Văn Như Cương, người tài hoa với trường thân yêu

09/07/2018 14:54

Theo dõi trên

Đã sắp đến giỗ đầu, anh em chăm chú hoàn thành cuốn sách về Văn Như Cương. Văn Như Cương (1937 - 9/10/2017) là một nhà giáo Việt Nam, nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ môn hình học, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam. Ông là một Tiến sĩ toán học (bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1971 tại Liên bang Xô Viết) được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư.

 
Tác giả cùng PGS. Văn Như Cương - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Mảnh đất ước mơ
 
Nhớ năm 2007, Giáo sư Văn Như Cương nói với tôi: “Lần này Tạo không đi là Cương từ mặt luôn”. Lần này tức là sáng mai cùng anh em văn nghệ sĩ, báo chí lên Hòa Lạc cách trung tâm Hà Nội hơn 30 km, nơi mấy năm trước ông đã cắm đất làm nhà làm vườn để nghỉ ngơi thư giãn tuổi tác, nhưng nhà nước lại thu hồi giải phóng để xây dựng khu khoa học công nghê cao. Đây có thể là cuộc đi cuối lên trang trại của ông. Thế là toi công sức tiền bạc và tình cảm làm nên! Vì thế khi thấy tôi xuất hiện trong đám bạn bè em út đến thăm, ông mừng lắm: “Tưởng không đi là Cương này từ thật chứ không phải đùa”.

Quả là hôm nay tôi có mấy việc đã hẹn, nhưng thương ông, đều phải hõan lại để lên thăm trang trại của ông một lần nữa, có thể là lần cuối cùng nơi ấm áp an hem, bạn bè.
 
Trước đây, khi lên chơi cùng ông nơi trang trại này, tôi nghe ông tâm sự chuyện mua trang trại này. Ông bảo, chỉ vì đi thoát ly gia đình mấy chục năm chuyên ở nhà tập thể, mà không có một tấc đất cắm dùi, nên thấy người ta mua đất, mình cùng đánh liều mua luôn một vạt. Gần chục nghìn mét đất bên sông Hát xưa, ông bỏ công xây tường bao, xây nhà nghỉ, xây cổng trước cổng sau bằng chất liệu đá ong đẹp như một lâu đài. Một hàng cây mơ cao bốn năm mét đến mùa nở hoa trắng tưng bừng. Một vườn cam, một vườn bưởi, một vườn vải, một vườn khế ngọt tình quê hương… mấy năm rồi kết trái… Những hàng quế tỏa hương thơm cay nhè nhẹ… Đang chìm ngập trong giấc mơ vườn tược thì được tin vạt đất này đã nằm trong qui hoạch Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Mấy năm nay, ông vẫn rủ chúng tôi lên chơi ngày nghỉ cuối tuần, dù gần đây ông biết chẳng bao lâu nữa trang trại này sẽ được san ủi mặt bằng.
 
Nhưng lần này, ông bảo có thể là lần cuối. Chúng tôi dạo quanh vườn nhìn ngắm từng cây cỏ hoa lá mà thấy thương cả chủ lẫn vườn. Thế là chúng tôi sẽ không bao giờ trở lại cái Lâu Đài bạn bè này nữa.
 
Đường từ Hà Nội lên trang trại hơn 30 km. Đến đầu tiên là nhà thơ Bằng Việt (người được mệnh danh là Cụ Rùa) và nhà văn Đoàn Tử Huyến. Đoàn chúng tôi hai xe xuất phát từ Bảo tàng Quân Đội gồm nhà thơ Bùi Minh Quốc nhà văn Ngô Thảo nhà văn Trung Trung Đỉnh nhà văn Khôi Vũ (từ Đồng Nai ra) NSND Trần Tiến, họa sĩ Đinh Quang Tỉnh, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, nhà báo Phương Liên, Thanh Nhàn, Thúy Hồng, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán và ái nữ Huyền Ngọc. Phát thanh viên Quỳnh Hoa (đài Truyền hình Hà Nội) tự lái xe chở mấy cụ non cùng đi. Dọc đường xe của vợ chồng nhà báo Lương Bích Ngọc (Tổng thư ký tòa soạn TuanVietNamNet) nhập đoàn. Xe của thẩm phán Nguyễn Hữu Lô nối theo. Nhà thơ Trần Ninh Hồ "độc mã" đến muộn hơn nửa giờ. Chủ nhà ra tận đường mới đón anh em.
 


(Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
 
Vợ ông và ba ái nữ của ông cũng đều là giáo viên, ba nhân vật gánh việc cùng ông với ngôi trường mang tên Lương Thế Vinh nổi tiếng cả nước. Hôm nay bà cùng con gái út Thùy Dương về đây chuẩn bị bữa tiệc đón bạn. Trong câu chuyện bên bàn tiệc, chúng tôi được biết thêm, cả nhà ông cùng lập nên trường Lương Thế Vinh, một trường tư đầu tiên tại Hà Nội theo quyết định số 2378/QĐ-UB ngày 1/6/1989 của UBND TP Hà Nội, và năm học vừa qua học trò tốt nghiệp phổ thông đạt 100%. Thế mới biết sự nỗ lực tuyệt vời của các thầy cô ở đây, mà công đầu là Giáo sư Văn Như Cương.
 
Cũng manh nha tại cuộc vui này, ông dự định xây ngôi trường Lương Khắc Vinh tại quận Cầu Giấy. Và tới năm 2010 thầy trò trường Lương Thế Vinh cơ sở A được chuyển về nhà mới - C5 khu đô thị Nam Trung Yên, dù trước đó cơ sở vật chất nhà trường phải thuê ở Cầu Giấy. Trường được đặt trên một khuôn viên tương đối rộng với tổng diện tích là 12.600m2 gồm 3 khối nhà, có khoảng sân chơi rộng cùng nhà thể chất và sân bóng. Trường có 33 phòng học ngoài ra còn có phòng y tế, phòng giáo viên và các phòng chức năng khác. Và ông hiệu trưởng có chỗ yên ấm trong khu trường lý tưởng của ông.
 
Vâng, chuyến đi nhớ mãi niềm mong ước của ông.

Được chơi với người tài
 
Mộ lần nhà báo Hà Tùng Long gọi điện thoại hỏi tôi chơi với giáo sư thế nào. Hóa ra là chúng tôi chơi với nhau. Tôi chơi với thầy Văn Như Cương lâu lắm rồi. Chúng tôi rất quý nhau vì chơi với thầy Văn Như Cương thú vị lắm. Thầy Cương rất thích đánh cờ, uống rượu và nói chuyện văn chương. Đặc biệt, thầy uống rượu cũng được lắm. Thầy thích uống rượu vodka Nga và Pháp nên mỗi khi tôi có loại rượu này tôi lại mang tặng cho thầy.
 
Thầy cũng thích uống rượu này với cá Astrakhan của Nga. Có lần, có anh bạn ở Nga về biếu tôi mấy kilogam cá Astrakhan tôi cũng mang biếu thầy hết.
 
Thời tôi còn ở chung cư 6 tầng không có thang máy, mời thầy cúng bạn bè đến chơi mà thầy vẫn leo lên tận nhà tầng 6. Anh em ngồi uống rượu đến khuya, khi thầy đã trên bảy mươi tuổi vẫn xe máy ra về bình thường.
 
Sở thích uống vodka nhắm cá Astrakhan bắt nguồn từ câu chuyện đó là, thời các thầy sang tu học bên Nga khá gian khổ và thiếu thốn. Mỗi khi buồn, chỉ có mấy ly rượu nhắm với con cá ướp mặn Astrakhan chứ không có gì khác. Từ cái đầu cá, vi cá vẫn được thày Cương nướng lên thơm phức. Sau này, dù đời sống đã khá hơn nhưng thầy vẫn giữ sở thích đó như một cách nhớ về một thời kỷ niệm, như chúng ta hay nhớ những món ăn tuổi thơ. Việc ăn đó không đơn thuần là ăn mà như một cách để nhớ về một thời gian khổ đã qua.
 
