"Truông Bồn - Miền đất huyền thoại"

02/11/2018 07:06

Theo dõi trên

Những ngày này, dòng người từ muôn phương lại về với Truông Bồn (Đô Lương – Nghệ An). Tuy rằng, đã gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày cuối cùng của tháng 10 năm 1968 định mệnh ấy, khói hương dường như chưa bao giờ tắt nơi chiến địa xưa.

Truông Bồn đã trở thành mảnh đất thiêng liêng, là bản anh hùng ca biểu trưng sáng ngời của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho lớp lớp thế hệ trẻ.

50 năm nhìn lại (31/10/1968 - 31/10/2018)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nghệ An là hậu phương lớn trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam; là tiền tuyến lớn của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Và trên vùng tuyến lửa khu IV này, Truông Bồn có vị trí đặc biệt quan trọng trên cung đường 15A -  huyết mạch giao thông chi viện nhân tài, vật lực cho chiến trường miền Nam. Chính vì nhận thấy được vị trí hết sức quan trọng về mặt quân sự của Truông Bồn, đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá ác liệt. Chỉ trong vòng 4 năm, từ năm 1964 đến năm 1968, trọng điểm này đã phải hứng chịu 18.936 quả bom các loại và hàng ngàn quả tên lửa.

Trên con đường ấy, quân và dân Nghệ An đã góp 2 triệu ngày công, đào đắp hàng triệu m3 đất đá; đưa hơn 94.000 lượt xe cơ giới qua lại an toàn; vận chuyển và giải tỏa hơn 1 triệu tấn hàng. Và trong mưa bom, bão đạn, hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ, cùng dân công hỏa tuyến và người dân nơi đây thề rằng: “tim có thể ngừng đập, nhưng đường không thể tắc”; “sống bám cầu, bám đường; chết kiên cường dũng cảm”, giữ vững mạch máu giao thông cho những đoàn xe, đoàn quân ra tiền tuyến.

Và cũng tại nơi đây1.240 người con ưu tú thuộc các lực lượng quân đội, công an, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã ngã xuống, mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ. Trong số những người con ưu tú đó có 13 thanh niên xung phong của Tiểu đội 2 - với biệt danh “Tiểu đội Thép” thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội thanh niên xung phong Nghệ An. Họ đã hy sinh vào rạng sáng ngày 31/10/1968.

Những trận chiến đấu, những hy sinh, gian khổ ở Truông Bồn của quân và dân ta là kết tinh cao đẹp nhất tinh thần yêu ước, của ý chí quyết chiến, quyết thắng chống ngoại xâm; của lòng dũng cảm, nhân phẩm, lương tri và khát vọng hòa bình.

Với lòng biết ơn và tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Truông Bồn, năm 1996, địa danh này được xây dựng thành Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia vào Tập thể 14 chiến sỹ thanh niên xung phong Truông Bồn thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân vào năm 2008.

Tri ân những hồn thiêng bất tử

Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968 - 31/10/2018) và Chương trình nghệ thuật "Truông Bồn - Miền đất huyền thoại" là hoạt động tôn vinh truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; bày tỏ lòng biết ơn và tri ân sâu sắc đến các Anh hùng liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh, cựu thanh niên xung phong, thân nhân liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, trong đó có 13 liệt sỹ của “Tiểu đội thép” anh hùng đã ngã xuống cách đây tròn 50 năm về trước.

Ôn lại lịch sử hào hùng của Truông Bồn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Cùng với Ngã ba Đồng Lộc, Hang Tám Cô, Thành cổ Quảng Trị và nhiều địa danh lịch sử khác, Truông Bồn đã trở thành biểu tượng sáng ngời của lực lượng thanh niên xung phong, của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Địa danh Truông Bồn đã đi vào lịch sử, trở thành một dấu son, là niềm tự hào của các thế hệ con cháu mai sau.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị, các ban, bộ ngành Trung ương, tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp và mọi người dân cần nhận thức sâu sắc hơn sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh để giữ gìn vững chắc những thành quả cách mạng. Từ đó, cùng chung tay chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất tinh thần cho các gia đình thương binh, bệnh binh, cựu TNXP, người có công.

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa các anh hùng, liệt sỹ, tri ân các cựu chiến binh, các thương binh, bệnh binh, cựu thanh niên xung phong… cần được nhân lên nhiều hơn nữa, được thực hiện thường xuyên, liên tục không ngừng nghỉ và bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Đây chính là bổn phận, trách nhiệm của mọi người dân Việt Nam.

Với lòng biết ơn và tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Nghệ An nguyện gìn giữ và bảo vệ những thành quả mà các thế hệ đi trước đã tạo dựng; trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nguyện đoàn kết một lòng, nỗ lực khắc phục khó khăn, hăng say lao động, học tập và rèn luyện, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đã đề ra, xây dựng Nghệ An đến năm 2020 trở thành trung tâm kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và tỉnh khá khu vực phía Bắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Tỉnh Nghệ An sẽ không ngừng thực hiện tốt hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc các đối tượng chính sách và người có công; xây dựng Truông Bồn mãi mãi là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước bất khuất, kiên cường của các thế hệ cha anh cho các thế hệ cháu con.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết ""Truông Bồn - Miền đất huyền thoại"" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.