Tiếp nối truyền thống Thoại Ngọc Hầu

04/07/2017 11:07

Theo dõi trên

“Tự hào trên mảnh đất An Giang, có những người con miệt mài sách vở. Rạng ngời ôi truyền thống quê hương, với những kỳ công làm nên sử sách…”- một đoạn trong “Hành khúc học sinh Thoại Ngọc Hầu” khiến bao thế hệ ở ngôi trường chuyên của tỉnh xuyến xao mỗi khi nghe đến. Với những người con thành đạt quay trở về góp sức xây dựng quê hương, ủng hộ đàn em tiếp bước, truyền thống Thoại Ngọc Hầu càng được giữ gìn và phát huy.

Thống chế Khâm sai Thượng đạo đại tướng quân là tước hiệu đầy đủ của ông Nguyễn Văn Thoại (1761 - 1829), thường gọi Thoại Ngọc Hầu (ông lập được công lớn, được phong tước Hầu). Mặc dù ông sinh tại làng An Hải (tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) nhưng công lao chủ yếu gắn liền với vùng đất An Giang.



Các thầy, cô viếng Niệm Sư từ

Năm 1818, Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào kênh Đông Xuyên chỉ trong hơn 1 tháng. Con kênh dài khoảng 30km, thông từ Long Xuyên ngày nay đến Rạch Giá, tạo điều kiện cho ghe thuyền qua lại thuận tiện. Sau khi vẽ họa đồ gửi về triều đình, ông được vua Gia Long khen, ra lệnh lấy tên người mà đặt cho tên sông là Thoại Hà, ngọn núi bên bờ phía Đông (núi Sập) được cải tên là Thoại Sơn để biểu dương công lao.

Năm 1819, Thoại Ngọc Hầu lại chỉ huy đào kênh từ Châu Đốc thông ra Hà Tiên. Đây là tầm nhìn rộng của ông và triều đình khi con kênh vừa giúp thông thương, thu hút dân cư đến ở, vừa giúp bảo vệ biên giới Việt Nam với Cao Miên (do Thoại Ngọc Hầu lãnh ấn bảo hộ). Dù huy động đến 80.000 nhân công nhưng phải mất 5 năm, con kênh dài hơn 90km nối từ sông Hậu (Châu Đốc) thẳng ra biển Hà Tiên mới hoàn thành (1824). Ghi nhận công lao của Nguyễn Văn Thoại và người vợ hiền Châu Thị Tế, con kênh được đặt tên là Vĩnh Tế (nhũ danh vợ ông).

Cuộc đời Thoại Ngọc Hầu, dù có lúc bị kẻ gian xàm tấu, bị triều đình giáng chức sau khi mất, nhưng sau đó, được vua Khải Định giải oan, phong sắc thần để người đời sau thờ phụng, mãi ghi nhận công lao.

Ở An Giang, có ngôi trường nổi tiếng mang tên danh thần Thoại Ngọc Hầu. Ngôi trường khai giảng khóa đầu tiên ngày 12-11-1948, ngay trong thời kỳ Pháp quay lại đô hộ miền Nam, xuất phát từ tâm huyết của những người trọng học thức, hưởng ứng phong trào diệt “giặc dốt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trường nhiều lần đổi tên, như: Collège de Long Xuyên (1948-1952), Collège Thoại Ngọc Hầu (1952-1954), Trường trung học Thoại Ngọc Hầu (1954-1962), Trường trung học công lập Thoại Ngọc Hầu (1962-1968), Trường trung học tổng hợp Thoại Ngọc Hầu (1968-1975). Sau năm 1975, trường được đầu tư xây dựng khang trang hơn và chính thức mang tên Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu từ năm học 2001-2002 đến nay. Ban đầu chỉ có 72 học sinh, hiện nay quy mô khoảng 1.300 học sinh, trở thành trung tâm đào tạo và bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh.

Nhờ tình cảm của những cựu học sinh Thoại Ngọc Hầu, ngôi trường được lấy lại tên danh thần có công mở cõi, được dựng tượng bán thân Thoại Ngọc Hầu ngay vị trí trang trọng của trường, trở thành niềm tự hào của bao thế hệ…

Năm 2008, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập trường, Hội Cựu học sinh Trường trung học Thoại Ngọc Hầu được vận động thành lập, do thầy Nguyễn Thanh Đồng, một cựu học sinh của trường niên khóa 1961-1968, làm Trưởng ban vận động. Thầy Đồng được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu học sinh Trường trung học Thoại Ngọc Hầu, được UBND tỉnh ký quyết định cho phép thành lập. Dịp này, một cựu học sinh khác của trường là nhà biên kịch - đạo diễn Lê Văn Duy đã thực hiện bộ phim tài liệu “Trường trung học Thoại Ngọc Hầu”, để lại dấu ấn khó quên trong lòng bao thế hệ. Năm 2009, công trình Niệm Sư từ cũng được khôi phục lại để tri ân công lao của những bậc thầy, cô đã khuất.

Thầy Nguyễn Thanh Đồng cho biết, trên tinh thần hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí, các thế hệ cựu học sinh đã tích cực đóng góp, giúp hình thành Quỹ học bổng Thoại Ngọc Hầu (được UBND tỉnh ký quyết định cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ vào ngày 22-10-2012). “Từ nguồn quỹ, mỗi năm, Hội Cựu học sinh đã trao từ 12- 15 suất học bổng “Vun đắp ước mơ”, dành cho học sinh lớp 10, 11 (3 triệu đồng/suất) và lớp 12 (4 triệu đồng/suất) học giỏi, hạnh kiểm tốt, gia đình khó khăn. Từ nguồn vận động của cựu học sinh Thoại Ngọc Hầu ở Nhật Bản, học bổng "Đào tạo nhân tài Việt Nam" được trao 12 suất/năm, mỗi suất từ 13,5 - 20 triệu đồng, dành cho học sinh Thoại Ngọc Hầu đậu đại học điểm cao, hoàn cảnh khó khăn. Hội Cựu học sinh còn tổ chức đi thăm hỏi, viếng tang thầy, cô của trường”- thầy Đồng bộc bạch.

Tháng 1-2017, Chi hội Cựu giáo chức Thoại Ngọc Hầu được thành lập do thầy Hồ Văn Ưng, cựu giáo viên của trường làm Chi hội trưởng. “Do 51 thành viên đều là các thầy, cô về hưu nên kinh phí không nhiều. Chi hội cố gắng đi thăm thầy, cô đau yếu, chúc thọ thầy, cô lớn tuổi, hỗ trợ nhà trường khi có yêu cầu… Cái chính của chi hội là muốn truyền lửa, tiếp thêm niềm tự hào về truyền thống cho thế hệ học sinh hôm nay”- thầy Ưng chia sẻ.

Kỷ niệm ngày giỗ danh thần Thoại Ngọc Hầu năm nay (mùng 6-6 âm lịch), lần đầu tiên Hội Cựu học sinh và Chi hội Cựu giáo chức Thoại Ngọc Hầu họp mặt cùng nhau. Thầy trò nhiều thế hệ cùng ôn lại truyền thống, thắp nhang cho danh thần Thoại Ngọc Hầu, viếng Niệm Sư từ. Đây là truyền thống được duy trì hàng năm của trường.


Ngô Chuẩn

Nguồn: An Giang Online
Bạn đang đọc bài viết "Tiếp nối truyền thống Thoại Ngọc Hầu" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.