng.


Các sản phẩm thời trang như áo, khăn quàng, vải được bày bán tại không gian cổ kính của làng lụa Vạn Phúc.

Anh Rick Jason (du khách đến từ Mỹ) chia sẻ, một buổi chiều thăm thú Làng lụa Vạn Phúc, anh đã rất “vất vả” vì phải cân nhắc mang về quần áo, túi xách, ví hay đồ lưu niệm… để làm quà cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Đây cũng là những mặt hàng ưa thích của khách du lịch. Từ sản phẩm của một làng, lụa, gấm Vạn Phúc đã vượt qua giá trị hàng hoá đơn thuần trở thành một sản phẩm của văn hoá Việt, chuyển tải những giá trị thẩm mỹ của người Việt Nam ra thế giới. Đó cũng là những “con đường tơ lụa” mà lụa Vạn Phúc xây dựng cho riêng mình, có những hành trình vươn xa tới tận châu Âu, được ưa chuộng tại các quốc gia như Pháp, các nước Đông Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Thụy Điển.

(Theo Làng Việt Online)

Minh Khuê
Bạn đang đọc bài viết "Vạn Phúc phát triển làng nghề kết hợp với du lịch văn hóa" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.