Tiếp tục góp phần đưa Quỳnh Lưu phát triển đúng tiềm năng

26/02/2016 14:22

Theo dõi trên

Quỳnh Lưu (Nghệ An) được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội. Trước thềm năm mới, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Danh Lai - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu về mục tiêu đưa Nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống.



Ông Hoàng Danh Lai - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu

PV: Ông đánh giá như thế nào về lợi thế của Quỳnh Lưu so với các huyện khác của Nghệ An trong phát triển kinh tế - xã hội?

Ông Hoàng Danh Lai: Quỳnh Lưu là huyện có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội so với các huyện khác trong tỉnh; có rừng, có đồng bằng, có biển, nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam, giáp với cảng biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) và cảng biển Đông Hồi (Nghệ An); lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản đã và đang phát triển tốt. Gần 20 km bờ biển nằm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có bãi cát mịn màng, bằng phẳng, nước biển trong và sạch là cơ hội để phát triển du lịch biển. Người Quỳnh Lưu thông minh, cần cù, chịu khó và sáng tạo trong sản xuất. 

Từ những lợi thế như vậy, luôn đặt ra cho lãnh đạo huyện các thời kỳ những thử thách, những đòi hỏi không thể né trách, đó là làm sao để khai thác hiệu quả những lợi thế, những tiềm năng, để Quynh Lưu không được thua kém các huyện khác trong mọi lĩnh vực. 

PV: Những lĩnh vực nào hiện nay đang phát huy tốt hiệu quả, thưa ông?

Ông Hoàng Danh Lai: Nhiều năm qua, từ tầm nhìn của các thế hệ lãnh đạo đi trước cùng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và Trung ương, lãnh đạo các sở, ngành, kinh tế biển của Quỳnh Lưu đã những nét nổi bật. Từ chính sách và cơ chế phù hợp, Quỳnh Lưu đã hình thành một đội ngũ tàu thuyền đánh bắt xa bờ với công suất trên 90CV lớn nhất tỉnh Nghệ An. Nhờ vậy, sản lượng thủy sản đánh bắt được mỗi năm của bà con ngư dân chiếm hơn 1/3 sản lượng thủy sản toàn tỉnh. 

Lĩnh vực nông nghiệp cũng đã có những đột phá, đó là phong trào trồng rau sạch hàng hóa. Sản phẩm rau sạch của Quỳnh Lưu nhiều năm qua đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh và đã hình thành “thương hiệu” với thị trường. 

Tiểu thủ công nghiệp với hàng loạt các làng nghề đã được khôi phục, gìn giữ, phát huy hiệu quả như: làng nghề làm bún, làng nghề làm hương trầm, làng nghề đan lưới, làng nghề mộc, làng nghề mây tre đan, nghề trồng cây cảnh… Hoạt động của các làng nghề cũng đã và đang góp phần tích cực tạo nên một diện mạo mới cho khu vực kinh tế nông thôn ở Quỳnh Lưu.

Hoạt động kinh doanh, dịch vụ ở Quỳnh Lưu cũng hoạt động rất đa dạng và hiệu quả ở các lĩnh vực. 

Các xã phía Tây huyện Quỳnh Lưu với tiềm năng đất đai, đang hình thành những mô hình trang trại chăn nuôi: hươu, bò thịt, bò sữa, dê, gia cầm… là cơ hội để thu hút các dự án chế biến thực phẩm sạch.
 
 
Tại 2 xã ven biển là xã Quỳnh Bảng và xã Quỳnh Nghĩa, đã hình thành địa danh du lịch biển với những nét riêng, đang thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài tỉnh...

PV: Sau khi tách thị xã Hoàng Mai, hình như lĩnh vực công nghiệp của huyện Quỳnh Lưu có phần “tụt hậu”?

Ông Hoàng Danh Lai: Trước đây, khi thị xã Hoàng Mai còn thuộc Quỳnh Lưu, khu công nghiệp Hoàng Mai và khu công nghiệp Đông Hồi được coi là “điểm nhấn” đề thu hút đầu tư. Tuy nhiên, từ khi tách thị xã Hoàng Mai ra thành đơn vị hành chính đọc lập trực thuộc tỉnh, nhận thấy ở 2 đầu huyện Quỳnh Lưu là Diễn Châu và Hoàng Mai đều đã có khu công nghiệp, nên lãnh đạo huyện xác định không nhất thiết phải quy hoạch thêm các khu công nghiệp nữa mà tập trung xây dựng một số cụm công nghiệp, tập trung hỗ trợ cho các dự án, các nhà đầu tư để họ yên tâm khi đến đầu tư các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện. 

Thực tế cho thấy, dự án Nhà máy xi măng Tân Thắng đang được gấp rút hoàn thành và cuối năm 2017 sẽ có sản phẩm xi măng cung cấp cho thị trường. Năm 2015, Quỳnh Lưu được Tập đoàn Dệt may Việt Nam chọn địa điểm để đầu tư 1 nhà máy may tại xã Quỳnh Hồng. Dự kiến năm 2016, nếu nhà máy đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động. 

Một số nhà đầu tư khác cũng đang khảo sát để xây dựng các nhà máy chế biến thủy sản, nhà máy chế biến thực phẩm sạch, nhà máy chế biến nông sản. Mặc dù các dự án không tập trung thành khu công nghiệp, nhưng khi chọn vị trí và xây dựng nhà máy, lãnh đạo huyện cũng như các nhà đầu tư cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường, xứ lý nguồn nước thải, khí thải. 

Từ mục tiêu và chiến lược phù hợp, những năm qua, tổng thu ngân sách từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của huyện Quỳnh Lưu luôn đứng ở vị trí hàng đầu của tỉnh, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. 

PV: Xin cảm ơn ông! 
 
Khánh Sơn (Thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết "Tiếp tục góp phần đưa Quỳnh Lưu phát triển đúng tiềm năng" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.