Thanh Chương

Tìm về địa danh văn hóa đầy tự hào của người Bến Tre

20/02/2017 15:38

Theo dõi trên

Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu tọa lạc tại Ấp 3, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Nhằm tỏ lòng thành kính đối với cụ Đồ, vừa để phục vụ cho việc tham quan, nghiên cứu, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ, năm 1999, Bộ Văn hóa Thông tin và tỉnh Bến Tre đầu tư xây dựng đền thờ mới, mở rộng khu di tích.



Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu - Ảnh: Báo Lao Động

 
Khu di tích và đền thờ Nguyễn Đình Chiểu được xây dựng hoành tráng sau này với tổng diện tích 15.000m2. Đền thờ của cụ được xây hình tròn với ba tầng mái tượng trưng cho ba nghề nghiệp của cụ, đó là nghề dạy học, bốc thuốc và làm thơ.

Bên trong đền thờ là tượng cụ đúc bằng đồng. Hai bên có hai câu đối: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm - Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Trong đền thờ có 2 mảng phù điêu lớn: Mảng bên trái diễn tả cảnh cụ Đồ Chiểu đọc văn tế “Lục tỉnh sĩ dân trận vong” tại chợ Đập vào năm 1883. Còn mảng phù điêu bên phải miêu tả lại trận đánh của Đốc binh Phan Ngọc Tòng tại Giồng Rạch.

Trước cổng đền, phía trái có nhà tiếp đón các đoàn khách, các cá nhân từ mọi miền đất nước về viếng cụ. Từ cổng đền đến nhà bia có sân rộng lát đá chẻ viền cỏ xanh rất khoáng đạt, khu vực đền còn trồng nhiều cây kiểng qúy, được uốn tỉa công phu. Cả khu vực thành một hệ thống liên hoàn hòa nhập với quang cảnh xanh tươi vốn có của vùng quê An Đức. Đền thờ hình tròn với 3 tầng mái tượng trưng cho ba nghề nghiệp của cụ Đồ Chiểu (nghề dạy học, bốc thuốc và làm thơ ).

Nhà bia với 2 tầng mái tượng trưng cho hai cống hiến nổi bật, đó là những áng thơ văn yêu nước kiệt xuất “đã đạt đến độ toàn bích” của cụ, là ngọn cờ đầu của thơ văn yêu nước chống Pháp và những tác phẩm văn học dân gian xuất sắc đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của thơ ca Nam Bộ.

Khu mộ nằm phía sau khu lưu niệm. Mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu khắc chữ Nhật, mộ cụ bà Lê Thị Điền khắc chữ Nguyệt . Cạnh đó là nơi yên nghỉ của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, con gái của nhà thơ, bà là một trong những nhà thơ, nhà báo rất nổi tiếng vào đầu thế kỷ XX.

Hàng năm vào ngày 1.7, ngày sinh của cụ, đã trở thành ngày hội truyền thống văn hóa của người Bến Tre để tưởng nhớ nhà thơ yêu nước vào bậc nhất của Nam Bộ nói riêng.

Di tích được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia ngày 27 - 4 - 1990.


Hàn Yên (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Tìm về địa danh văn hóa đầy tự hào của người Bến Tre" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.