Truyền thuyết núi Đá Dựng ở Kiên Giang

09/12/2018 14:51

Theo dõi trên

Ngoài những hang động kỳ vĩ chứa đựng nhiều bí ẩn, Châu Nham Sơn Lạc Lộ” còn có truyền thuyết ly kỳ về câu chuyện Thạch Sanh – Lý Thông, rất nổi tiếng trong dân gian.


Xuôi về miền biên viễn Tây nam Tổ quốc, ghé Hà Tiên, bạn hãy tìm đến với núi Đá Dựng. Núi Đá Dựng có tên chữ là Châu Nham Sơn. Đây là một thắng cảnh đẹp, còn mang nét hoang sơ, thuộc xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, cách biên giới Việt Nam_ Cam-pu-chia chừng 4km. Trong “Hà Tiên thập vịnh”, “chủ soái” Tao Đàn Chiêu Anh Các, tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích, đã miêu tả núi Đá Dựng qua bài vịnh có tựa đề “Châu Nham Lạc Lộ” (Cò về núi Ngọc):

Bóng ngọc mây đâm phủ núi non
Bay la bay lã trắng hoàng hôn
Góc trời thế trận giăng cây cỏ
Đoá ngọc hoa rơi khắp bãi cồn

Thuở đất Hà Tiên còn hoang sơ, cư dân Phù Nam cổ đã từng cư trú ở đây. Quân Xiêm và Chân Lạp thường sang đánh phá, cướp bóc, nên nhiều người đem ngọc ngà, châu báu chôn giấu trong các hang động quanh vùng núi Đá Dựng, dần dà do nhiều nguyên nhân, các của nả trên bị thất lạc theo thời gian. Khi Mạc Cửu đến khai mở đất Hà Tiên vào cuối thế kỷ 17, thỉnh thoảng nông dân ở đây có nhặt được ngọc quí tại Đá Dựng, nên ông gọi là núi Châu Nham, có nghĩa là “Núi Ngọc”.
 
Từ thị xã Hà Tiên, khách du có thể đi một đoạn đường khoảng 6km bằng ô tô hoặc xe gắn máy theo quốc lộ 80 về hướng cửa khẩu Xà Xía, đến Thạch Động có một con đường rẽ phải, đi chừng 1km nữa là đến Đá Dựng, danh thắng quốc gia nầy được công nhận vào năm 2007.
 
Cò trắng là một loài chim sống tại Đá Dựng rất đông đảo, do môi trường sinh thái ở đây hoang dã với những cụm núi non xen kẻ đầm lầy, rừng cây bụi. Chính vì vậy mà Mạc Thiên Tích mới có bài vịnh “Châu Nham Lạc Lộ”. Ngày nay khu vực chung quanh núi Đá Dựng vẫn còn rất nhiều cò.
 
Châu Nham Sơn là một tác phẩm kỳ vĩ của thiên nhiên đã ban tặng cho đất Hà Tiên thêm phần diễm lệ, với một vẽ đẹp tuyệt vời cùng với những huyền thoại và truyền thuyết có từ thủa xa xưa của vùng đất này. Do đặc trưng cấu tạo, cấu trúc địa chất, cùng với sự xâm thực và tác động của thiên nhiên qua thời gian dài, nên trong lòng núi có rất nhiều hang động.
 

… Mua vé, gửi xe và thuê đèn pin chừng 15.000 đồng là du khách có thể bắt đầu cuộc hành trình du khảo men theo sườn núi, thâm nhập vào các ngóc ngách, hang động để khám phá những điều hấp dẫn. Đường lên các hang động của Đá Dựng dài 3.149 mét. Mỗi hang động mang nét bí ẩn, lạ lùng khác nhau. Hang Dơi có thạch nhũ hình bầu hồ lô ; hang Thần Kim Qui có khối đá xanh, dẹp hình con rùa. Ở động Bồng Lai, không khí luôn trong lành, ngước lên trên thấy mây bay vùn vụt sát trên đầu! Vào động Mẹ Sinh Con, bạn sẽ có cảm giác hơi khó thở vì càng đi sâu, hang càng nhỏ dần, tối tăm, nhưng cuối cùng, hang bất ngờ thông ra bên ngoài sáng trưng! Ở động Khổ Qua, bạn sẽ rất thú vị khi ngắm nhìn những thạch nhũ có hình nom như trái khổ qua khổng lồ.Ở động Sám Hối, bạn sẽ thấy một tượng đá to như hình một nhà sư đang cúi nhẹ đầu vào vách đá trầm tư.Có những hang ăn thông với nhau tạo thành những “mê cung” với rất nhiều thạch nhũ muôn vạn hình dáng,đặc trưng của núi đá vôi bị xâm thực. Đá Dựng như một toà lâu đài đá vĩ đại, kiên cố với hàng trăm vọng pháo đài, hàng ngàn gác chuông thiên tạo. Các hang động nổi tiếng như hang Bà Chuá Xứ, đặc biệt hang Trống Ngực khi bạn vỗ tay vào ngực mình thì vách hang sẽ dội lại với âm thanh giống như tiếng trống “thùng thình”. Ở hang Lầu Chuông có nhiều thạch nhũ mà khi gõ vào sẽ tạo nên những tiếng ngân nga trong vắt như tiếng chuông. Ngoài ra, còn rất nhiều nhũ đá, tượng đá mang vô số những hình thù kỳ lạ.
 
