Tục cưới 3 lần của người Vân Kiều

01/12/2016 14:13

Theo dõi trên

Không chỉ được biết đến với tục thờ linh hồn người sống, người Vân Kiều (còn gọi là người Bru, người Măng Coong, người Trì hay người Khùa) còn khắc họa bản sắc riêng độc đáo của mình bằng tục cưới 3 lần. Để hiểu hơn về tục lệ truyền thống này của người đồng bào Vân Kiều, P.V đã có mặt tại xã Ea Hiu (H. Krông Pắc, tỉnh Đắc Lắc).



Một trong những nghi lễ cưới hỏi của người Vân Kiều.

Khác với người Kinh và người dân tộc thiểu số khác, người Vân Kiều thường chọn các ngày 6, 8, 10, 16, 18 trong các tháng đầu năm và cuối năm để làm lễ cưới. Đặc biệt, các tháng 11, 12 khi vừa thu hoạch xong, luôn được người Vân Kiều ưu tiên lựa chọn để làm đám cưới. Sở dĩ người Vân Kiều chọn những ngày nói trên trong tháng để làm đám cưới vì họ lo sợ những ngày cuối tháng hay xảy ra ốm đau, bệnh tật. Theo đó, lễ cưới của người Vân Kiều diễn ra tới 3 lần thì đôi bạn trẻ mới được chính thức công nhận là vợ chồng. Trước đêm tổ chức lễ cưới lần một, chú rể cùng những người trong họ hàng tổ chức thắp đuốc và đến nhà vợ tương lai "bắt" dâu. Trước khi "bắt" dâu, chú rể cùng mọi người nhóm những đống lửa nhỏ xung quanh nhà cô gái rồi ngồi uống rượu cần, trò chuyện đến sáng. Người Vân Kiều cho rằng, hành động này thể hiện tấm lòng thành của nhà trai mong muốn cho đôi trai gái được vẹn toàn sau khi kết hôn. Cho đến khi rạng sáng, hai người phụ nữ trong dòng họ của chú rể bước lên cầu thang nhà cô dâu để "bắt" dâu trước sự chứng kiến của người thân.

Lễ cưới lần một (còn gọi là lễ ra cới) được người Vân Kiều thực hiện theo đúng ngày giờ hai bên đã chọn. Trong ngày lễ thiêng liêng này, gia đình nhà trai mang lễ vật gồm: một cây kiếm, một vòng cườm đeo cổ, một cái nồi đồng và một nén bạc trắng. Ngoài ra, nhà trai còn phải nộp tiền cưới, lợn, gà, gạo... theo yêu cầu của gia đình nhà gái. Ông Hồ Pa Lưi (buôn Tà Đỗ, xã Ea Hiu) lý giải: "Kiếm là công cụ lao động của người Vân Kiều, nó mang ý nghĩa là vật dụng làm ra của cải. Nồi đồng tượng trưng cho sự ấm no, hạnh phúc. Vòng cườm tượng trưng cho sự thủy chung, gắn kết lâu dài. Tất cả những lễ vật nhà trai mang đến với mong muốn đôi uyên ương sẽ sống ấm no sau khi nên duyên vợ chồng". Sau lễ cưới lần một, chàng trai chính thức trở thành con rể trong gia đình vợ và xin phép rước dâu. Khi đến rước dâu, nhà trai đứng dưới sàn nhà gái và hai bên sẽ đối đáp những câu nói truyền thống của người Vân Kiều. Sau nghi lễ đối đáp, chú rể đưa cho cô dâu thanh kiếm, chiếc nồi đồng và đồng bạc trắng. Nhận lễ, cô dâu đưa cho bố mẹ đẻ mình những đồ vật mà chú rể vừa trao. Lúc này, nhà gái mới mời nhà trai lên nhà. Khoảng vài ngày sau lễ cưới lần một, hai bên gia đình có thể tổ chức lễ cưới lần hai. Khoảng cách thời gian giữa lễ cưới lần một và lần hai là không bắt buộc mà tùy thuộc vào điều kiện và sự sắp xếp của hai bên gia đình. Trong ngày diễn ra lễ cưới lần hai, ngoài 3 con heo, 6 con gà, rượu... nhà trai bắt buộc phải mang vàng, tiền đến cho nhà gái. Cho tới lúc này, họ hàng hai bên vẫn không được ăn chung bánh, chuối, củ kiệu. Đặc biệt, trâu, bò của hai gia đình không được chăn thả cùng một nơi. Sau khi tổ chức lễ cưới lần hai, đôi vợ chồng trẻ không được phép lên nhà mỗi lần sang nhà vợ cho đến khi hoàn tất lễ cưới lần 3 (hay còn gọi là lễ côl). Lễ cưới lần 3 được người Vân Kiều tổ chức trang trọng bao gồm các lễ vật như: một con trâu, hai con heo, 6 con gà... Ở lần cưới này, nhà gái sẽ chủ động sang nhà nam để bàn chuyện.



Bàn thờ linh hồn người sống của người Vân Kiều.

Già làng Pá Vinh (buôn Tà Cỡng, xã Ea Hiu) cho hay: "Thông thường phải có một khoảng thời gian khá lâu sau đó thì hai bên mới có thể tổ chức lễ cưới lần 3. Có những đôi vợ chồng cho tới lúc gần đất xa trời mới làm xong lễ côl. Thế nhưng, cũng có không ít cặp vợ chồng chưa kịp tổ chức lễ cưới lần ba thì một trong hai người đã rời bỏ cuộc sống về với ông bà tổ tiên". Là cán bộ văn hóa - thông tin của xã Ea Hiu, chị Niang Biêch cho biết, người Vân Kiều di cư từ miền Trung vào tỉnh Đắc Lắc mưu sinh từ năm 1972. Cho đến nay, mặc dù không còn nặng nề sính lễ nhưng tục cưới của người Vân Kiều vẫn được tổ chức 3 lần. Việc tổ chức chu đáo và cưới nhiều lần, người Vân Kiều tin rằng tục lệ truyền thống này sẽ giúp cho các cặp vợ chồng sống gắn bó và hạnh phúc trăm năm.

(Theo Công An TP. Đà Nẵng) 

Nguyên Trịnh
Bạn đang đọc bài viết "Tục cưới 3 lần của người Vân Kiều" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.