Trần Vũ Mai nghề văn, tiếng Việt

01/05/2021 21:09

Theo dõi trên

Nhà báo Nguyễn Thế Khoa cho biết: Chuẩn bị tổ chức hội thảo "Trần Vũ Mai - Từ Thảm có sông Hồng đến Ở làng Phước Hậu" tại Phú Yên vào tháng 9 tới thì vừa nhận được bài viết của nhà văn Thái Bá Lợi. Xin chia sẻ với bạn đọc.

 
Từ phải sang: Trần Vũ Mai, Thanh Quế, Dương Dức Quảng, Nguyễn Khắc Phục ở căn cứ Khu ủy khu 5

Nhắc đến nghề văn và tiếng Việt thì tôi lại nhớ đến nhà thơ Trần Vũ Mai.

Trước đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ Tư (1989) mấy ngày, Mai nói: “Hội Nhà văn phải là những người lập văn tự của nước mình, ai dùng tiếng Việt giỏi dù là văn chính trị, kinh tế, lịch sử, địa lý, kỹ thuật đều nên được kết nạp vào Hội, không cứ gì mấy anh làm thơ, viết truyện, viết phê bình văn học. Hiện nay có khối người là hội viên mà tiếng Việt thua xa nhiều nhà khoa học thuần túy”.

Nghe Mai nói tôi nghĩ ngay đến cuốn Thiên nhiên Việt Nam của giáo sư Lê Bá Thảo, nhà địa lý hàng đầu nước ta, sẵn cuốn sách trên bàn tôi đọc cho Mai nghe môt đoạn: “… Những người dân đồng bằng khi ngồi trên xe lửa từ Hà Nội lên Lào Cai dọc theo thung lũng sông Hồng, dù không biết rằng mình đang đi dọc theo rìa phía Đông của miền Tây Bắc, thường vẫn nhìn thấy mặt trời lặn thật sớm trên các đỉnh núi sắc và nhọn ở phía Tây, các tia nắng bỗng nhiên tắt ngấm nhanh đến mức không kịp để hoàng hôn có thì giờ chuẩn bị cho đêm dần đến. Mặc dù vậy nhưng bầu trời phía sau vẫn còn đủ sáng lờ mờ để hình dáng đồ sộ và im lìm của những dãy núi cao này in vào mắt họ một thời gian khá lâu mà ai nấy đều tự hỏi: Có cái gì bên kia dãy núi ấy? Có cái gì trên phần lãnh thổ rộng lớn ở phía Tây của Tổ quốc, nơi mà người ta quen gọi là Tây Bắc?”.

Nghe xong, trầm ngâm một lúc, Mai nói:

- Văn sang như vậy thì ai đọc mà chẳng yêu đất nước. Phải mời những người dùng tiếng Việt như thế này vào Hội Nhà văn.

Tôi có dịp làm việc với Mai ngay từ truyện ngắn đầu tay Lòng cha. Hồi đó Mai vào chiến trường khu V cùng với các cây viết trẻ của khóa 4 trường bồi dưỡng viết văn do nhà văn Nguyên Hồng phụ trách bổ sung cho chiến trường.

Anh là người phong độ nhất đoàn, có sức khỏe và nhanh nhẹn. Anh xung phong đi chiến trường cực Nam khu V, một chiến trường gian khó, ác liệt bậc nhất có một phần vì mê bài thơ Nhớ máu của nhà thơ đồng hương Thanh Hóa Trần Mai Ninh. Mỗi chuyến công tác thường mất 6 tháng, trong đó có gần ba tháng trên đường đi về.

Sau một chuyến đi dài, Mai về trực ở tòa soạn Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ. Truyện ngắn Lòng cha của tôi đã in trên Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ (cả hai tạp chí này đều do nhà văn Nguyên Ngọc làm chủ nhiệm), nhưng Mai vẫn chọn in lại trên Văn nghệ giải phóng. Khi gặp tôi, Mai nói:


- Tôi có bỏ vài chữ và phân đoạn lại cho ông, còn không sửa gì, ông cứ tin tôi.

Bản in lại sau này trong các tuyển tập là bản của anh biên tập.

