Và mẹ đã có thêm một người con nữa

03/02/2017 16:06

Theo dõi trên

Chiều 20 Tết, nhìn thấy thiếu úy Nguyễn Nam Tiến bước vào nhà, bà Cấn Thị Ngần (thôn Độ Lộc, xã Tuyết Nghĩa, Quốc Oai, Hà Nội) chạy ra ôm chầm lấy và òa khóc nức nở. Bà áp tai vào lồng ngực anh để nghe từng nhịp đập con tim của con trai mình đã ra đi, giờ đây vẫn đang hoạt động và đem cuộc sống trở lại cho người chiến sĩ. Anh Tiến cũng nghẹn ngào gọi: “Mẹ!”.



Cuộc gặp gỡ giữa bà Ngần và thiếu úy Nguyễn Nam Tiến - Ảnh: Thanh Loan

Bà Ngần khóc vì nỗi thương nhớ mất con - anh Trịnh Đình Vàng, nhưng đó cũng là giọt nước mắt hạnh phúc khi cái chết của con trai không vô nghĩa, các bộ phận trên cơ thể của anh không bị tan rữa cùng cát bụi mà vẫn đang hiện hữu ở đâu đó trên cuộc đời này, hồi sinh sự sống cho 6 người khác, trong đó có thiếu úy Nguyễn Nam Tiến.

Trước đó, ngày 27.7.2016, khi anh Trịnh Đình Vàng chết não vì tai nạn ngã từ sân thượng xuống đất, bà Cấn Thị Ngần đã vượt qua nỗi đau đớn đã dũng cảm ký đơn hiến 6 bộ phận trên cơ thể con trai để ghép cho những bệnh nhân đang mòn mỏi chờ chết hoặc không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Sau đó, bà cũng chịu không ít dèm pha với hàng xóm trong làng ngoài xã vì cho rằng bà bán con. Chỉ đến khi báo chí, truyền hình đăng tải về hành động, nghĩa cử đẹp đẽ của gia đình, nỗi nghi ngờ mới được dẹp bỏ, thay vào đó là sự khâm phục, trân trọng.

Anh Nguyễn Nam Tiến (sinh năm 1979, quê ở xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) là thiếu úy pháo binh của tàu CSB 2012, thuộc hải đội 201, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2, đóng quân ở Núi Thành, Quảng Nam với nhiệm vụ bám giữ vùng biển Bắc Bộ, Trung Bộ trên những con tàu tuần tra. Anh đã được điều động làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014. Đó là những tháng ngày nóng bỏng, lúc này anh Tiến vẫn có sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, tới tháng 7.2015, anh đột nhiên thấy cơ thể rất mệt mỗi khi chơi thể thao hay bơi trên biển. Sau khi đi khám, các bác sĩ cho biết anh bị mắc bệnh viêm cơ tim thể xốp, một căn bệnh rất hiếm gặp. Được chuyển ra điều trị tại Bệnh viện Quân y 103, nhưng anh không khỏi bệnh mà sức khỏe ngày một giảm sút. Các bác sĩ tiên lượng, thời gian sống của anh chỉ còn rất ít, thì một phép màu đã tới khi biết tin có người hiến tim cho anh...

Suốt ba tháng sau ca phẫu thuật, các bác sĩ Bệnh viện 103 chăm sóc anh Tiến trong phòng vô trùng cách ly. Lúc nào trong phòng cũng có một bác sĩ và một y tá coi sóc cho anh; người nhà cũng chỉ được nhìn anh qua tấm kính. Ngay khi sức khỏe ổn định, anh Tiến đã gọi điện tri ân bà Ngần và đã xúc động gọi bà là “Mẹ”, từ đó bà cũng coi anh là con trai mình. Cả anh Tiến và gia đình anh vẫn canh cánh trong lòng mong muốn về tận nhà, thắp một nén nhang cảm tạ người đã tặng cho anh Tiến trái tim. Và chiều ngày 20 Tết, điều kiện sức khỏe cho phép, anh Tiến đã cùng người thân về thăm bà Ngần. Từ sáng sớm, anh Tiến cùng bố vợ và anh trai từ Quảng Bình ra Hà Nội vừa là để tới nhà gặp bà Ngần, thắp một nén hương cảm tạ, vừa là để đưa anh về quê ăn Tết. Hôm ấy, cả con gái, con trai bà Ngần đều xin nghỉ làm ở nhà chuẩn bị mâm cơm mời khách. Bà Ngần bảo: “Đây coi như bữa cơm tất niên, bữa cơm đoàn viên của gia đình bà vì có anh Vàng “về”, có đầy đủ các con”. Suốt bữa cơm, bà Ngần ngồi cạnh anh Tiến để được gần con.

Không chỉ đồng ý hiến tặng các bộ phận cơ thể của con trai, hiểu được ý nghĩa của hành động hiến tạng “Cho đi là còn mãi”, đến ngày 28.12.2016, bà Cấn Thị Ngần đã lặn lội từ quê tới Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia làm thủ tục đăng ký hiến tạng. “Hiến được gì, tôi sẽ hiến tất. Tôi mong sẽ có nhiều người hiểu và đăng ký hiến tạng khi chết não hay hiến giác mạc khi qua đời để giúp được những người khác”, bà mẹ thuần nông chất phác nói.


Quỳnh Hoa

Nguồn: Báo Văn Hóa
Bạn đang đọc bài viết "Và mẹ đã có thêm một người con nữa" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.