U60 mê đờn ca tài tử

13/10/2018 14:38

Theo dõi trên

Thời gian gần đây, nhiều khán giả theo dõi chương trình "Tài tử miệt vườn" do Đài Truyền hình Đồng Tháp tổ chức đều khá ấn tượng và dành tình cảm đặc biệt với một thí sinh ở vùng đất cuối trời. Mặc dù đã vào tuổi U60 nhưng ông liên tục đốn tim khán giả qua các vòng thi. Giọng ca điêu luyện cùng phong thái tự tin của ông đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi và điểm số cao từ ban giám khảo.

NSƯT Ngọc Huyền, Nghệ sĩ Thanh Hằng cứ xuýt xoa và dùng những lời có cánh như: "Một giọng ca nội lực", "Một phong thái hát bài bản chắc chữ, chắc nhịp ngân nga sướng lỗ tai", "Cách ngắt hơi bỏ chữ quá điêu luyện", "Đúng là gừng càng già càng cay"... để nhận xét cho phần trình diễn của thí sinh đặc biệt này.

Hỏi ông: "Ngấp nghé U60 rồi, điều gì là động lực để ông quyết định tham gia một cuộc thi lớn và mới mẻ như thế ?", Nghệ nhân Quốc Sĩ chỉ cười khà khà: "Bởi vì quá đam mê đờn ca tài tử, tham gia nhiều cuộc thi từ nhỏ đến lớn rồi nên lần này nghe tới tài tử nữa thì khoái liền...". Vượt qua hàng trăm thí sinh từ khắp các tỉnh, thành tham dự, bằng khả năng của mình qua các vòng thi, ông luôn chứng tỏ được bản lĩnh và tài năng để lọt vào top 10 chuẩn bị cho vòng chung kết xếp hạng.

 
Đối với Nghệ nhân Quốc Sĩ, từ lâu nghệ thuật đờn ca đã trở thành hơi thở ân tình.

"Lớn tuổi rồi nên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc học bài ca hay kịch bản mới. Mặt khác, vì không phải là diễn viên chuyên nghiệp nên phần diễn xuất cũng còn hạn chế. Song, đối với tôi đó không phải là áp lực mà là động lực để bản thân cố gắng khắc phục, duy trì giọng hát tốt nhất phục vụ khán giả", ông bày tỏ với ánh mắt đầy tự tin.

Nghệ nhân Quốc Sĩ hiện là Đội trưởng Đội Tuyên truyền lưu động, Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Trần Văn Thời. Từ nhiều năm qua, mỗi khi nhắc đến tên ông, giới đờn ca tài tử tỉnh Cà Mau đều biết và dành sự trân trọng đặc biệt bởi sự nhiệt thành, lòng yêu nghề và rất nhiều đóng góp cho loại hình nghệ thuật này.

"Tôi may mắn có cha là thầy đờn Hai Phát, một nhạc sĩ giỏi ở địa phương ngày xưa và rất nhiệt tình trong việc truyền dạy ngón đờn cho học trò, con cháu. Cứ hễ đến giờ cha dạy là tôi nằm vắt vẻo trên võng nghe lóm rồi tự cảm âm. Đến giờ giải lao, có khi học trò chưa tiếp thu được là mình đã ôm cây đờn, thuộc bài rồi bập bẹ nâng phím. Cha dạy sáu câu vọng cổ, học trò thuộc ba, bốn câu là coi như tôi đã làu làu...", Nghệ nhân Quốc Sĩ bật cười hóm hỉnh khi kể về con đường đến với nghệ thuật của mình.

Năng khiếu sớm được nhen nhóm với người thầy đầu tiên không ai khác hơn là cha mình, nhưng việc gắn bó với cung đờn lại gặp nhiều trắc trở. Có lẽ không muốn ông vướng vào nghiệp cầm ca nhiều truân chuyên nên cha ông viện lý do "con thuận tay trái khó đờn" để tránh việc dạy đờn cho con. Nhưng làm sao cấm được khi tiếng réo rắc cung đàn đã trở thành đam mê khi nào chẳng biết, ông quyết định tự mày mò nhịp nhàng, bài bản, tìm hiểu để tự chơi được tây ban cầm... Chỉ vài năm sau, ông đã đờn tương đối nhiều các thể điệu: Xàng xê, Long ngâm, Long đăng, Lưu thuỷ trường, Ba Nam Sáu Bắc... Cùng với đó, những bài ca "Dưới ánh trăng rằm", "Tôi đi bộ đội"... (sáng tác Lâm Tường Vân) đã theo chân chàng trai trẻ trong các đám tiệc hay sòng đờn ca.

