Văn hóa Óc Eo - viên kim cương lấp lánh

10/01/2018 10:54

Theo dõi trên

Về với miền Tây sông nước, dù đặt chân ở vùng đất Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang hay Đồng Tháp, du khách vẫn thấy thấp thoáng những di chỉ còn sót lại từ nền văn hóa Óc Eo (từ thế kỷ I – VII sau Công nguyên). Đã qua 15 thế kỷ, nhưng dấu tích của nền văn hóa vẫn còn lưu lại trên vùng đất châu thổ đồng bằng sông Cửu Long như một quá khứ vàng son chưa bao giờ tàn lụi.

Quá khứ rực rỡ

Theo lời giới thiệu của anh Tư Khoa – một hướng dẫn viên của Phòng văn hóa địa phương, thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn, An Giang) chính là cái nôi cổ xưa của nền văn hóa Óc Eo.
 
 
Khách tham quan tại Gò Tháp và gò Minh Sư tại tỉnh Đồng Tháp
 
Anh Tư Khoa thuyết minh thêm: “Óc Eo là tên gọi kinh đô của vương quốc Phù Nam ở hạ lưu sông Mê Kông tồn tại từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7. Sau đó Óc Eo được các nhà khảo cổ Pháp đề nghị đặt tên cho di chỉ ở núi Ba Thê nằm trong lãnh địa của huyện Thoại Sơn”.
 
Mặc dù đã nhiều lần đặt chân đến với quê lụa Tân Châu nhưng đối với nhiều du khách, Thoại Sơn vẫn là một vùng đất còn chứa nhiều điều lạ lẫm.
 
Thị trấn Óc Eo hiện nay tươi trẻ với những con đường mới mở và những dãy nhà cao tầng của vùng nông thôn đang được đô thị hóa. Trước hình ảnh dòng sông, con kênh nhỏ bé hôm nay phơi mình uốn lượn bên những mảnh vườn xanh tốt, ít ai nghĩ rằng, nơi này từng là thương cảng sầm uất của vương quốc Phù Nam.
 
Gò Cây Thị cách thị trấn Óc Eo chưa đến 10 cây số. Trước khi vào Gò Cây Thị, phải đi qua những cánh đồng lúa và ruộng sen đẹp như một bức họa đồng quê. Gò Cây Thị là hai khu gò cao và nếu không có hướng dẫn viên giới thiệu, chắc có người nghĩ mình lạc bước vào một lò gạch cũ đã bị con người lãng quên.
 
Nhưng hai bãi đất này chính là di chỉ của nền văn hóa Óc Eo được các nhà khảo cổ phát hiện cách đây 100 năm dưới thời Pháp thuộc. Dù không biết “nói chuyện” với con người nhưng các hố khai quật đã được các nhà khảo cổ bắt phải “lên tiếng” minh chứng rằng, từ xa xưa có một hệ thống kênh đào giữa một khu thương mại sầm uất của vương quốc Phù Nam.
 
Không gian văn hóa Óc Eo không chỉ bó hẹp trong một khu đất mà còn mở rộng ra các vùng đất khác bằng những chứng tích nền móng sót lại. Nơi đây cũng hiện lên một sơ đồ những “đường nước cổ” ghi lại dấu tích chưa phai mờ của các dòng kênh nối cửa biển Óc Eo với thủ phủ của Vương quốc Phù Nam xưa. Xa xa, núi Ba Thê tuy không cao nhưng vẫn hiện lên rõ mồn một cũng là một địa chỉ quen thuộc của các nhà khảo cổ khi nghiên cứu nền văn minh cổ đại Óc Eo.
 
Nuối tiếc dĩ vãng trôi qua
 
Nằm lặng lẽ và cách biệt với gò Óc Eo và gò Giồng Cát, gò Cây Thị A nổi bật ngay ở phần tiền điện và chính điện. Mấy bậc thềm hình bán nguyệt được xây bằng những viên gạch to lớn đến nay vẫn giữ được sắc diện riêng với đủ màu trắng, hồng, nâu… tất cả toát lên vẻ đẹp cung đình mang tính tôn giáo để khẳng định trường phái đền thờ Bà La Môn giáo trong từng kiểu dáng kiến trúc.
 