Tôi còn có dịp làm việc với Mai ba cuốn sách, trong đó hai cuốn in ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới (nay là Nhà xuất bản Hội Nhà văn) nơi anh làm việc. Anh không giấu được xúc động với những đoạn văn hay, không tiếc lời khen. Nhưng với những đoạn văn dở anh dùng lời lẽ gay gắt không để ý đến việc tôi có phật lòng hay không. Để kết luận Mai thường nói: “Tôi không ngờ ông lại viết như vậy”. Anh không bao giờ nói nên sửa như thế nào mà thường đưa ra những câu chuyện mà anh gặp trong cuộc đời phong phú của mình hoặc những kiến thức mà anh thu nhận được để gợi ý cách sửa chữa, còn những sai sót nhỏ anh chỉ đánh dấu mà không bao giờ nhúng bút vào bản thảo. Tôi chỉ nhìn vào những chỗ đánh dấu của anh mà sửa. Khi đọc lại bản thảo bao giờ Mai cũng chú ý đến những chỗ đánh dấu ấy. Nhìn nét mặt của anh, tôi có thể biết được anh có hài lòng hay không.

Lại nhớ những năm ấy các tác phẩm Tuổi thơ im lặng của Duy Khán, Thời xa vắng của Lê Lựu được xuất bản với sự say mê biên tập của Mai. Những cuốn sách đó được bạn đọc đón nhận và có giải thưởng. Riêng cuốn Thời xa vắng Mai có kể lại rằng ông Lê Lựu có đưa đến Nhà xuất bản một bản thảo tiểu thuyết, anh đọc xong xếp lại và rủ Lê Lựu ra quán. Anh nói với Lê Lựu cảm giác tập bản thảo này in cũng được mà không in cũng được, ông có chuyện vui kể tôi nghe. Lê Lựu là người kể chuyện hay, kể cho anh nghe vô khối chuyện. Mai nói, anh đừng kể nữa hãy viết nó ra đi. Hôm sau Lê Lựu đưa đến cho Mai một đoạn, khoảng 5 trang. Mai đọc ngay tại quán khen hay rồi giục Lê Lựu viết tiếp. Cứ độ vài ngày ông Lựu lại đưa cho Mai mấy trang. Đây chính là tiểu thuyết Thời xa vắng, tác phẩm hay nhất của Lê Lựu. Năm đó Nhà xuất bản bầu Mai là biên tập viên xuất sắc nhất năm, nhưng có người góp ý sao không biên tập những đoạn lòng thòng có nhiều trong tác phẩm. Mai nói: Nói thật là tôi không hề sửa một câu nào trong đó, kể cả những câu sai ngữ pháp. Làm như vậy thì còn gì là ông Lê Lựu nữa.

Mai là người có tấm lòng đằm thắm với tiếng Việt. Bạn bè anh là những người đầu đàn trong các lĩnh vực nghệ thuật. Anh tá túc và bù khú ở 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội với các họa sĩ Nguyên Sáng, Mai Văn Hiến. Anh chơi thân với nhà văn Đoàn Giỏi. Còn với nhạc sĩ Đăng Đình Hưng thì nỗi lần tan các cuộc nhậu Mai đều giành mua một cút rượu về cho ông Hưng. Sau ngày Đặng Thái Sơn nổi tiếng, gặp chúng tôi trên đường Giảng Võ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng vào chợ mua hẳn một đùi lợn quay và nói: “Về nhà uống rượu, sao lâu nay các ông không đến”. Mai nói: “Ngày trước, mỗi lần uống rượu nhớ anh, bọn này nói mang về cho ông Hưng một cút, còn bây giờ chẳng lẽ uống rượu hết tiền đến ông Hưng chăng? Anh nghĩ điều nào tốt hơn”. Nhạc sĩ Đặng Đình Hưng ứa nước mắt.