Một con người đã kinh qua những giai đoạn như thế nên họ có cả một quá trình để rèn luyện và phấn đấu. Để dù có đi tới một cái đỉnh cao nào cũng luôn thấy mình khiêm tốn, thấy mình là người bình thường.
 
Trước hết, với tôi, thầy Văn Như Cương là một người rất Nghệ. Cái chất đồ Nghệ thể hiện rất rõ ở sự thông minh, sắc sảo, hóm hỉnh và rất giàu tâm hồn thi ca - thơ phú. Ngoài ra, thầy Cương còn là một người rất thông minh và mẫu mực vì thầy xuất thân trong gia đình có truyền thống về Nho học của Quỳnh Lưu - Nghệ An. Nhiều năm gắn bó với nghiệp sư phạm nên tính gương mẫu của thầy Cương rất cao. Phải nói, thầy Văn Như Cương là một nhà sư phạm lỗi lạc vì ông có đóng góp rất lớn cho sư phạm Việt Nam.
 
Ông không chỉ có công lớn trong việc biên soạn các bộ sách giáo khoa, trong giảng dạy các cấp học mà còn đóng góp nhiều ý kiến cho công cuộc cải cách giáo dục với chính kiến rõ ràng, độc đáo và tân tiến. Những cải cách của thầy được cả xã hội thấy thích thú và ủng hộ.
 
Ngay cả việc thầy mở trường dân lập đầu tiên sau đổi mới cũng là một tư tưởng cải cách rất mới mẻ. Từ ngôi trường này, thầy đã xây dựng một phong cách giáo dục rất riêng mà sau này được rất nhiều trường dân lập khác học tập theo. Gần 30 năm tồn tại, trường đã đào tạo ra những lứa học sinh có kết quả học tập rất cao. Chất lượng đào tạo luôn đi kèm với triết lý: “Học làm người tử tế”.
 
Triết lý giáo dục “Học làm người tử tế” tác động rất mạnh, không chỉ trong trường Lương Thế Vinh mà còn tác động ra ngoài xã hội. Triết lý này làm cho người ta không quá tự ti mà cũng không quá kiêu ngạo. Triết lý này mang tới sự kỷ luật tự giác ở nhà trường.
 
Nói trường đó hà khắc là không đúng vì trường của thầy Văn Như Cương luôn dạy trò nghiêm khắc, không chỉ nghiêm khắc với người mà phải nghiêm khắc với chính mình. Có như thế chất lượng giáo dục mới tốt lên. Vì thế, học sinh của trường Lương Thế Vinh chất lượng rất đồng đều và kết quả đỗ đại học hàng năm 100%.
 
Mặc dù vậy, thầy Văn Như Cương vẫn đưa ra quan điểm là cả nước vào đại học cả thì không nên, phải có người làm cái này, người làm cái kia. Phải có người học giỏi để tiếp tục dìu dắt các thế hệ trẻ, nhưng bên cạnh đó cũng phải có những người làm thợ để cân bằng xã hội. Quan điểm của thầy không chỉ cho thấy thầy nhà sư phạm lỗi lạc mà còn rất mẫu mực trong công cuộc giáo dục của mình.
 


(Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Nhà thơ nơi xóm Điếm

Quê của thầy Văn Như Cương cũng là quê của “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương, thuộc xóm Điếm, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
 
Xóm Điếm, nơi có cái điếm canh từ thời trước, quả là một "xóm thơ". Nói là xóm thơ, vì xóm này không chỉ có bà Hồ Xuân Hương làm thơ mà có hàng chục hàng trăm người làm thơ nối tiếp nhau từ đời này sang đời khác. Chỉ tính từ cụ Hồ Phi Diễn đến nay cũng không đếm hết những tên tuổi thành danh từ cái xóm nhỏ này.
 
