Trường Tiểu học Dũng Hợp: Vượt khó để nâng cao chất lượng dạy và học

06/10/2015 08:14

Theo dõi trên

Nằm trên địa bàn xã miền núi Nghĩa Hợp và Nghĩa Dũng của huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, Trường Tiểu học Dũng Hợp gặp phải nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị dạy học. Cán bộ giáo viên nhà đang từng ngày cố gắng, đổi mới phương thức quản lý cũng như phương pháp dạy học để trường có thể phát triển đáp ứng nhu cầu dạy và học, thúc đẩy sự phát triển của nhà trường.

Trở lại Trường Tiểu học Dũng Hợp sau gần 1 năm, có thể thấy bộ mặt nhà trường đã có nhiều thay đổi tích cực. Thầy giáo Hoàng Văn Hiến – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2014 - 2015, Trường Tiểu học Dũng Hợp đã thực hiện tốt công tác tuyển sinh vào lớp 1 có 118/118 đạt tỷ lệ 100%. Số độ tuổi chính ở các lớp đạt 95%, duy trì sĩ số 563/563 đạt 100% không có học sinh bỏ học giữa chừng. Công tác phổ cập giáo dục và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch, chất lượng phổ cập được đảm bảo có đủ sự tin cậy. Xã Nghĩa Dũng được công nhận phổ cập giáo dục ở mức độ 2, xã Nghĩa Hợp được công nhận ở mức độ 1.

"Các hạng mục công trình tu sửa, nâng cấp, làm mới được thực hiện đạt chỉ tiêu 80% so với kế hoạch, các công trình đã kịp thời đưa vào sử dụng có hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy phát triển của nhà trường. Năm học qua nhà trường cùng đội ngũ nhà giáo tập trung hết khả năng của mình trong lĩnh vực nâng cao chất lượng giáo dục bằng các giải pháp phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, tăng thời gian thời lượng học ở trường, ôn tập chỉ đạo từng giai đoạn tách nhóm đối tượng học sinh để phụ đạo, bồi dưỡng có hiệu quả đánh giá chính xác đến từng học sinh nhờ đó mà học sinh được xếp loại một cách chính xác đạt và sát với chỉ tiêu kế hoạch", thầy Hiến nói.

Theo thầy Hiến, phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực đã có sức lan tỏa trong cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, trong nhân dân. Nhà trường thực sự là của người học, cho người học, vì người học.


 
Hiện nay, nhà trường có 50 cán bộ, giáo viên, nhân viên và có 573 học sinh. Bước vào năm học 2015 - 2016 trong điều kiện sự nghiệp giáo dục và đào tạo có bước đột phá nhằm chấn chỉnh chất lượng giáo dục ở các cấp học, được sự đồng tình đồng thuận của toàn xã hội, nhà trường đã có sự lan tỏa, lòng tin trong nhân dân. Cùng với sự đầu tư của nhà nước, huy động nguồn lực của toàn dân, cơ sở vật chất trang thiết bị, cơ sở hạ tầng của nhà trường ngày càng tăng nhanh, góp phần thúc đẩy chất lượng giáo dục ngày càng tốt hơn.

Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn ngành giáo dục đã làm thay đổi tư tưởng, thái độ làm việc, tinh thần vượt khó của nhà giáo và những người làm công tác giáo dục, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương học sinh của cán bộ quản lý, giáo viên được đặt lên hàng đầu. Đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đủ về cơ cấu môn học, trình độ đào tạo trên chuẩn cao. Nhà trường có 31 giáo viên dạy giỏi cấp trường, 9 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 2 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, không có giáo viên yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ.

Thầy Hiến chia sẻ: “Năm học 2015 - 2016 nhà trường tiếp tục đổi mới quản lý theo hướng phân cấp, giao quyền tự chủ về thực hiện nhiệm vụ cho các nhà trường, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho giáo viên trong tổ chức hoạt động giáo dục và đánh giá học sinh; củng cố và nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục 2 buổi/ngày, bán trú, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện có chất lượng các yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh thông qua chương trình giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động giáo dục trải nghiệm như sinh hoạt tập thể, vui chơi, thể dục thể thao và các hoạt động xã hội khác, coi trọng chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục vùng miền núi, dân tộc, giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”.

Tuy nhiên, thầy Hiến cũng cho biết, nhà trường vẫn gặp muôn vàn khó khăn. Năm học 2015 - 2016 trường có 25 lớp, có 2 điểm trường Nghĩa Hợp và Dương Lễ thuộc vùng đặc biệt khó khăn, có 9 phòng học đã xuống cấp trong đó điểm Dương Lễ có 3 phòng, điểm Tân Thọ có 6 phòng học không đảm bảo an toàn cho người học và người dạy. Điểm trường Dương Lễ có 5 lớp nhưng chỉ có 3 phòng học, hiện tại nhà trường phải mượn 2 phòng học nơi khác để cho các em học tập. Hơn 1 nửa bàn ghế học sinh chưa đạt chuẩn quy định theo thông tư số 26 – Thông tư liên bộ, 14 bảng từ của lớp cần phải thay thế. Điểm trường Nghĩa Hợp, điểm trường Thuận Yên chưa được quy hoạch, chưa có tường rào, cổng trường, công trình vệ sinh còn tạm bợ. Cơ sở vật chất tổ chức cho hoạt động giáo dục toàn diện còn gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn.

Lớp học và học sinh có 4 điểm trường nên khó khăn trong việc điều hành, quản lý hoạt động dạy và học. Trong việc bố trí giáo viên, hoạt động ngoài giờ lên lớp còn gặp khó khăn. Việc tu bổ cơ sở vật chất, xây dựng cảnh quan môi trường, xây dựng các điều kiện phục vụ cho học sinh và giáo viên vượt quá khả năng của nhà trường và địa phương. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên còn thiếu so với quy định, chưa có giáo viên môn âm nhạc, thể dục, ngoại ngữ, tin học, giáo viên văn hóa, chưa có nhân viên y tế học đường và nhân viên thiết bị. Trình độ đào tạo trên chuẩn cao nhưng người thầy thực sự chưa có tay nghề, kiến thức và kỹ năng sư phạm tương xứng. Tư tưởng, phẩm chất đạo đức chính trị, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ giáo viên, nhân viên cơ bản là tốt. Bên cạnh 1 bộ phận chưa thực sự tự giác, hết lòng vì học sinh, chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cực đoan vẫn còn tồn tại, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của nhà giáo còn hạn chế.
 
Đặc biệt, dân trí tại địa phương không đồng đều, sự phân bố về dân cư, hệ thống giao thông phức tạp, tạm bợ gây không ít khó khăn cho nâng cao chất lượng giáo dục. Học sinh con em đồng bào thiểu số chiếm 19,02%, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo chiếm tỷ lệ 14,0% làm hạn chế đến huy động các nguồn lực các điều kiện của người học, khó khăn trong công việc nâng cao chất lượng giáo dục.
 
“Để đảm bảo cho các em học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, trường rất mong nhận được nhiều hơn sự quan tâm hỗ trợ từ phía phụ huynh học sinh, các tổ chức đoàn thể, các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể giúp trường hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Từ đó sẽ tạo động lực để thầy và trò nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn các xã miền núi khó khăn”, thầy Hiến nói.

 
Trần Công

Bạn đang đọc bài viết "Trường Tiểu học Dũng Hợp: Vượt khó để nâng cao chất lượng dạy và học" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.