Ở các ngành khoa học khác anh cũng thân thiết với nhiều người. Họ là những người nổi tiếng lại lớn tuổi hơn anh, nhưng tôi nhận được trong quan hệ họ rất bình đẳng với anh, lắng nghe anh nói chuyện như một người bạn. Anh kể về những từ mà các bậc thầy thường dùng với một sự thích thú đặc biệt. Một lần nhân bàn về truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân, khi đến đoạn Tràng đưa người vợ nhặt về nhà, gặp người quen đang nhìn họ, Mai đọc thuộc đoạn văn: Cái đầu trọc nháy một con mắt, hất hất về phía người đàn bà hóm hỉnh: “Cánh nào đấy? - À hà người quen. Thôi để hôm khác ông nhé”. Mai nhắc lại cụm từ “cánh nào đấy” với một sự rung động sâu sắc, qua giọng của anh toát lên vẻ đẹp ngôn từ mà không phải lúc nào ta cũng bắt gặp và cảm nhận được.

Tôi nhớ tháng 8 năm 1974, khi chuẩn bị chiến dịch giải phóng Nông Sơn - Trung Phước, nhà văn Nguyễn Chí Trung, người phụ trách chung văn nghệ cả bên Khu ủy và Quân khu do nhà văn Nguyên Ngọc ra Bắc chữa bệnh đã điều nhiều văn nghệ sĩ dân chính sang đi thực tế với bộ đội. Tôi hơi bị ngỡ ngàng một tí vì thấy các anh chị bên Khu ủy đi khu chiến cũng lì đòn như đám lính chúng tôi. Chúng tôi được phân công về tiểu đoàn 8, trung đoàn 31 sư đoàn 2, là đơn vị chủ công đánh cứ điểm Nông Sơn. Anh Bùi Minh Quốc đi với tiểu đoàn bộ, tôi đi với đại đội 7, còn Mai thì đi với đại đội 5. Có thể nói trận Nông Sơn là trận đánh thuận lợi nhất trong lịch sử quân đội ta. Trên cứ điểm theo kế hoạch chỉ có một tiểu đoàn biệt động quân nhưng trước ngày nổ súng, địch đưa lên một tiểu đoàn để thay quân. Vậy là quân cũ thấp thỏm để rút đi, quân mới đến chưa biết ngô khoai gì thì trận đánh nổ ra. Tất cả hỏa lực của quân khu, của sư đoàn 2 dưới sự chỉ huy của sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn dội xuống Nông Sơn yểm trợ cho trung đoàn 31 chiếm cứ điểm. Chỉ sau vài giờ chiến đấu quân ta đã tiêu diệt hai tiểu đoàn quân Sài Gòn, chủ yếu là bắt sống. Khi tôi theo mũi thọc sâu của đại đội 7 lên đỉnh đồi thì đã thấy Trần Vũ Mai ở đó rồi. Anh cùng đại đội 5 phơi nắng vây lấn địch suốt cả ngày hôm ấy.

Mai sáng tác không nhiều. Anh để lại trường ca Ở làng Phước Hậu và mấy chục bài thơ lẻ. Những tác phẩm ít ỏi đó đã ám ảnh tôi cho tới hôm nay. Mai ra đi năm 1991, một sự ra đi có ý định. Sau một cuộc nhậu trên đường về nhà, đến một hồ nước, Mai cởi quần áo ngoài để trên bờ rồi đi xuống nước mãi mãi. Nhiều người thân của anh đã linh cảm thấy điều đó. Nhưng cái tin ấy đến với tôi vẫn rất đột ngột. Mỗi khi cầm bút viết tôi có thói quen hình dung ra một ai đó đang đọc mình, đang nghiêm khắc dõi theo những dòng mình viết. Marxim Gorki nói: “Khi viết anh nên nghĩ đang viết cho kẻ thù đọc. Vì với kẻ thù anh sẽ thận trọng và mạnh mẽ hơn so với bạn bè”. Tôi không có kẻ thù nào cụ thể, nên khi viết tôi chỉ nghĩ tới Mai, hình dung ra anh sẽ khen câu này, chê câu kia, nên khi anh ra đi tôi thực sự cảm nhận được sự trống vắng mỗi lần ngồi trước trang giấy.
 
Trần Bá Lợi

Bạn đang đọc bài viết "Trần Vũ Mai nghề văn, tiếng Việt" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.