Tôi đi chợ nổi

07/10/2016 09:33

Theo dõi trên

Bạn thử tưởng tượng: Vào một buổi sáng bạn ngồi trên một chiếc ghe bồng bềnh giữa sông nước và thưởng thức một tô mì gói hoặc một bát hủ tiếu…hay tận hưởng vị thơm ngon của ly cà phê…xung quanh là kẻ bán người mua tấp nập. Cảm giác đó sẽ thật bình dị và cũng vô cùng thú vị phải không?


 
Du khách quốc tế khám phá chợ nổi - Ảnh Cao Ngọc
 
Sinh ra và lớn lên ở miền biển, đã từng có những năm sống ở vùng đồi núi nhưng phải đến tận bây giờ khi  ngoài 30 tuổi tôi mới lần đầu đặt chân đến vùng sông nước Cửu Long. Nghe và xem cũng đã nhiều về miền Tây Nam bộ trên đài, báo, ti vi lại càng khát khao hơn một lần được đặt chân tới nơi đây để trực tiếp cảm nhận sự mênh mang của vùng sông nước hữu tình này. Vậy là, một trong những mong ước của tôi đã thành hiện thực.

Bạn bè tôi vẫn thường kháo nhau, vào miền Tây mà chưa đi chợ nổi thì coi như chưa đến miền Tây cho nên khi nhận được thông báo đoàn công tác sẽ đến thăm chợ nổi Cái Răng tôi và chị đồng nghiệp đã vô cùng vui sướng, ví có chút không ngoa là như đứa trẻ sắp nhận được món quà mình mong chờ từ lâu. Sau buổi làm việc tại TP Cần Thơ, chúng tôi đã mất một đêm ngủ không yên giấc, chỉ sợ mình dậy muộn sẽ bị đoàn bỏ lại khách sạn vì tham quan chợ nổi Cái Răng phải đi từ khá sớm.

Chúng tôi đến bến Ninh Kiều khi trời còn đang tờ mờ sương sớm, bến và thuyền vẫn phải chăng đèn mới nhìn rõ mặt người vậy mà có khá nhiều ghe thuyền chở các đoàn khách đã rời bến. Chờ khoảng 15 phút thì thuyền chúng tôi cũng bắt đầu xuất phát và tôi có thể thực sự cảm nhận đi trên sông nước là như thế nào. Thuyền đi giữa không gian mênh mang rộng lớn của dòng sông Hậu hiền hòa, lục bình nổi trôi theo dòng nước. Không khí buổi sớm trong lành, mát lạnh cuốn trôi những mỏi mệt của chuyến công tác. Gác lại nhiều lo toan trong cuộc sống hằng ngày, tôi quyết định toàn tâm toàn ý để có một buổi trải nghiệm và khám phá không thể nào quên. Tiếng máy đuôi tôm xình xịch đẩy thuyền trôi qua những ngôi nhà, những trạm xăng hay những cửa hàng tạp hóa nổi trên mặt nước, lướt qua ngầm ba cây cầu lớn bắc ngang sông, cách bến Ninh Kiều khoảng  4km, chúng tôi bắt đầu nghe thấy âm thanh ồn ào náo nhiệt của xuồng máy, tiếng người  trao đổi hàng hóa, tiếng rao hàng của cư dân và tiếng cười nói của những du khách tham quan chợ…Trong làn sương đang tan dần là cảnh người mua, người bán tấp nập bằng thuyền. Chợ sầm uất bởi nhiều loại ghe thuyền. Mặc dù phương tiện di chuyển cồng kềnh hơn nhiều các loại phương tiện trên bộ nhưng giữa không gian đông đúc tôi cũng chưa nhìn thấy một cảnh va quyệt nào.



 
Chợ Cái Răng kéo dài hơn 1km trên sông - Ảnh: Minh Quân
 
Từ lâu, chợ nổi Cái Răng đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng tại Cần Thơ. Vì vậy, ngoài các ghe chở hàng đến giao cho thương mối, những ghe hàng bán lẻ…  chợ càng thêm đông đúc bởi nhiều loại thuyền, ghe to nhỏ phục vụ khách du lịch tham quan. Khách nước ngoài thường đi một tốp dưới 10 người và rất hay lựa chọn những chiếc xuồng nhỏ để dễ dàng di chuyển lại tăng cảm giác trải nghiệm khi len lỏi giữa các ghe thuyền lớn hơn. Trên một quãng sông, người mua cứ mua, kẻ bán cứ bán và người xem thì cũng cứ mặc người xem. Ấn tượng với nét độc đáo nơi đây, một số đồng nghiệp của tôi còn trèo cả lên nóc ghe để tác nghiệp, để bắt được những khoảnh khắc sống động của miền sông nước hữu tình này.

Hàng hóa chợ nổi Cái Răng vô cùng đa dạng, có đầy đủ các mặt hàng: từ các loại hoa quả, rồi rau củ như: xoài, dưa hấu, chôm chôm, mãng cầu, củ mài, bông súng… đến các loại hàng tươi sống như cá, thịt… hay đồ điện tử, vé số… và cả những hàng quà vặt cũng rất nhiều. Đặc biệt là những quán hàng cà phê, nước ngọt di động cho tôi cảm giác vừa lạ vừa quen. Lên xe từ 5 giờ sáng nên mọi người vẫn chưa ăn gì. Mùi thơm của quán hàng mì gói, hủ tiếu… thơm lừng cả một khúc sông khiến cho ai nấy cũng đều bứt rứt nhưng thời gian không cho phép, mọi người đành tiếc nuối bỏ qua một trải nghiệm hấp dẫn. Thấy trên mỗi ghe hàng đều cắm ít nhất một cây sào phía trên có treo lủng lẳng các loại củ, quả hoặc một vài thứ đồ, tôi thắc mắc thì được anh đồng nghiệp giải thích: đó là cây “bẹo”. Từ xa người mua chỉ cần  nhìn cây “bẹo” thì sẽ biết được ghe đó bán gì mà bẻ lái hay không. Anh còn cho biết thêm, nhiều ghe hàng sau khi mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ Cái Răng lại nhanh chóng chạy về các chợ trên bờ để buôn bán tiếp. Cuộc sống lênh đênh sông nước nên hầu hết thời gian cư dân của chợ nổi Cái Răng sống ở trên chính phương tiện mưu sinh của mình. Vì vậy, mọi người có thể bắt gặp rất nhiều hình ảnh quần áo treo phơi trên các ghe thuyền. Thế mới có cảnh: thứ bán không treo mà thứ treo lại không bán.



 
Chợ Cái Răng kéo dài hơn 1km trên sông. Sau khi, dạo qua chợ 2 lượt, mua bán một ít hoa quả về làm quà, đoàn của tôi phải từ biệt chợ nổi Cái Răng để tiếp tục hành trình của mình. Tôi vẫn còn “thòm thèm”, tự hẹn với mình sẽ có một ngày gần nhất quay trở lại đây để hoàn thành nốt những trải nghiệm còn dang dở.

(Theo Báo Du Lịch)

Cao Ngọc
Bạn đang đọc bài viết "Tôi đi chợ nổi" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.