Khi scandal là cơ hội để... khuếch trương (!?)
Mới đây, clip về một tiết mục biểu diễn được phát sóng trên giờ vàng VTV cách đây 5 năm, trong chương trình Bài hát yêu thích đã được một hot facebooker chia sẻ khiến cộng đồng mạng dậy sóng.
Theo bình luận của hot facebooker này, nếu không nhìn sân khấu, nhiều người sẽ ngỡ VTV đang có chương hình truyền hình trực tiếp trong căn hộ nào đó. Trong video dài gần 10 phút là màn biểu diễn của một nhạc sỹ nổi tiếng (ngồi đệm đàn) và hai cô ca sỹ, trong đó có một cô đầu trọc lốc, mặc chiếc áo rộng thùng thình như áo cà sa. Xuyên suốt tiết mục là thứ âm nhạc ma mị, gào thét như lên đồng, trừ tà khiến người nghe phải nổi da gà vì... sợ hãi.
Những dòng cảm tưởng của hot facebooker đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Số đông dư luận cho rằng, chính sự xuất hiện của những thứ âm nhạc quái đản như thế này đang vô tình đẩy nền âm nhạc Việt Nam "đi về nơi xa lắm".
Một video ca nhạc xuất hiện cách đây 5 năm (2010) nhưng dư âm của nó vẫn đủ khiến công chúng thảng thốt, giật mình như thể vừa mới diễn ra ngày hôm qua. Điều đó cho thấy sự ám ảnh của âm nhạc nó dai dẳng đến mức nào.
Dòng giới thiệu trên sóng truyền hình giờ vàng thời điểm đó ghi rõ, đây là bài hát Cây nữ tu, một sáng tác của nhạc sỹ Ngọc Đại, do nhóm Đại - Lâm - Linh trình bày. Màn biểu diễn với những tiết tấu âm nhạc điên cuồng, rợn gáy khiến người nghe liên tưởng đến những cuộc gọi hồn, lên đồng hơn là một màn biểu diễn ca nhạc.
Ngay sau khi phát sóng, tiết mục và tin tức này được xem như một quả bom thảm họa của Bài hát yêu thích trên khắp các báo, mạng. Những tranh cãi trái chiều, mà phần đông là lên án, phê phán VTV đã quá dễ dãi khi phát sóng một tiết mục ca nhạc như thế. Nhưng giữa tâm bão dư luận, mặc những phản ứng gay gắt của dư luận, chương trình và nhà đài vẫn "trời yên biển lặng". Lời nói của khán giả chỉ như viên sỏi nhỏ thả xuống mặt hồ lớn, không thể gợn chút tăm hơi. Cho đến nay, sau 5 năm, dù không ít lần cũng lặp lại và tái diễn một vài tiết mục có hiện tượng "bất hủ" tương tự, nhưng Bài hát yêu thích vẫn duy trì phát triển. Lịch phát sóng chương trình cũng đã được cố định ở những khung giờ vàng.
Đó là câu chuyện cách đây 5 năm, còn sự cố mới nhất tố cáo sự cẩu thả của VTV chính là "sơ sẩy chết người" trong gameshow Điệp vụ tuyệt mật. Trong đó chương trình này đã hồn nhiên chuyển vị trí địa lý của Hà Nội sang tận nước bạn.
Những năm gần đây, khi chính sách liên kết truyền hình được hiện thực, đi kèm với sự phong phú, đa dạng, không ít hệ lụy xảy ra đã khiến khán giả chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán. Đạo diễn Quốc Trọng, một tên tuổi nổi tiếng trong dòng phim truyền hình về nông thôn Việt Nam bình luận: "Những năm trở lại đây, truyền hình có nhiều sự thay đổi. Các chương trình hoành tráng, hấp dẫn, màu sắc hơn. Tuy nhiên, đi kèm với điều đó, khán giả cũng phải xem quảng cáo nhiều hơn".
Sự cố nhầm vị trí địa lý, Thanh tra bộ Thông tin - Truyền thông xử phạt hành chính nhà đài 15 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông H.C., một chuyên gia truyền thông cho biết: "Giới truyền thông Việt Nam vô tình bị ban tổ chức chương trình Điệp vụ tuyệt mật "dắt mũi" đi theo một cách chuyên nghiệp: Bị phạt 15 triệu đồng, khắc phục điểm sai sau đó được cấp phép chiếu lại. Điều này vô tình tạo độ rating (tỉ lệ người xem) cao hơn, bảo đảm sau những phóng sự nhiều kỳ như thế này, lượng người biết đến càng nhiều hơn, nhà đài sẽ thu lợi khủng từ quảng cáo. Đây là một chiêu PR có chi phí cực thấp mà lại cực kỳ hiệu quả. Bởi đôi khi scandal là một sự cứu cánh nhằm tạo độ hot cho chương trình. Báo chí cần cẩn thận hơn từ những bài viết của mình để không trở thành công cụ quảng cáo không công cho các công ty quảng cáo".
