Tiền Giang đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái vùng Đồng Tháp Mười

10/11/2024 15:55

Theo dõi trên

Ngành Du lịch tỉnh Tiền Giang đang tập trung khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, trong đó có vùng du lịch hệ sinh thái nước ngập phèn độc đáo, đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười.

dong-thap-muoi-61124-1-1731032381034-17310323813261228068788-1731228900.jpg
Du khách tham quan Khu Bảo tồn và Du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Văn Chiến thông tin, huyện Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười nên có cảnh quan sinh thái tự nhiên, sinh thái nông nghiệp trên vùng nước phèn đặc trưng. Đây là khu vực có nhiều động vật quý, hiếm và gìn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười. Do đó, ngành Du lịch tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Tân Phước quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách.

Điểm nhấn là Khu du lịch sinh thái độc đáo với khu trung tâm 100 ha cùng vùng đệm xung quanh khoảng 1.800 ha rừng tràm ở xã Thạnh Tân. Đây là khu bảo tồn sinh thái ngập phèn độc đáo ở Nam Bộ với những loài động, thực vật đặc hữu (tràm vó, sao, súng, bàng, lác, chim, cò, trăn, rùa, ong mật...) phục vụ việc nghiên cứu của các nhà khoa học, đồng thời là nơi tham quan, nghỉ dưỡng.

Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong thông tin: Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười là nơi lưu giữ hệ sinh thái nguyên sinh của vùng, được đánh giá cao về tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch sinh thái. Khu bảo tồn đã được tỉnh đầu tư để phát triển du lịch như: Nhà dừng chân, bến xe, bến cầu tàu, đường nội khu... Tiền Giang vừa có chủ trương mở rộng Khu bảo tồn để bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng phục vụ du khách trong, ngoài nước. Cùng với đó, diện tích trồng khóm (dứa) hơn 15.000 ha cũng tạo nên cảnh sắc đặc trưng cho vùng đất từng là "rốn lũ, rốn phèn" với tập quán canh tác đặc sắc của người dân. Huyện Tân Phước còn có Làng nghề Bàng buông xã Tân Hòa Thành, các cơ sở sản xuất kẹo, mứt khóm.

Địa phương cũng có hệ thống di tích văn hóa lịch sử với khả năng kết nối du lịch về nguồn gồm: Bến đò Phú Mỹ, đình Phú Mỹ, đình Dương Hòa, miếu Bà Chúa Xứ Cống Tượng. Huyện có 2 cơ sở tôn giáo gồm Chùa Phật Đá (Linh Phước cổ tự), Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác được xem như điểm nhấn quan trọng thu hút du khách thập phương đến tham quan viếng chùa, lễ phật và du lịch. Năm 2023, lượng khách du lịch đến Tân Phước đạt 250.000 lượt.

Du khách Võ Thị Mai (xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) thường xuyên đến Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác ở huyện Tân Phước để lễ phật, tham quan. Bà chia sẻ, ngoài Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, du khách có thể ghé thăm di tích chùa Phật Đá (Linh Phước cổ tự) có gần 100 năm hoặc miếu Bà Chúa Xứ Cống Tượng…; đồng thời tham quan các đồng khóm bạt ngàn, thưởng thức đặc sản kẹo khóm nổi tiếng ở đây…

Khu du lịch sinh thái Trung Kiên (ở ấp Mỹ Hòa, xã Thạnh Mỹ) vừa được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024. Đây là điểm đến lý tưởng, kết nối khai thác tiềm năng du lịch huyện Tân Phước và tỉnh Tiền Giang. Khu này rộng hơn 5,3 ha; diện tích đất xây dựng dự án là hơn 4,6 ha, có thể tiếp nhận 320 khách lưu trú/ngày; khách tham quan 600 người/ngày...

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Văn Chiến cho biết, để khai thác hết tiềm năng du lịch sinh thái vùng Đồng Tháp Mười của huyện Tân Phước, Sở tiếp tục phối hợp với UBND huyện xây dựng kế hoạch, chính sách phù hợp để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp; tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch huyện Tân Phước gắn với kết nối các sản phẩm khác. Đồng thời, huyện chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử, chủ động tạo ra các sản phẩm du lịch, đặc sản ẩm thực của địa phương, du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề. Địa phương chủ động liên kết với doanh nghiệp, công ty lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh xây dựng tour, tuyến đưa khách đến địa phương; tăng cường tuyên truyền, định hướng cho người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Trong 10 tháng của năm 2024, Tiền Giang thu hút hơn 1,38 triệu lượt khách (tăng 18,4%); trong đó, khách quốc tế tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu dịch vụ ăn uống, lữ hành và tiêu dùng khác đạt 7,092 tỷ đồng...

Theo TTXVN
Bạn đang đọc bài viết "Tiền Giang đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái vùng Đồng Tháp Mười" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.