Xóm Điếm ở trong một cái làng có đến 531 sinh đồ (Tú tài), 203 hương cống (Cử nhân) với 958 lượt người đỗ 116 khoa thi hương trong đó có đến 13 giải nguyên như: Dương Cát Phủ, Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Dương Dực, Phan Đình Phát… đỗ đại khoa thì có 4 phó bảng: Hồ Bá Ôn, Phan Duy Phổ, Hoàng Mậu, Lê Xuân Mai; có 6 tiến sĩ: Hồ Sĩ Tân, Phan Hữu Tính, Hồ Sĩ Tuần, Văn Đức Giai, Nguyễn Sĩ Phẩm, Dương Thúc Hạp; 2 hoàng giáp: Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Đống; một thám hoa: Dương Cát Phủ; một bảng nhãn: Hồ Sĩ Dương.
 
Sau này có đến mấy nhà thơ, nhà văn hội viên hội Nhà Văn Việt Nam và nhiều nhà thơ khác là hội viên tỉnh này, thành phố nọ, rải rác khắp nơi. Nói thế để thấy truyền thống văn chương chữ nghĩa ở đây thật là giàu có. Thầy Văn Như Cương cũng là một "nhà thơ" rất hóm chữ nghĩa.
 
Thầy nổi tiếng dạy toán, từng soạn nhiều tập sách giáo khoa cho ngành giáo dục nhưng thầy cũng là người yêu văn chương, chữ nghĩa. Thầy có nhiều bài thơ tự trào và câu đối được bạn bè truyền tụng. Và đôi khi cao hứng, thầy cũng tếu táo cho vui đời: “Văn Như Cương, toán cũng Như Cương”.
 
Thầy làm thơ không nhiều và cũng chỉ để đọc chơi trong các cuộc bạn bè vui vẻ hoặc để tặng người thân. Đọc thơ thầy Cương lại thấy thật nhẹ nhàng và thanh thoát:
 
“Em cắm hoa tươi đặt cạnh bàn 
Mong rằng Toán học bớt khô khan
Em ơi, trong Toán nhiều công thức
Đẹp cũng như hoa lại chẳng tàn” 
(Toán và hoa).
 
Có lần tôi nghe thầy nói say sưa về con số trong thơ. Với thầy, trong thơ con số cũng là con chữ, nó chứa đựng cả tâm hồn của con người. Có lẽ vì thế mà trong thơ thầy hay giật mình về con số tuổi tác. Nhưng sau cái giật mình bản năng ấy, lại hiện ra một trí tuệ giàu hài hước: “Năm chục như ta cũng khối người/Hơn nhau chỉ mỗi bộ râu thôi”; “Sáu mươi chưa chịu về đâu nhé/Khối cụ tám mươi vẫn cố ngồi!”, “Em sáu mươi và anh sáu ba/Đố ai dám bảo chúng ta già?”.
 
Đôi khi ta thấy trong thơ ông một sự sắp đặt khá tài tình: “Bà quá sáu lăm, tôi bảy mươi/Sống thêm mấy chục nữa cho đời!... Tuổi già cứ đến không sao hết/ Bà vẫn như xưa trong mắt tôi”.

Thầy có 2 bài thơ cấu tứ thật bất ngờ đó là bài “Cõng mẹ đến nhà thờ họ Văn” và bài “Ông và cháu”. Bài thơ “Cõng mẹ đến nhà thờ họ Văn” này khiến tôi nhớ lại 15 năm trước bắt gặp tấm ảnh thầy Văn Như Cương râu tóc bạc phơ cõng mẹ già mà ai đó chộp được đem đăng lên báo. Nhìn tấm ảnh, xúc động vô cùng. Khi đọc bài thơ “Cõng mẹ đến nhà thờ họ Văn” của thầy, mới thấm thía cái tình mẫu tử lúc tuổi già:
 
“Con sáu ba cõng Mẹ chín tư
- Trời ơi, mẹ nhẹ thế này ư?
- Thôi con, đừng có lo cho mẹ
Mẹ sợ chân con lại mỏi nhừ”.
 
