Văn miếu Trấn Biên - biểu tượng văn hóa người Việt phương Nam

15/11/2020 15:48

Theo dõi trên

Văn miếu Trấn Biên được mệnh danh là “Quốc Tử Giám” của Nam Bộ. Từ lâu nơi đây đã trở thành biểu tượng của truyền thống hiếu học, của hào khí và văn hóa người Việt phương Nam với vẻ đẹp vừa cổ kính vừa trang nhã.

Văn miếu Trấn Biên thờ phụng Khổng Tử, các bậc vĩ nhân, danh nhân văn hóa tiêu biểu của đất nước.

Văn miếu Trấn Biên được xây dựng năm 1715, tọa lạ trên diện tích 2 hecta đất tại thôn Tân Lại, tổng Phước Dinh, huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa, nay thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Văn miếu Trấn Biên xây dựng sau Văn Miếu Quốc Tử Giám 700 năm, nhưng lại là Văn miếu đầu tiên của đất phương Nam, tiếp nối truyền thống của Văn miếu Quốc Tử Giám ở Thăng Long, Hà Nội làm biểu tượng cho tinh thần hiếu học, trọng nhân tài, đức độ, vinh danh người hiền tài.

Ngày trước, bên cạnh Văn miếu là trường học của tỉnh Biên Hòa - nay là tỉnh Đồng Nai, có nền giáo dục phát triển, nơi nuôi chí lớn, đào tạo ra nhiều bậc hiền tài như Võ Trường Toản, Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức và Nguyễn Đình Chiểu,…

 
 
Với mục đích hướng về cội nguồn, truyền thống gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, lòng hiếu học của người dân thời bấy giờ nên Văn miếu đã được vua, chúa chú tâm sửa chữa, tôn tạo. Năm 1794, chúa Nguyễn Ánh đứng ra sai lễ bộ Nguyễn Hồng Đô lo việc sửa sang lại Văn miếu lần đầu tiên, “ở giữa làm Đại thành điện - Đại thành môn, phía đông làm Thần miếu, phía Tây làm Dục Thánh từ, bên tả có cửa Kim Thanh, bên hữu có cửa Ngọc Chấn, phía trước xây tường ngang, giữa sân dựng Khuê Văn các để treo trống. Xung quanh xây thành vuông, mặt tiền có cửa Văn miếu, hai bên có cửa Nghi môn trên rường cột chạm trổ tinh xảo, đồ thờ có khám vàng, ve chén, đồ phủ quỹ biên đậu điều chỉnh nhã tinh khiết” (theo Trịnh Hoài Đức - Gia Định thành thông chí).

Lần trùng tu thứ hai vào năm 1852. Sau lần này, Văn miếu có diện tích, quy mô lớn hơn. Văn miếu chính đường và tiền đường đều 5 gian, lại dựng thêm hai dãy tả vu và hữu vu, mỗi dãy 5 gian, đền Khải Thánh, chính đường và tiền đường đều 3 gian, một tòa cửa giữa 3 gian, một tòa cửa trước 1 gian, một tòa kho đồ thờ 3 gian, một tòa Khuê Văn các 2 tầng, ba gian hai chái, phía trước, biển “Đại Thành điện” đổi làm “Văn miếu điện” và “Khải Thánh điện” đổi làm “Khải Thánh từ”.

Văn miếu trải qua nhiều thời kỳ bị phá hủy, nặng nhất là vào năm 1861 khi giặc Pháp đánh chiếm Biên Hòa, chúng đã tàn phá Văn miếu với mục đích muốn hạ hào khí chống giặc của người dân Nam bộ thời bấy giờ.

Những năm gần đây, nhân dịp kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng lại Văn miếu Trấn Biên trên nền Văn miếu xưa cách trung tâm thành phố khoảng 2 km về phía Tây, gần Trung tâm Văn hóa Du lịch Bửu Long.

Lễ khởi công diễn ra vào năm 1998 và khánh thành công trình giai đoạn 1 vào năm 2002. Trong dịp kỷ niệm 290 năm Văn miếu, các công trình giai đoạn 2 tiếp tục được xây dựng và mở rộng thêm diện tích.


Hiện nay Văn miếu Trấn Biên nổi bật giữa vùng không gian thoáng đãng, nhiều cây xanh, nhiều trảng cỏ, hàng tre, có những vòm mái cong, lợp ngói lưu ly màu xanh ngọc.

Từ ngoài trông vào, Văn miếu hiện ra lần lượt là nhà bia truyền thống Trấn Biên - Đồng Nai, Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, cổng tam quan, nhà bia thứ hai thờ Khổng Tử và sau cùng là nhà thờ chính rộng lớn. Ở đây có tấm bia lớn có khắc dòng chữ to: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Nhà thờ chính xây dựng kiểu nhà ba gian hai chái, theo kiến trúc cổ, sơn son thếp vàng, nền lát gạch tàu màu đất đỏ. Trên các cột nhà treo đôi liễn đối, như “Nguyễn Hữu Cảnh định nghiệp Trấn Biên - Lớp lớp anh tài giang lục tỉnh - Võ Trường Toản mở trường Gia Định - Đời đời sĩ khí nối tam gia”,… Bên trái là nơi thờ các danh nhân văn hóa Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An... Bên phải thờ danh nhân đất Nam Bộ như Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu... Nằm trang trọng chính giữa gian thờ là bàn thờ vị danh nhân văn hóa vĩ đại của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh được trang hoàng khéo léo, trang nghiêm như thể hiện tấm lòng tôn kính của người Nam Bộ bối đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
 

Bên cạnh đó, gian nhà thờ còn chứa nhiều công trình mang ý nghĩa văn hóa như bia truyền thống, tủ chạm khắc tinh vi chứa 18 kg đất, 18 lít nước mang về từ đền Hùng, trống hội Thăng Long, bên cạnh phía ngoài còn có gian nhà trưng bày lưu giữ những bản sắc, kỷ vật lưu niệm qua từng giai đoạn lịch sử.

Văn miếu là nơi bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa giáo dục xưa và nay của dân tộc, của đất phương Nam nói chung và của mảnh đất Đồng Nai nói riêng. Văn miếu Trấn Biên đóng góp phần không nhỏ trong việc phát triển du lịch văn hóa - nhân văn gắn với khu danh thắng Bửu Long đã được công nhận là di tích quốc gia.

Văn miếu còn là điểm đến lý tưởng cho người dân Nam Bộ, là nơi tổ chức lễ báo công, vinh danh nhân tài…


Khi đến Văn miếu, người dân có thể tự do tham quan, hoặc sẽ có hướng dẫn viên du lịch hướng dẫn và giới thiệu đầy đủ về Văn miếu.
 
Thiên Di

Bạn đang đọc bài viết "Văn miếu Trấn Biên - biểu tượng văn hóa người Việt phương Nam" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.