Cách hơn 20m, một gò đất có hình bầu dục vẫn lặng thầm giữ được dấu tích cổ xưa, đó chính là gò Cây Thị B. Khi khai quật, các nhà khảo cổ bất ngờ phát hiện dưới nền móng vững chắc là những lớp đất sét lạ trong đó có lẫn than, xương và những mảnh gốm Óc Eo.
 
Phần lớn những di tích này có tuổi đời trẻ hơn gò Cây Thị A. Cũng từ nơi đây, hàng nghìn hiện vật của văn hóa Óc Eo như rìu đá, đồ gốm, tượng gỗ, tượng đồng, trang sức bằng đá… đã được các nhà khảo cổ bắt phải lên tiếng.
 
 
Một góc của Gò Cây Thị A ở thị Trấn Óc Eo
 
Trong lòng đất của vùng văn hóa Óc Eo cũng cất giữ những điều bí mật khác qua những hạt lúa cổ, di cốt động vật và con người sau công nguyên. Dù trải qua bao mưa nắng, dấu vết các ngôi mộ cổ, kiến trúc xưa vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt chưa một lần bị bào mòn theo năm tháng.
 
Gò Cây Thị cùng gò Tháp ở xã Mỹ Hòa (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) đã làm nên những điểm sáng bất ngờ trên tấm bản đồ quý giá của văn hóa Óc Eo vừa đa dạng vừa sinh động.
 
Anh Trung - một chuyên viên của Sở GD&ĐT tỉnh An Giang “minh họa” thêm: “Theo các nhà khảo cổ, những hiện vật tìm thấy được càng ngày càng chứng tỏ văn hóa Óc Eo có một nền kinh tế rất phát triển, một trung tâm thương nghiệp phồn thịnh, có quan hệ kinh tế và văn hóa khá rộng rãi với vùng Đông Nam Á, Trung Hoa, Ấn Độ, Ba Tư, Địa Trung Hải”.
 
Điều này dường như được khẳng định thêm thông qua những hiện vật được trưng bày trong nhà trưng bày nền văn hóa Óc Eo tại thị trấn Óc Eo. Ngoài những viên gạch thô sơ là những bức tượng gỗ, phù điêu gốm, đồ trang sức bằng đá… tất cả là bằng chứng minh xác về sự tồn tại một vương quốc thịnh vượng đã đi qua thời kỳ hoàng kim trong buổi hồng hoang lịch sử.
 
Những sản phẩm được khai quật qua nhiều đợt khai phá của các nhà khảo cổ học tìm thấy từ Gò Cây Thị, Gò Ba Động, Gò Bảy Liếp, Gò Thép, Gò Xoài… đã về đây hội tụ.
 
Dù nằm rải rác khắp nơi nhưng sau khi được về sống chung trong một mái nhà bảo tàng, các di vật quý báu của nền văn hóa Óc Eo đã tự mình khẳng định thêm giá trị văn hóa, lịch sử của tộc người đồng bằng sông Cửu Long.
 
Là một vùng đất mới đối với người Kinh từ trong lớp trầm tích của lịch sử, văn hóa Óc Eo càng khẳng định thêm vị trí để tô lên một sắc màu không trộn lẫn đối với nền văn hóa Việt Nam đa dân tộc.
 
Trong con mắt TS Nguyễn Thị Mỹ Duyên - nguyên giảng viên Trường ĐH Văn hóa TPHCM, dấu ấn của nền văn minh rực rỡ Óc Eo không chỉ là một di sản văn hóa, lịch sử quý báu mà còn là sản phẩm du lịch đặc thù mang tính cạnh tranh cao của tỉnh An Giang vẫn lưu giữ được những giá trị về bản sắc tinh hoa của một vùng đất.
 
Cho đến nay, văn hóa Óc Eo vẫn có một sức sống riêng không thể bị vùi lấp, như đánh giá của nhà nghiên cứu khảo cổ TS Nguyễn Thị Hậu - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: “Nhiều thế kỷ qua dù có thay đổi về kinh tế, xã hội nhưng từ thế kỷ thứ 7 đến nay cuộc sống của cư dân cổ Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp diễn trong sự thích ứng cao nhất với điều kiện tự nhiên và bằng sự duy trì truyền thống quý giá của nền văn hóa Óc Eo”.

Theo Nguyễn Hoàng Anh
(Giáo dục & Thời đại)

Bạn đang đọc bài viết "Văn hóa Óc Eo - viên kim cương lấp lánh" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.