Toạ đàm "Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ em gái như thế nào?"

17/03/2021 22:23

Theo dõi trên

Sự kiện là cơ hội để các trẻ em gái được lắng nghe và chia sẻ về những thách thức, ảnh hưởng đến việc học tập trong giai đoạn dịch Covid-19.

 
Khách mời là đại diện từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ cùng giáo viên và các bạn thanh thiếu niên. Ảnh: S.M

Toạ đàm do tổ chức Plan international Việt Nam cùng Trung tâm Sống & Học tập vì Môi trường (Live & Learn) phối hợp tổ chức. Qua những câu chuyện thực tế, chia sẻ thẳng thắn của giáo viên và học sinh, chuyên gia cùng các tổ chức xã hội đã thảo luận và xây dựng nhiều đề xuất nhằm tăng hiệu quả của hoạt động giáo dục. 

Tại sự kiện này, em Lữ Thị Yến Nhi (19 tuổi), đại diện cho nhóm thanh thiếu niên hoạt động cùng Plan International trực tiếp tham gia vào nghiên cứu đã chia sẻ báo cáo của tổ chức với chủ đề "đầu tư vào giáo dục cho trẻ em gái trong giai đoạn ứng phó và phục hồi sau Covid-19": “Khi mạng của nước ta vẫn chưa phủ sóng hết ở vùng sâu vùng xa thì việc học trực tuyến khó có thể đạt chất lượng tốt nhất. Và khi học trực tuyến, chúng em dễ bị sao nhãng, thiếu động lực học tập, chương trình học cũng khó tiếp thu hơn vì nhiều bài giảng chưa được thiết kế phù hợp để dạy trực tuyến”. 
 
 
Yến nhi chia sẻ, trong đại dịch Covid-19, trẻ em gặp nhiều áp lực từ chính môi trường gia đình, sức khoẻ tinh thần không được đảm bảo, nguy cơ bạo lực trên cơ sở giới gia tăng. Ảnh: S.M 

"Gần 30% học sinh ở Việt Nam không được tiếp cận với hình thức học trực tuyến. Và trẻ em ở miền núi không giống như trẻ em ở miền xuôi, bởi các em còn phụ giúp gia đình, tham gia sản xuất, kiếm tiền, khiến các em bị sao nhãng việc học tập, khiến cho việc quay lại trường học cũng khó khăn hơn”, ông Lưu Quang Đại - Trưởng phòng Phát triển và Quản lý chất lượng chương trình tổ chức Plan International Việt Nam chia sẻ.

Theo ông Đại, trẻ em dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa cũng như trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo thường không có điều kiện tiếp cận tới các công nghệ như điện thoại di động, máy tính hay Internet để có thể học trực tuyến.

Tại buổi toạ đàm, các khách mời đã cùng thảo luận và xây dựng nhiều đề xuất nhằm tăng tính hiệu quả của hoạt động giáo dục. Với mục tiêu xây dựng môi trường học tập bình đẳng hơn, những giải pháp được các khách mời của buổi toạ đàm đề cập tới bao gồm: Tập trung nâng cao nhận thức cho trẻ em gái gia đình các em và cộng đồng về quyền được hoàn thành 12 năm học; loại bỏ các rào cản của tài chính đối với việc tiếp cận, hoàn thành chương trình học; quan tâm hơn tới việc giáo dục cho trẻ em tại vùng sâu vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật. Ngoài ra, các khách mời đều đồng ý việc chấm dứt tình trạng kết hôn sớm, cũng như việc giảng dạy giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho trẻ em tại vùng sâu vùng xa cần được quan tâm đẩy mạnh.
 
Nguyễn Dung - Sao Mai

Bạn đang đọc bài viết "Toạ đàm "Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ em gái như thế nào?"" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.