Văn hoá dân gian của người Nguồn

29/11/2016 08:00

Theo dõi trên

Người Nguồn là một tộc người thiểu số được hình thành và phát triển từ cội nguồn huyết thống dân tộc và cội nguồn văn hoá dân tộc sinh sống lâu đời tại vùng Cơ Sa nguyên và Kim Linh nguyên của Bố Chính châu, Nghệ An xứ, nay là 16 xã của huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình.

Văn học, văn nghệ dân gian

Văn học, văn nghệ dân gian Nguồn khá phong phú, đặc sắc, gồm: kho tàng truyện truyền miệng dân gian (thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện cười); Kho tàng thơ ca dân gian (ca dao, dân ca, đồng dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố dân gian); Các làn điệu dân ca (hát đúm, hát đàn, hát ru, hò thuốc lá)…mà các tộc người Việt (kinh), Mường, Thổ, Chứt không có. Trong kho tàng truyền miệng dân gian, một nguồn tài liệu chủ yếu để dựng lại lịch sử tổ tiên người Nguồn từ thời nguyên thuỷ đến nay, về thần thoại nói về Pụt và tục thờ Pụt của người Nguồn có các truyện: Ôông Pụt ở lèn Ông Ngoi, sự tích Thác Pụt, Tẹo chò nố ăn (đẽo chân nấu ăn), Pắt mèo mà cằn (bắt mèo mà cày), Kẻ Nguồn ngắn hơn kẻ Puôn (Của Nguồn ngắn hơn của Kinh), Pụt chộ tha, tha khôông chộ Pụt (Pụt thấy ta, ta không thấy Pụt), Ôông Đùng mầy Thàng Sắt (Ông Đùng và thằng Sắt)…Về truyền thuyết nói về sự tích các thần, hang động, xữ đồng, các dân tộc ở Cơ Sa - Kim Linh gắn bó máu thịt với đời sống của người Nguồn từ thuở “tựng tất, tựng dác” (dựng đất, dựng nước) đến nay, có các truyện: Thần lâm Vọ, Thần Đò Mỏ, sự tích Rú Cơ Sa, sự tích sinh ra các dân tộc Mày – Nguồn – Puôn…Về cổ tích nói về các con vật quen thuộc gắn bó với các nghề làm ăn sinh sống của người Nguồn có các truyện: Thương con xóc, côốc, ăn vôn lóc rọt (thương con bị gốc cây đâm, ăn môn nóng ruột), Con la đa, Cóc ti téng trời (cóc đi đánh trời), nước nam nái…Đắc biệt điệu hò thuốc lá với cặp từ lấy nhịp “hôi lên là hôi lên” thể hiện sâu sắc hiện thực đánh bắt cá tập thể từ thời nguyên sơ cho đến nay của người Nguồn mà các tộc người Kinh, Chứt (nhóm Sách, Mày, Rục, Khùa), Mường, Thổ không có. Tất cả kho tàng văn học, văn nghệ dân gian Nguồn đã được biên tập trong các công trình đã được giải thưởng của Hội VNDNVN nói trên. Điều đó chứng tỏ văn học, văn nghệ dân gian của người Nguồn là của người Nguồn.

Văn hoá ẩm thực

Trong tác phẩm: “Văn học dân gian và văn hoá ẩm thực người Nguồn ở Việt Nam” gồm 7 cách ăn uống (ăn bổi, ăn cộ, ăn hang, ăn kiêng, ăn cừ, ăn chây, ăn oóc hoọng), 8 món cơm, 49 món keng (canh), 6 món péng (bánh), 5 món lớ (bột lúa rang), 5 món cháo, 2 món quả cây làm cơm canh ăn và 5 món nước uống.

Đối với người Nguồn, món cơm ăn hàng ngày là “pồi”, hay còn gọi là “cơm pồi”. Nhiều người kể cả người Nguồn, trong quá trình sưu tầm nghiên cứu đã phiên âm ra tiếng Việt “Pồi” là “Bồi” và “cơm Pồi” là “cơm Bồi”.

Hiện nay khi giao tiếp với nhau hoặc với người Kinh bằng tiếng Việt, người Nguồn vẫn cứ phiên dịch “pồi” là “bồi”, “cơm pồi” là “cơm bồi”.

“Pồi” là món cơm ăn hàng ngày của người Nguồn được chế biến bằng cách: Ngô hạt đem ngâm nước nóng vài ba giờ cho nở ra, vớt ra sàng để ráo nước, bỏ vào cối giã kĩ, giần lấy bột, rồi thấm nước lã nhồi kĩ cho bột ngô thấm nước vừa đủ thì đánh tơi ra, bỏ vào chõ, xôi (đồ) chín thành cơm.



Còn người Kinh dùng ngô làm “cơm ăn” bằng hai cách: một là đem ngô hạt đun kĩ cho hạt ngô nở to ra, bung ra mà ăn; hai là đem ngô hạt xay vỡ nhỏ ra rồi độn với gạo nấu thành cơm gọi là cơm độn ngô, chứ không biết làm “cơm pồi” như người Nguồn.

“Cơm Pồi” ăn với ôốc tực, thâu lang, cà lào (ốc vặn, rau lang, cà rừng) đã thành các món ăn truyền thống gắn bó thân thiết, thấm vào máu thịt của người Nguồn. Do cách chế biến ngô thành “cơm ăn” và cách chế biến các món canh ăn cùng “cơm ăn” khác nhau, tạo nên văn hoá ẩm thực của người Nguồn và người Kinh khác nhau. Nên khi xa nhà, xa quê hương mỗi người có cách nhớ nhung quê nhà theo văn hoá ăn uống của mình. Người Nguồn nhớ quê bằng sự nhớ da diết:


Mặt trời tá các hòn chôông

Ti nô cũng nhớ nghè hôông cơm pồi

(Mặt trời đã gác hòn chôông

Đi đâu cũng nhớ nồi hôông cơm pồi)

Y học dân gian

Từ xưa đến nay, người Nguồn chữa bệnh cho người và gia súc bằng những bài thổi và bài cỏ gia truyền của mình.

Qua quá trình sưu tầm điền dã về văn hoá chữa bệnh dân gian của người Nguồn cho thấy có 14 bài thổi chữa các bệnh hóc xương, rắn cắn, bị bỏng…và 49 bài cỏ gia truyền chữa các bệnh như sởi, thuỷ đậu, nực, viêm họng hạt…

Những bài thổi, bài cỏ gia truyền biên tập trong công trình này là do người thân ruột thịt (cha, mẹ, ông, bà…) truyền dạy lại cho thế hệ sau để dùng chữa bệnh cho mình, cho người và gia súc trong địa phương có hiệu quả, chứ không phải đã ảnh hưởng của người bản địa Chứt và Bru như nhiều nhà nghiên cứu đã nói.



“Tón ăn thâu, tâu oóng cỏ” (Đói ăn rau, đau uống thuốc) cũng là một chứng cứ văn hoá dân gian Nguồn đáng được trân trọng, bảo tồn, phát huy trong hội nhập WTO, xây dựng và phát triển du lịch, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay.

Từ những điều trình bày ở trên có thể nói rằng người Nguồn là một tộc người thiểu số có ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Nguồn có văn hoá dân tộc Nguồn riêng, chủ yếu là văn hoá dân gian phong phú đặc sắc mà các tộc người Việt (Kinh), Thổ, Mường, Chứt (nhóm Rục, Mày, Sách, Khùa) không có.

(Theo langvietonline.vn) 

Tuấn Anh
Bạn đang đọc bài viết "Văn hoá dân gian của người Nguồn" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.