Sau ngày giải phóng, cũng như bao thanh niên cùng thời, ông tham gia nghĩa vụ để cống hiến sức trẻ của mình cho quê hương đất nước. Trong môi trường quân đội nơi Côn Đảo, Quốc Sĩ đã thể hiện sở trường ca hát, năng khiếu nghệ thuật và dĩ nhiên sau đó ông được tuyển chọn về hoạt động lĩnh vực văn hoá, văn nghệ. Với vốn kiến thức và kinh nghiệm chơi nhạc cụ đã được trang bị vững chắc trước đó, ông trở thành nhạc công đánh guitar cùng với các anh em văn công phục vụ món ăn tinh thần cho các đồng chí, đồng đội của mình.

Rời quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, ông không ngừng trau dồi thêm về nghệ thuật, kỹ thuật đờn, ca, đồng thời tiếp tục tham gia nhiều hoạt động, phong trào tài tử ở địa phương. Đây có thể xem như một bước dọn đường để đến năm 1995, Quốc Sĩ chính thức được mời về công tác tại Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Trần Văn Thời với vai trò nhạc công (cả tân lẫn cổ), bắt đầu một hành trình văn nghệ quần chúng với đầy lòng nhiệt huyết.

Có cơ hội sống với đam mê đã được nuôi dưỡng từ thời niên thiếu, ông ra sức học hỏi không ngừng, nghiên cứu những cái mới, cái hay và áp dụng để góp phần phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ của địa phương. Tại đây, tiếng đờn lời ca có dịp được trau chuốt và rèn luyện nhiều hơn để có thể tự tin khi tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan đờn ca tài tử cấp khu vực, cấp tỉnh và xuất sắc khi liên tiếp đạt nhiều thứ hạng cao.

 
Nghệ nhân Quốc Sĩ và NSƯT Việt Anh tại cuộc thi Tài tử miệt vườn. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Hướng mắt về hàng loạt những tấm bằng khen treo trên tường với vẻ tự hào, ông tâm sự: "Đây không chỉ là sự ghi nhận cống hiến mà còn là động lực để ngọn lửa nghề ngày càng cháy bỏng hơn. Càng tham gia các cuộc thi tôi càng yêu, càng trân trọng hơn loại hình nghệ thuật quý giá này".

Nói về tài năng của ông, Đệ nhị danh cầm - NSƯT Trường Giang tâm đắc: "Quốc Sĩ có khả năng biểu diễn dạn dĩ, sở hữu chất giọng rất sáng, đầy nội lực và hầu như đều thể hiện tốt những bản khó của nhạc tài tử. Đặc biệt, với thể điệu Ngũ đối hạ qua giọng ca này đã đạt được thành công, hoàn hảo hiếm ai có thể vượt qua. Vững kiến thức chuyên môn, lại miệt mài đóng góp cho nghệ thuật của quê hương ngày một phát triển như thế là điều rất đáng trân trọng".

Song song với việc quản lý các CLB Đờn ca tài tử của huyện, Nghệ nhân Quốc Sĩ thường xuyên tham gia định hướng, góp ý để những CLB này ngày một phát triển và đi vào nền nếp. Năm 2013, CLB Đờn ca tài tử Sông Quê thuộc Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện được thành lập do chính ông làm chủ nhiệm, hiện tại đã lên đến 20 thành viên cơ hữu. Với suy nghĩ: "Mình là dân sông nước nên dàn dựng sân khấu sao cho mới mẻ, độc đáo", thế là ý tưởng thiết kế một sân khấu trên sông nước ra đời và gặt hái được nhiều thành công, thu hút sự quan tâm, thích thú và tham gia đông đảo của các nghệ nhân, tài tử, người yêu thích cổ nhạc trong và ngoài huyện...

Cũng chính tại đây, phong trào văn nghệ quần chúng ở nhiều CLB khóm, ấp trong và ngoài huyện đã được lan toả, nhân rộng. Cứ mỗi tối thứ Sáu hàng tuần, tiếng đờn réo rắt cùng lời ca chân phương hoà quyện với lòng hăng say, đáp lại là sự chăm chú theo dõi của người đến xem, không gian sân khấu nước lại ấm áp và đắm chìm trong tình tri âm, tri kỷ.

Nghệ nhân Quốc Sĩ chia sẻ, trong suốt hành trình dài dấn thân vào con đường văn nghệ quần chúng, đôi lúc chuyện cuộc sống "cơm, áo, gạo, tiền" với không ít những khó khăn cũng làm ông bối rối, nhưng không lúc nào có thể làm vơi đi nhiệt huyết và tình yêu nghệ thuật.

Nghệ nhân Quốc Sĩ tên thật là Lương Quốc Sĩ, sinh năm 1961, quê ở xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân. Trong hơn 20 năm cống hiến cho sự nghiệp nghệ thuật quần chúng, ông đã đoạt hơn 20 giải thưởng, bằng khen danh giá tại các hội thi, liên hoan đờn ca tài tử cấp tỉnh, khu vực. Ngoài ra, ông còn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh nhà, ra sức thu thập tài liệu, truyền dạy nghệ thuật từ đờn đến ca cho thế hệ trẻ kế thừa.

Trần Hoàng Phúc
Theo baocamau.com.vn

Bạn đang đọc bài viết "U60 mê đờn ca tài tử" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.