TPHCM đề nghị giảm kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 với 4 dự án sử dụng nguồn vốn ODA vay lại

18/12/2021 10:11

Theo dõi trên

Ngày 17/12, UBND TPHCM ban hành công văn khẩn gửi Bộ Tài chính về việc đăng ký điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 với nguồn vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

17-12-2021-tphcm-de-nghi-giam-ke-hoach-von-dau-tu-cong-nam-2021-voi-4-du-an-su-dung-nguon-von-oda-vay-lai-5e83d9d2-details-1639797062.jpg
Dự án đường sắt đô thị số 1 TPHCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (Metro số 1)

Trên cơ sở tình hình thực tế triển khai các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đã từ các nhà tài trợ nước ngoài tại TPHCM, UBND TPHCM đăng ký điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nguồn vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ (vốn ODA vay lại).

Theo đó, cuối năm 2020, TPHCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công của TP với tổng số 8.934,535 tỷ đồng nguồn vốn ODA vay lại cho 4 dự án gồm: dự án Xây dựng đường sắt đô thị số 1 TPHCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (Metro số 1); dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2); dự án Phát triển giao thông xanh TPHCM; dự án Vệ sinh môi trường TPHCM (giai đoạn 2).

Tuy nhiên, đến nay, ước giải ngân vốn năm 2021 của cả 4 dự án này chỉ đạt 3.025,165 tỷ đồng, tương đương khoảng 33,8%. Ngoài dự án Xây dựng đường sắt đô thị số 1 TPHCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (Metro số 1) có tỷ lệ giải ngân năm 2021 ước đạt trên 42%, các dự án còn lại đều rất thấp. Cụ thể, dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2) chỉ giải ngân được 1,6%; dự án Phát triển giao thông xanh TPHCM chỉ giải ngân gần 5,6% kế hoạch vốn đã giao; dự án Vệ sinh môi trường TPHCM (giai đoạn 2) cũng chỉ đạt 20,2%.

Theo UBND TPHCM, nguyên nhân của việc giải ngân chậm nguồn vốn ODA vay lại do nguyên nhân khách quan là dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc vận chuyển trang thiết bị, vật liệu xây dựng; biến động giá cả, khan hiếm cục bộ vật liệu xây dựng, nhân công thiếu hụt... Về mặt chủ quan, các công tác chuẩn bị đầu tư dự án (bồi thường, giải phóng mặt bằng, thiết kế...) chậm triển khai; dự báo nhu cầu, kế hoạch vốn chưa sát thực tế; một số dự án đã được bố trí vốn ODA vay lại nhưng không thể giải ngân do chưa hoàn tất các thủ tục ký điều chỉnh hiệp định vay.

Từ đó, TPHCM đề nghị điều chỉnh giảm tổng cộng 5.909,370 tỉ đồng tiền vốn ODA năm 2021 cho 4 dự án.

UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành phối hợp chặt chẽ và cùng hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án, nâng cao khả năng giải ngân hết số vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2021 sau khi được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh giảm./.

Theo hcmcpv.org.vn
Bạn đang đọc bài viết "TPHCM đề nghị giảm kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 với 4 dự án sử dụng nguồn vốn ODA vay lại" tại chuyên mục Kinh tế. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.