Khán giả vừa xem, vừa... nhặt sạn
Mới đây, một kênh truyền hình chuyên phát sóng phim hoạt hình cho trẻ em đã hồn nhiên phiên dịch tiếng Anh sang tiếng Việt bằng những ngôn từ phản cảm. Anh Quang, một phụ huynh có con gái 4 tuổi đã phải sửng sốt khi lần đầu tiên chứng kiến cô bé mắng bạn mình theo những lời thoại được học từ phim hoạt hình. Lần tìm kênh truyền hình này trên Youtube, người viết cũng phải giật mình khi nghe đoạn nhạc nền giống hệt nhạc sàn (nhạc DJ) trong một bộ phim được phát sóng. Thứ âm nhạc quá sôi động như thế sao có thể phù hợp với một chương trình dành cho thiếu nhi.
Theo tiết lộ của một đạo diễn tên tuổi, càng ngày nhân sự được nhà đài tuyển chọn càng dễ dãi. Số lượng chương trình quá tải không thể kiểm duyệt chu đáo, sự cẩu thả và hạn chế chuyên môn đã khiến "sạn" trên các chương trình phát sóng ngày càng xuất hiện nhiều. Nhưng khi các sự cố xảy ra, thay vì đăng đàn xin lỗi khán giả (một cách thể hiện sự tôn trọng đối với những người mang lại lợi ích cho chương trình bằng tin nhắn bình chọn, lượt xem), ban tổ chức, nhà sản xuất luôn tìm cách né tránh và im lặng. Dư luận dù có ấm ức cũng chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt.
Nhạc sỹ Thanh Phương, đồng đạo diễn chương trình Giai điệu tự hào cho biết tin tức: "Số đông các đạo diễn gameshow đang quá lạm dụng bài toán để thu hút khán giả. Vì thế, họ chú trọng đến chiến thuật câu view. Tuy nhiên, điều này như con dao hai lưỡi. Nếu làm quá tay sẽ có tác dụng ngược. Thực tế, đã có nhiều chương trình truyền hình thực tế đến mùa thứ ba, thứ tư hay đoán biết chất lượng thí sinh năm nay yếu, không có nhiều cuộc cạnh tranh thú vị. Vì thế, họ sẵn sàng tung ra những scan- dal nhằm lôi kéo sự chú ý của dư luận. Nhưng chiêu PR quá lố khiến nhiều khán giả bức xúc và tẩy chay luôn chương trình".
Nhưng bất chấp những sai phạm xảy ra, hầu hết các chương trình đều vẫn được bảo toàn để lên sóng. Sự bắt tay, bao che giữa đơn vị sản xuất (các công ty truyền thông tư nhân) và nhà tổ chức (VTV) đã vô tình tạo những hệ lụy về phía khán giả. Họ chẳng còn cách nào khác là vừa xem, vừa... nhặt sạn.
Mới đây, trong một diễn đàn về truyền thông, một đạo diễn đã không ngần ngại vạch áo các đồng nghiệp để nhìn thẳng vào những sai phạm của nghề. Anh nói: "Áp lực từ việc bỏ ra một đống tiền lớn vào làm chương trình của nhà sản xuất dẫn đến sức ép về thu hồi vốn. Do đó, họ phải thu hút khán giả bằng "chiêu trò" để tăng rating rồi mời quảng cáo nhảy vào. Phần lớn, nhiều nhà sản xuất bây giờ làm chương trình chỉ vì tiền chứ không phải vì khán giả.
Nhà sản xuất Việt Nam cho dù có mua bản quyền kiểu gì cũng thua nước ngoài nhiều bậc về chất lượng chương trình. Vì họ chủ yếu lấy cái tiếng chương trình thành công ở nước ngoài nhưng biên tập lại thì chẳng ra thể thống gì. Chất lượng trên trời dưới đất, quảng cáo tràn lan, theo một lối mòn lười biếng hết năm này qua năm khác. Tôi vẫn mong những người có tài và có tâm thực sự, tự nghĩ ra một chương trình dành riêng cho người Việt rồi từ đó xây dựng tiếng tăm và thương hiệu”.
Chương trình xã hội hoá đang hút khán giả?
Theo tiết lộ của một biên tập viên kỳ cựu của HTV lại cho rằng, ở các đài truyền hình thu hút lượng người xem đông đảo như VTV hay HTV, tổng thời lượng phát sóng các chương trình do nhà đài tự sản xuất và chương trình có yếu tố liên kết (xã hội hóa) là 50%/50%. Trong đó, thời lượng các chương trình giải trí ở giờ vàng cao hơn, chiếm hơn 70% là chương trình xã hội hóa.
Đào Bích
Theo Người Đưa Tin