Trên "cánh đồng mơ ước" ở Trà Ôn

05/06/2018 16:36

Theo dõi trên

Nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, những năm qua, bên cạnh việc Nhà nước đầu tư các mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn, thì ngành nông nghiệp, hội nông dân trên địa bàn huyện Trà Ôn còn phối hợp với các đơn vị, công ty triển khai nhiều mô hình canh tác lúa theo hướng mới.

 
Lúa trúng mùa nhờ sạ thưa, sử dụng phân bón hợp lý.

Tiêu biểu là mô hình “Cánh đồng mơ ước” với mục tiêu vừa tiết kiệm được chi phí, vừa tăng năng suất và lợi nhuận, nhằm từng bước giúp nông dân thay đổi dần tập quán canh tác cũ, đồng thời hướng đến sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ bền vững.

Với mục tiêu giúp nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, từ năm 2014, ngành nông nghiệp, hội nông dân cùng với chính quyền địa phương đã phối hợp với Công ty TNHH Thuốc trừ sâu ADC triển khai thực hiện mô hình “Cánh đồng mơ ước” với quy mô ban đầu trên 100ha, tại các xã Tích Thiện, Vĩnh Xuân, Tân Mỹ, Hòa Bình, Thới Hòa, Nhơn Bình (Trà Ôn).

Khi tham gia mô hình, bà con nông dân được công ty cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất trong cả mùa vụ, kết hợp với việc áp dụng phương pháp xạ thưa đều và hạn chế sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu.

Từ đó, không chỉ nâng cao chất lượng hạt lúa, mà năng suất bình quân còn tăng từ 200- 300 kg/ha so với tập quán canh tác truyền thống trước đó.

Với lợi ích như vậy, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, đến nay mô hình này đã nhân rộng ra nhiều địa phương trong huyện, diện tích sản xuất tăng gấp 3 lần với 120 hộ nông dân tham gia.

Nông dân Trần Văn Út (ấp Mương Điều, xã Tích Thiện) chia sẻ: “Khi chưa vô chương trình thì mần theo tập quán của nông dân. Phun thuốc rất là bừa bãi cứ thấy sâu là xịt.

Từ ngày vô “Cánh đồng mơ ước” tới giờ, mình thấy hiệu quả rất là cao. Phía công ty cung cấp chương trình khoa học kỹ thuật, hội thảo về phân bón, thuốc trừ sâu.

Khi mình vô rồi thì những kỹ sư xuống đồng thường xuyên. Người ta thấy sâu thì đưa thuốc cho mình xịt.

Hiệu quả nó rất là cao luôn. Phía công ty làm được như vậy thì nông dân rất là phấn khởi, năng suất lúa ngày càng đạt, mà bán thì cũng được thương lái tới thu mua luôn.

Miếng đất của tôi mần đây, tôi sạ 5451, làm lúa giống, được đặt cọc 6.500 đ/kg. Lợi nhuận vụ này chắc cũng khá vì giá lúa cao, bà con cũng thấy phấn khởi”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm (ấp Mương Điều, xã Tích Thiện) phấn khởi nói: “Tôi mần được chục công. 2 mùa nay áp dụng sạ hàng, nó thưa nhưng mà nó trúng.

Mùa này, 1 công được khoảng 850kg đó, bán 1kg được 6.200đ, đỡ hơn mấy mùa rồi. 1 công lúa bán lời được 3 triệu trở lên”.

Nếu trước đây theo tập quán, nông dân gieo sạ ngay sau khi làm đất thì giờ đây sau khi làm đất nông dân sử dụng phương pháp bón phân khoáng hữu cơ.

Một trong những loại phân hữu cơ hiệu quả, có tác dụng cải tạo mặt đất, đồng thời làm tăng độ phì nhiêu, giúp cây lúa dễ hấp thu dinh dưỡng, cứng cây đứng lá và hạn chế được các loại dịch hại tấn công.

Cùng với đó là việc áp dụng biện pháp sạ hàng, sạ thưa (từ 8-10 kg/công), giảm trên 50% lượng giống gieo sạ so với trước đó.

Bên cạnh, nông dân còn được hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh, phun thuốc theo phương pháp “4 đúng”. Từ đó, làm giảm số lần phun xịt, chi phí phân thuốc giảm đáng kể (trên 30%).

Ông Nguyễn Văn Xong- CLB ADC huyện Trà Ôn- cho biết: “Công ty ADC cũng có hỗ trợ phân khoáng hữu cơ “Con bò sữa” cải tạo đất, rồi triển khai kỹ thuật, tập huấn 2 lần trên vụ cho bà con nông dân sản xuất có hiệu quả hơn.

Ý nghĩa của việc triển khai “Cánh đồng mơ ước” là cải tạo được mặt đất nhờ phân khoáng hữu cơ, mang lại độ phì nhiêu cho đất để bà con sản xuất lâu dài, bền vững.

Trong thời gian tới, tôi khuyến khích bà con nông dân nên bón phân khoáng hữu cơ (20 kg/công) cho đất có độ phì nhiêu, về sau đất không bị bạc màu”.

“Cánh đồng mơ ước” là mô hình trồng lúa tiên tiến, không chỉ tiết kiệm chi phí, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân mà còn giúp họ thay đổi dần tập quán canh tác cũ, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường.

Qua đó, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Đây cũng là một trong những hướng đi đúng đắn nhằm hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững.


Ngọc Ly - Thanh Tùng
Theo Báo Vĩnh Long

Bạn đang đọc bài viết "Trên "cánh đồng mơ ước" ở Trà Ôn" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.