Do Đá Dựng có nhiều hang động, địa hình, địa thế hiểm trở, những năm trong chiến tranh chống Pháp, Mỹ và chiến tranh biên giới, Đá Dựng luôn là một căn cứ địa, chốt tiền tiêu vững chắc của quân, dân Hà Tiên. Tháng 5-1970, quân giặc với lực lượng lớn, mở trận bao vây, càn quét, đánh phá căn cứ Đá Dựng. Các chiến sĩ quân giải phóng đã chiến đấu anh dũng, kiên cường trong suốt 27 ngày đêm, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, giữ vững căn cứ địa của cách mạng.
 
Ngoài những hang động kỳ vĩ chứa đựng nhiều bí ẩn, Châu Nham Sơn Lạc Lộ” còn có truyền thuyết ly kỳ về câu chuyện Thạch Sanh – Lý Thông, rất nổi tiếng trong dân gian.
 
Tương truyền … ngày xửa, ngày xưa, Thạch Sanh và Lý Thông là hai anh em kết nghĩa. Ngày kia, công chúa Quỳnh Nga sắc nước hương trời, bị đại bàng yêu quái sớt, bắt đem về hang động, bắt ép làm vợ. Lúc đại bàng bay ngang vùng núi nầy, nó bị chàng Thạch Sanh dũng mãnh giương cung bắn bị thương. Thạch Sanh đã lần theo vết máu của Đại Bàng đến cứu công chúa Quỳnh Nga. Sau khi khi đưa công chúa lên khỏi hang, Thạch Sanh đã mắc mưu Lý Thông, người anh nham hiểm đã lấp đá nhốt em mình vào hang sâu tăm tối, để cướp công cứu công chúa. Thạch Sanh ở trong hang, gỏ thạch nhũ làm đàn giải sầu. Tiếng đàn thống thiết với những lời thở than, ai oán ấy vọng đến tận cung vua : “Đàn kêu tích tịch tình tang/ ai đem công chúa lên thang mà về?/ Đàn kêu anh hởi Lý Thông/ Sao ở hai lòng quên nghĩa anh em!”. Công chuá Quỳnh Nga đêm ngày lòng ủ ê sầu nhớ chàng trai trẻ dũng cãm đã cứu mình. Nàng đã nghe được tiếng đàn của Thạch Sanh, công chúa khẩn thiết xin vua cha mang quân đến giải cứu cho chàng …Đôi trai tài, gái sắc sum họp, hạnh phúc. Thạch Sanh nhân hậu không kể tội Lý Thông, nhưng Lý Thông đã bị sét đánh chết. Kẻ thủ ác đền tội. Câu chuyện, truyền thuyết ấy là một bài học đơn giản nhưng thâm thuý về lối sống, đạo đức và nhân nghĩa, đã đi sâu vào lòng người, sống mãi với nhân gian bao đời nay…
 
Có một hang động tên là “Cội Hàng Gia” ở sườn núi Đá Dựng. Dân gian cho rằng, đây chính là nơi sinh sống xưa kia của Thạch Sanh. Ở trước cửa động có nhiều phiến đá ghép mí, chồng khít lại với nhau tạo thành một mái vòm tự nhiên. Một buổi sáng xa xưa huyền thoại, từ nơi đây, Thạch Sanh đã giương cung bắn chim đại bàng yêu tinh, cắp nàng công chúa bay ngang qua núi Đá Dựng.
 
Núi Đá Dựng là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng với nhiều truyền thuyết, huyền thoại mang dấu ấn thưở tiền nhân ta khai mở đất phương Nam. Ngoài ra, Đá Dựng cùng với ‘Hà Tiên thập cảnh” là nơi ghi dấu nhiều sự kiện văn hoá, lịch sử gắn liền với sự hình thành, phát triển của vùng đất Hà Tiên.
 
Đường về Hà Tiên, từ thành phố Hồ Chí Minh theo đường 1A, qua cầu Mỹ thuận rẽ về Sa Đéc, nhập vào quốc lộ 80, qua phà Vàm Cống,đến TP Long Xuyên rồi đi Tri Tôn_ Vàm Rầy _ Kiên Lương đến Hà Tiên chừng 310km, quãng đường nầy ngắn hơn đường Rạch Giá _Hà Tiên hơn 40km. Từ Hà Tiên đến núi Đá Dựng chỉ có 6km.
 
Đến với “Châu Nham lạc lộ” của miền đất Hà Tiên mến yêu là một chuyến du hành, du khảo nhiều hấp dẫn.
 
Ngọc Xoàn

Bạn đang đọc bài viết "Truyền thuyết núi Đá Dựng ở Kiên Giang" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.