
Cáp treo Yên Tử.
Trong câu chuyện này, người ta nói nhiều tới trách nhiệm của BQL Di tích Yên Tử, của chính quyền địa phương bởi cứ như họ chỉ vừa mới biết- khi báo chí vào cuộc và người dân lên tiếng. Tức là khi sự đã rồi.
Tất nhiên, lùm xùm di tích ở Yên Tử chỉ là một điển hình. Nó phản ánh những mâu thuẫn trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị của di sản nói chung. Đã có nhiều ý kiến đưa ra tại các hội thảo về di sản: Bảo tồn theo hướng nào? Bảo tồn nguyên bản hay kế thừa và phát huy giá trị của di sản? Về điều này, chuyên gia Đặng Văn Bài đã từng phân tích, trong thực tế, không phải bao giờ người ta cũng tìm được lời giải đúng đắn cho vấn đề bảo tồn và phát triển.
Nguyên nhân của mọi sai lầm nói trên trước hết xuất phát từ nhận thức lệch lạc, trong đại bộ phận các trường hợp là do quá coi trọng việc phát triển kinh tế, đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết. Và do đó, không lưu ý hoặc không xử lý thoả đáng nhu cầu bảo tồn di sản văn hóa. Vậy thì những biến đổi trong quần thể di tích – danh thắng Yên Tử được nhìn nhận ra sao?
Theo ông Bài, chúng ta đã phải chấp nhận sự biến đổi một phần trong môi trường cảnh quan của khu danh thắng chùa Yên Tử tỉnh Quảng Ninh để xây dựng thêm hệ thống cáp treo và dịch vụ du lịch, chùa Đồng mới và tượng Trần Nhân Tông trên đỉnh núi, Thiền Viện Trúc Lâm trên khu vực chùa Lân ở chân núi… Như thế cũng có nghĩa là khu danh thắng này đã được bổ sung thêm các công trình xây dựng mới và công năng mới.
Lúc mới khởi dựng, chùa Yên Tử chỉ đóng vai trò là chốn Tổ - nơi phát khởi của thiền phái Trúc Lâm, nơi hành hương của Phật tử vào các dịp lễ hội. Ngày nay, từ quan điểm tiếp cận mới chúng ta đã tạo lập ở đây một sản phẩm du lịch - văn hóa có giá trị với việc bổ sung một số công năng mới, biến Yên Tử từ một điểm khởi phát thành một trung tâm Phật giáo chấn hưng thiền phái Trúc Lâm. Công năng truyền thống cộng với công năng hiện đại góp phần làm nên một danh sơn Yên Tử đầy sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, tạo ra sự biến đổi cơ cấu kinh tế ở địa phương. Nhưng ông nhấn mạnh, yêu cầu đầu tiên vẫn phải tôn trọng cảnh quan của khu di tích.
Nhìn rộng ra trong bảo tồn di sản hiện nay, nhất là với di sản văn hóa phi vật thể, yêu cầu bảo tồn nguyên bản, nguyên gốc các loại hình diễn xướng dân gian trong dòng chảy của cuộc sống cũng cần được nhìn nhận biện chứng.
Theo TS Bùi Quang Thắng – Viện Văn hóa nghệ thuật, thực tế cho thấy khái niệm về tính nguyên gốc của di sản là khái niệm khó có thể được xác định rõ ràng. Xã hội vốn biến đổi liên tục qua các thời kỳ, di sản cũng vậy, không thể xác định được đâu là thời điểm để tính rằng ở thời điểm này nó là nguyên gốc còn trước và sau đó thì không phải. Đời sống của di sản cũng không nằm ngoài quy luật này. Di sản phi vật thể vốn rất phong phú và đa dạng, và điều có thể dễ nhận thấy là, với thực tế đa dạng như vậy, không thể áp dụng một mô hình bảo tồn cho tất cả các di sản. Có những di sản cần bảo tồn nguyên gốc (và bảo tồn được), có những di sản chỉ có thể bảo tồn gần với nguyên gốc, có những di sản phải vừa bảo tồn, vừa phát triển…
Tương tự như vậy, xu hướng sân khấu hóa với các loại hình nghệ thuật truyền thống cũng không quá lo ngại. Đơn cử như trước nhiều quan điểm cho rằng, nguy cơ sân khấu hóa một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể sẽ làm biến dạng di sản, chuyên gia nghiên cứu âm nhạc, PGS. TS Đặng Hoành Loan cho rằng, việc mang Ví, Giặm lên sân khấu biểu diễn là chuyện bình thường và là xu hướng tất yếu. Cái mốc đánh dấu rõ nhất là từ những năm 1930, người ta đã mang dân ca Ví, Giặm lên sân khấu biểu diễn. Sở dĩ loại hình này vẫn còn được lưu giữ vẹn nguyên cho tới hôm nay, cũng bởi trong quá trình lịch sử, Ví, Giặm hát phường vải đã tự giải phóng mình khỏi môi trường truyền thống.
Nói như vậy có nghĩa đặt ra yêu cầu bảo tồn di sản là cần thiết. Nhưng trong quá trình phát triển có những sự biến đổi của di sản có thể được chấp nhận. Chỉ có điều khi người ta đặt quá nặng vấn đề lợi nhuận lên trên di sản, khiến cho biến dạng những giá trị của di sản, nhất là khi sự biến đổi ấy làm cho số đông dư luận thấy không ổn và phản đối rần rần…thì chính quyền sở tại, những người có trách nhiệm quản lý di sản cần phải xem xét lại một cách thật nghiêm túc.
Nhất là khi di tích danh thắng Yên Tử đang trong lộ trình làm hồ sơ xin công nhận danh hiệu di sản thế giới lại càng phải thận trọng.
Theo Vi Cầm (Đại Đoàn Kết)