Tự xưng thiếu tá công an đánh người nhằm độc chiếm tài sản?

26/12/2015 11:00

Theo dõi trên

Từ khi được đưa lên làm trưởng ban quản lý đền Hai Bà Trưng (quận Bình Thạnh, TP. HCM), ông Trần Lê Tuấn một mực khẳng định ngôi đền trên là tài sản do dòng họ mình sáng lập, không phải thuộc sở hữu của nhà nước. Đáng nói, ông Tuấn còn tự xưng là thiếu tá công an của Bộ dùng cách đánh đuổi những người không mang họ Trần Lê ra khỏi đền. Xung quanh vụ lùm xùm trên, chính quyền địa phương xuống xử lý nhiều lần nhưng vẫn chưa dứt điểm.

 
Đền Hai Bà Trưng (quận Bình Thạnh, TP. HCM) nơi diễn ra vụ việc

Tự xưng Thiếu tá công an độc chiếm tài sản

Theo thông tin phản ánh từ bà Lê Thị Dinh (sinh năm 1960) trú đền Hai Bà Trưng, đường Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết, ngôi đền có lịch sử thành lập từ năm 1958 đến nay. Theo đó, vào ngày 1/4/1958, hội Phủ Giầy tương tế có gốc gác từ Nam Định di cư vào Nam, đã mua lại thửa đất tại số 23 Hoàng Hoa Thám ngày nay với giá 400 nghìn đồng. Ngôi đền Hai Bà Trưng được xây dựng trên thửa đất trên, nhằm mục đích tế tự, làm miếu thờ mẫu và hai vị nữ anh hùng Hai Bà Trưng.

Năm 1994, bà Dinh được người cô ruột là cụ Lê Thị Minh đang nắm quyền trông coi ngôi đền này đưa vào phụ giúp công việc dọn dẹp, hương khói… Nhưng từ khi cụ Trần Lê Vũ chú ruột ông Trần Lê Tuấn lên giữ chức trưởng ban quản lý đền đã nảy ý đồ muốn “chiếm dụng” ngôi đền Hai Bà Trưng “tư lợi” riêng cho dòng họ mình. Năm 2011, ông Tuấn lên làm trưởng ban quản lý đền nhờ sự ủy nhiệm của người chú mà không thông qua cuộc họp, bình bầu dân chủ nào.

Bà Lê Thị Dinh cho biết: “Ông ta đã gửi hồ sơ lên UBND quận Bình Thạnh đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại đền Hai Bà Trưng, đức Thánh mẫu Phủ Giầy nhưng không được giải quyết. Đến nay, ông Tuấn lại tiếp tục cho rằng đó là tài sản của dòng họ mình. Trong khi đó đền không thuộc tài sản của riêng ai, đó là của “bách gia trăm họ”, bà Lê Thị Dinh nói. Trước vấn đề này, chúng tôi và bà con nhân dân đều rất bức xúc”.

“Khi ông Tuấn đến làm việc, tự xưng với chúng tôi rằng mình là Thiếu tá công an công tác tại bộ phận X13 Bộ Công an, văn phòng phía Nam, nằm đường Nguyễn Trãi TP. HCM. Ban đầu chúng tôi cũng mừng vì có Công an làm ban quản lý đền sẽ tốt hơn. Nhưng khi phát hiện ra sự việc, chúng tôi đã gửi đơn đến phường, quận nhờ xác minh lại thông tin. Phía cơ quan chức năng đã gửi văn bản trả lời ông Trần Lê Tuấn không phải là cán Bộ Công an, chỉ là giả danh”, bà Dinh nói thêm.
 
 
Bà Lê Thị Dinh đang trình bày lại vụ việc với PV

Cũng theo bà Dinh, ban đầu khi mới nhận chức, ông Tuấn giải quyết công việc của đền rất tốt. Nhưng thời gian đó, ông này tỏ thái độ “hống hách” có những hành vi khiến nhiều người bức xúc. Tự cho rằng đền Hai Bà Trưng là của dòng tộc họ Trần Lê xây dựng, nên không ai có quyền can thiệp vào công việc của đền ngoài người trong họ này. Dù ban quản lý đương nhiệm hiện nay vẫn còn được chính quyền công nhận, nhưng ông Tuấn vẫn tìm cách bãi nhiệm, đuổi 2 thành viên này không cho sinh hoạt tại đền. Sau nhiều lần đuổi bà Dinh và một số người khác bất thành, ông Tuấn đã cho người đập khóa cửa phòng họ, thay bằng ổ khóa khác. Hai bên xảy ra cự cãi, ông Tuấn đã đẩy bà Dinh ngã xuống sân đền trước sự chứng kiến của công an phường 6 và công an 113. Sau đó, bà Dinh đã có đơn kiện hành vi này của ông Tuấn đến cơ quan chức năng.

Chưa dừng lại ở đó, vị trưởng ban quản lý đền còn gây hấn cắt điện, nước, khóa nhà vệ sinh không cho họ sử dụng đến nay.