Có lẽ vì thế mà ông có một tình yêu con cháu đến phát thèm:
 
“Ông yêu cháu nhất nhà
Yêu hơn yêu mẹ cháu
Yêu hơn cả yêu 
cháu chưa biết nói
Chẳng cãi ông bao giờ”.
 
Thơ thầy Văn Như Cương thấm đẫm chất “nói trạng” của những ông đồ xứ Nghệ xưa. Thông minh, hóm hỉnh, thân gần… Giờ Thầy Cương đã ra đi về cõi vĩnh hằng, đọc lại những câu thơ của thầy để lại, tôi như thấy "Ông Tiên tóc trắng" vẫn ngồi bên mình, cũng với triết lý sống trong thơ ông đó là hãy sống tin yêu và sâu sắc với mọi người. Và bẫng khuâng mãi cuộc đời:
 
Ngang trời một cánh chim bay
Gió đưa nhè nhẹ sao mây bồi hồi
Non xa khuất bóng mặt trời
Chiều buông chiều tím, mình tôi đứng buồn

Vĩnh biệt người thầy thân yêu

 


(Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
 
Lên mạng được tin thầy Cương qua đời, tôi gọi điện cho ái nữ của thầy là Văn Thùy Dương, được biết chính xác là thầy đã vĩnh biệt cõi trần vào lúc 0 giờ 28 phút ngày 9/10/2017. Thầy ngừng thở trên chiếc giường thân thuộc trong căn nhà của mình...
 
Thầy Văn Như Cương là một nhà sư phạm lỗi lạc. Thầy luôn có những quan điểm mạnh mẽ cho sự phát triển nền giáo dục tiên tiến của nước nhà. Thầy thành lập trường THPT Lương Thế Vinh năm 1989, là trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam sau đổi mới. Sau 25 năm làm Hiệu trưởng, thầy nghỉ chức Hiệu trưởng và làm Chủ tịch HĐQT. Hàng vạn học sinh của trường đã vào đại học và trưởng thành luôn biết ơn thầy và mái trường thân yêu.
 
Khi thầy bị bệnh ung thư phải đi điều trị, hơn 3.000 học sinh toàn trường hát vang ca khúc truyền thống Bài ca Lương Thế Vinh tiễn thầy vào bệnh viện. Hơn 19.000 con hạc giấy đã được gấp và treo thành từng dây ở sảnh trường Lương Thế Vinh với niềm tin của các em là, những con hạc giấy sẽ giúp thầy vững vàng chống chọi với bệnh tật và mau khỏi bệnh. Và khi thầy ra viện, cả nghìn thầy trò đã sắp hàng dài trước cổng đón thầy với tiếng vỗ tay và tiếng trống trường giòn giã.
 
Nhưng thầy Cương đã vĩnh viễn ra đi, hưởng thọ 80 tuổi (1937-2017).
 
Với tôi, thầy Cương như một người cha, người anh cả và là người bạn vong niên vô cùng quý trọng. Thầy chân thực, tình cảm, thông minh và thẳng tính, thường đưa ra những phát biểu hay bất ngờ, làm cho nhiều người ngạc nhiên và khâm phục.
 
Ước gì nền giáo dục Việt Nam có được nhiều thầy như thầy Văn Như Cương. Nhưng thật khó thay. Vì thế mà thầy ra đi để lại một khoảng trống, như một cây đại thụ nằm xuống để trống một khoảng trời khó lòng bù đắp.
 
Xin gửi lời chia buồn sâu sắc đên cô và con cháu cũng đại gia đình. Cầu cho linh hồn thấy siêu thoát và phù hộ cho gia đình và mái trường thân yêu.
 
Vĩnh biệt thầy Văn Như Cương với lòng tiếc thương vô hạn.
 
Nguyễn Trọng Tạo

Bạn đang đọc bài viết "Văn Như Cương, người tài hoa với trường thân yêu" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.