Tiềm năng công viên địa chất K’rông Nô

01/07/2015 13:54

Theo dõi trên

Mới đây, thông tin về tỉnh Đắk Nông đang xây dựng Krông Nô trở thành công viên địa chất thứ hai tại Việt Nam, cho thấy những lợi ích và giá trị của công viên địa chất mang lại.

Giá trị di sản địa chất K’rông Nô

Di sản địa chất là một dạng di sản hàng đầu trong các di sản thiên nhiên, đó là phần tài nguyên địa chất rất có giá trị nổi bật về 4 mặt: khoa học, giáo dục, thẩm mỹ, kinh tế, bao gồm các cảnh quan địa mạo, núi non, sông ngòi, các hẻm lưu vực sông, hòn đảo, di chỉ cổ sinh, miệng núi lửa đã tắt hoặc hoạt động. Thậm chí, ở Châu Âu có những khu mỏ đã ngừng khai thác cũng được xây dựng thành công viên địa chất phục vụ thăm quan du lịch, phát triển xã hội.

Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng di sản địa chất. Gần đây, ngành nghiên cứu di sản địa chất được quan tâm, thông qua việc thành lập các khu bảo tồn địa chất và xây dựng công viên địa chất. Sau công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, thì K’rông Nô đang được xây dựng hồ sơ để trở thành công viên địa chất thứ hai tại Việt Nam.

Năm 2007, Bảo tàng Địa chất Việt Nam đã nghiên cứu việc phát triển núi lửa ở khu vực huyện Cư Jút và Krông Nô của Đắc Nông và kết quả nghiên cứu đã xác lập hàng loạt di sản địa chất ở khu vực này. Sau đó, Bảo tàng đã đề xuất dự án bảo tồn và phát triển công viên địa chất K’rông Nô. Năm 2010, Hội Hang động Nhật Bản phối hợp với Bảo tàng tiến hành nghiên cứu và khảo sát K’rông Nô. Tháng 12/2014, Hội Hang động Nhật Bản và Bảo tàng địa chất Việt Nam đã công bố những kỷ lục về hang động núi lửa trong đá bazan dài nhất Đông Nam Á đến thời điểm này.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu đang đề xuất chọn K’rông Nô với những giá trị tiêu biểu trong diện tích khoảng 2.000km2, theo mục tiêu phát triển là bảo tồn di sản địa chất, nâng cao nhận thức cộng đồng về khoa học địa chất, bảo tồn di sản, phát triển bền vững kinh tế xã hội.

Để thành lập và vận hành một công viên địa chất không phải chỉ trong vài ba năm. Trong lộ trình xây dựng công viên địa chất, có các phần việc quan trọng là mảng giáo dục cộng đồng, quảng bá ý nghĩa giá trị di sản, giáo dục kỹ năng đối phó sự cố tai biến địa chất cho người dân và du khách…

Nếu công viên địa chất Hà Giang đại diện cho khu vực đá vôi ở miền Bắc, thì ở miền Nam - Tây Nguyên, việc thành lập công viên địa chất núi lửa K’rông Nô đầu tiên của Việt Nam sẽ mang giá trị lớn về mặt khoa học, có ý nghĩa bảo tồn di sản địa chất cũng như phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực này.




Di sản địa chất K’rông Nô có những giá trị độc đáo trong hang động đá bazan.

Vẫn phải đi bằng hai chân

TS. Lương Thị Tuất - Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết: Khi thành lập Công viên địa chất chúng ta cần xác định 3 mục tiêu: Một là bảo tồn tổng thể các giá trị tự nhiên và văn hoá trong đó chủ đạo là các giá trị về địa chất. Hai là nâng cao nhận thức khoa học Trái đất về bảo tồn di sản thiên nhiên, văn hoá cũng như nâng cao tình yêu và trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng đối với thiên nhiên nói chung. Ba là mục tiêu khá quan trọng, đó là phát triển bền vững kinh tế xã hội, nâng cao mức sống của người dân trong cộng đồng có công viên địa chất.

Công viên địa chất không chỉ có riêng địa chất mà nó bao gồm tất cả các giá trị văn hoá, mang tính bền vững, đóng góp tích cực phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, sự ra đời của công viên địa chất có giá trị đặc biệt sẽ giúp chúng ta vừa bảo tồn nguyên vẹn những giá trị trong nó, vừa khai thác một cách bền vững để nâng cao đời sống của người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện nay những xung đột giữa bảo tồn và phát triển đang là bài toán khó cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu làm sao cân bằng, hài hoà giữa lợi ích kinh tế và bảo tồn.

Một thực tế mà TS. Lương Thị Tuất chia sẻ, đó là chúng ta đang khai thác tài nguyên không có quy hoạch, lãng phí mà hiệu quả kinh tế không cao, gây hệ luỵ tới môi trường và xã hội. Đơn cử, công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận năm 2010, có một vấn đề nổi cộm là khai thác mỏ Antimoine trên suối Mậu Duệ (huyện Yên Minh) khiến dòng suối có nguy cơ trở thành suối chết, đến nay việc xử lý vẫn là vấn đề nan giải.



Có lẽ, với một nước đang phát triển như Việt Nam, dừng toàn bộ việc khai thác tài nguyên khoáng sản là điều không thể, vẫn phải vừa khai thác vừa bảo tồn, tức là đi bằng hai chân. Và khai thác như thế nào để không mất cân bằng, thì cần đánh giá tác động trước và sau để khai thác có chừng mực cho phép. Hiện nay, ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonexia…, sau khi điều tra cơ bản địa chất, thăm dò khoáng sản xong, người ta đã đóng cửa tất cả các kho tài nguyên khoáng sản và đi nhập khẩu tài nguyên ở nước khác.

Việc khai thác di sản địa chất và khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản là hai phương thức khai thác hoàn toàn khác nhau. Khai thác di sản địa chất theo hướng hình thành công viên địa chất là hướng khai thác bền vững, xác lập và biến khu vực giàu tài nguyên địa chất thành công viên địa chất, phát triển du lịch địa chất, kết hợp nghiên cứu các giá trị khảo cổ học, văn hoá, lịch sử… để thu hút các nhà đầu tư vận hành là xu hướng nhiều nước trên thế giới đã và đang làm.

Theo TS. Lương Thị Tuất, để trở thành công viên địa chất, đó phải là khu vực tự nhiên độc đáo có diện tích từ vài trăm kilomet vuông đến vài nghìn kilomet vuông, có ranh giới về mặt địa lý hành chính rõ ràng, đủ rộng để phát triển kinh tế xã hội của địa phương, chủ yếu là phát triển du lịch địa chất. Công viên địa chất tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc gia, quốc tế, đại diện cho lịch sử phát triển hình thành nên khu vực đó. Trong công viên địa chất còn xác lập nên các giá trị khác về khảo cổ, lịch sử, văn hoá, xã hội…

Theo Nguyễn Văn Vỹ/Làng Việt Online

Bạn đang đọc bài viết "Tiềm năng công viên địa chất K’rông Nô" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.