 
 
Vết thương trên mặt ông Nhiêu vừa bị đánh dẫn tới thương tật

Ông Trần Văn Nhiều (SN 1954, chồng bà Ngọc, nguyên là thư ký đền) trình bày: “Vì quá tức giận, chúng tôi đã đôi co nặng lời với Tuấn. Nhưng ông ta đã cùng một số người khác dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu, mặt tôi. Ngay lúc đó công an phường 6 cũng đã có mặt lập biên bản. Tôi đã đi đến bệnh viện giám định thương tích và chụp hình làm bằng chứng. Gia đình tôi đưa đơn tố cáo và đến nay đang chờ kết luận của các cơ quan chức năng”.

Vị trưởng quản lý đền nói gì?

Sau khi nhận được phản ánh của bạn đọc, PV đã có mặt tại đền Hai Bà Trưng tìm gặp ông Trần Lê Tuấn, trưởng ban quản lý đền để xác minh lại thông tin. Tại đây, ông Tuấn cho biết “Ngôi đền này là của dòng họ Trần Lê chúng tôi lập nên, chúng tôi có quyền cai quản nó. Hiện nay, tôi đang tiếp tục xin quận Bình Thạnh cấp chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình. Nhưng nhiều lần phường, quận gửi thông báo, cho rằng đền Hai Bà Trưng không thuộc quyền quản lý của dòng họ Trần Lê. Không hiểu lý do tại sao cơ quan chức năng lại làm khó dễ chúng tôi như vậy”.

Nhưng khi được hỏi về việc đánh đuổi, cắt điện nước và khóa nhà vệ sinh không cho bà Dinh, bà Ngọc và ông Phán vào sử dụng, thì ông Tuấn thẳng thắn nói “Tôi làm theo quy định của nhà nước. Trước đây, bà Dinh vào được đền là nhờ vào người cô đã mất. Bả chỉ là người rửa chén dưới bếp. Còn ông Phán là bảo vệ đền. Họ tự cho là phó ban quản lý, người là thủ từ kiêm thủ quỹ à. Nhiều năm ở đây, họ ăn gian tiền làm tai tiếng cho nhà đền. Ông Phán thường xuyên gọi người tới đây nhậu nhẹt, đập phá đồ đạc. Tất cả họ không phải người của dòng họ Trần Lê này, không liên quan gì đến ngôi đền. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu đi khỏi đền, nhưng vẫn cứ ở lì cho đến nay”.

Ông Trần Lê Tuấn cũng phản hồi thêm: “Họ tố tôi đánh họ, làm gì có chuyện đó. Không bao giờ tôi hành hung ai. Họ chửi, nhưng tôi chỉ đứng cười. Bởi họ “vô học” hơn tôi. Tôi đâu có dại gì ra tay đánh để bị mắc tội. Việc ông Nhiều bị đánh là do ông ta chửi tôi, khách tới đền phúng viếng nghe chối tai mới ra tay đánh ông rồi “trốn” đi đâu tôi không biết. Mấy ngày trước, chúng tôi đã bầu lại ban quản lý gồm 5 người trong dòng họ Trần Lê và 2 người ngoài họ. Chúng tôi đã đưa đơn khiếu nại khắp nơi, nếu lần này trên quận không đồng ý ban quản lý mới này chúng tôi sẽ chưa dừng gửi đơn. Đền này của dòng họ tôi chứ không phải của nhà nước quản lý”.

Được biết, vào năm 2008 người duy nhất giữ những giấy tờ đất liên quan đến ngôi đền Hai Bà Trưng (chính là cụ họ ông Tuấn nay đã mất) đã gửi đơn đến cơ quan chức năng. Ông cho rằng, một số người âm mưu xin cấp mới giấy chủ quyền đất, nhằm sử dụng vào mục đích cá nhân nên mong chính quyền ngăn chặn. Và ông này cũng đã có ý định bàn giao cơ sở vật chất, hồ sơ đất đai của đền cho UBMTTQ địa phương quản lý.

Sẽ bầu lại ban quản lý mới

Bà Tần Thị Thu Lan, Chủ tịch UBND phường 6, quận Bình Thạnh, (TP.HCM) nói: “Ban quản lý đền tự phát do ông Tuấn dựng, nên không thông qua bầu cử công khai dân chủ. Đền thờ Hai Bà Trưng và Mẫu Phủ Giầy không phải là tài sản do dòng họ Trần Lê của ông Tuấn lập nên. Đây là tài sản chung của nhân dân, vì vậy phải giữ nguyên hiện trạng của đền, không ai được thay đổi di dời bất cứ vật dụng gì. Việc ông này tự cho là Thiếu tá công an của bộ chỉ là giả danh, không có thật nhằm chiếm đoạt tài sản, chính quyền sẽ xử lý dứt điểm. Trước hết, UBND phường cũng yêu cầu ông Tuấn không được cắt điện, nước trong thời gian quận tổ chức bầu lại ban quản lý mới của đền, nhưng ông này vẫn không thực hiện”.
 
Đức Vượng

Bạn đang đọc bài viết "Tự xưng thiếu tá công an đánh người nhằm độc chiếm tài sản?" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.