Vàm Tấn xưa - Đại Ngãi hôm nay

01/04/2019 13:33

Theo dõi trên

Vàm Tấn là tên gọi đầu tiên của làng Đại Ngãi xưa kia, được hình thành cùng lúc với các địa danh khác như Bãi Xàu, Sằng Ke, Ôi Lôi, Pùa Tháu… Nhưng do nằm ngay trên vùng đất “địa lợi” nên so với các vùng đất lân cận, Vàm Tấn có sức phát triển vượt trội hơn nhiều mặt.



Bến phà Đại Ngãi.

Về nguồn gốc xuất hiện về địa danh Vàm Tấn, có nhiều cách giải thích khác nhau:

Theo các bô lão vào khoảng trước những năm 1850, nơi đây được triều đình cho đặt một trạm quân cảng và trấn giữ về quân sự nhằm chống lại mọi sự xâm nhập của quân Xiêm cùng với đám hải tặc thường xuyên quậy phá, vừa làm nơi thu thuế của các tàu buôn nước ngoài đi vào địa phận Sóc Trăng. Thời đó, các tàu buôn từ các nước lân cận thường xuyên đến đây mua bán và trao đổi các sản vật của địa phương như: bông vải, lúa gạo, cá khô, lông chim… và đều phải cập bến vào quân cảng để làm thủ tục khám xét, sau đó mới được phép đi sâu vào nội địa. Những tàu buôn nào có hành vi mờ ám bị nghi ngờ là hải tặc đều bị xử phạt bằng hình thức tra tấn bằng roi. Từ việc thực hiện hình phạt này đã gây ra sự bất bình trong giới thương nhân nên họ gọi nơi đây là Vàm Tấn (dụng ý là tra tấn).

Vàm Tấn còn có tên khác là Vàm Ba (nghĩa là Vàm của cửa sông Ba Xuyên), con sông từ Đại Ngãi đi vào Bãi Xàu với nhiều khúc quanh hiểm trở nên có người gọi là sông Cái Quanh, sau này còn có cái tên thường gọi là Saintard.



Toàn cảnh vàm Đại Ngãi (Vàm Tấn) nhìn từ sông Hậu

 
Từ năm 1867 trở về trước, Vàm Tấn được chọn làm nơi đặt phủ lỵ Ba Xuyên cho đến năm 1868 khi chính quyền thực dân thành lập khu thanh tra thì trụ sở phủ lỵ Ba Xuyên được chuyển về đặt tại làng Khánh Hưng (nay là trung tâm TP. Sóc Trăng). Nhưng Vàm Tấn vốn là địa bàn có tầm chiến lược về kinh tế, quân sự nên chính quyền thực dân Pháp tiếp tục lập đồn trấn thủ, xây dựng phòng Bưu điện, Đồn Thương Chính, Sở nấu rượu… biến Vàm Tấn thành một trong những khu kinh tế sầm uất của tỉnh Sóc Trăng lúc bấy giờ. Ngày xưa ngay cửa sông Vàm Tấn là nơi sinh sống duy nhất của giống cá cháy – một loài cá nước ngọt có thịt rất thơm ngon, xứng danh “kỳ quân, thủy vật”, thịt cá cháy rất đắt tiền nên chỉ dành riêng cho bậc quyền quý, tầng lớp thượng lưu. Cá cháy trên dòng sông Vàm Tấn – Đại Ngãi đã bị tuyệt chủng từ lâu nhưng danh tiếng của nó vẫn được người đời truyền tụng đến tận ngày nay.

Hiện tại, Đại Ngãi có trên 2.100 hộ dân sinh sống với 4 ấp đạt tiêu chí văn hóa và một khu dân cư tiên tiến. Đại Ngãi hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ, tạo nên diện mạo và sức sống mới của một đô thị mới, dự kiến đến cuối năm 2020 thị trấn Đại Ngãi đạt tiêu chí của đô thị loại IV.

 
Lê Trúc Vinh
Theo baosoctrang.org.vn

Bạn đang đọc bài viết "Vàm Tấn xưa - Đại Ngãi hôm nay" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.