Sau mấy chục năm tích lũy, ông Sáu Giá đã có ruộng đồng cò bay thẳng cánh.
Đời sống từ cây lúa bấp bênh, trúng mùa thì mất giá khiến nhiều người không còn mặn mà với đồng ruộng. Giới trẻ lớp được học hành thì ra tỉnh, ra huyện làm việc, ít học thì đi làm công nhân lao động phổ thông, nông thôn này càng vắng người. Nhưng vẫn có những nông dân thực thụ ôm ruộng làm giàu.
Từ lão nông tri điền
Con sông Cái Sắn trải dài từ TP Long Xuyên, An Giang đến TP Rạch Giá, Kiên Giang mang phù sa từ sông Hậu về bồi đắp cho cả vùng đất rộng lớn. Khi bắt đầu khai phá, vùng đất này được quy hoạch khá bài bản, chiều dọc đổ ra biển cứ 6 km có một con sông lớn, còn chiều ngang 2 km có một con kênh nhỏ phục vụ tưới tiêu, vận chuyển hàng hóa, nông sản.
Các con kênh được đào theo thế “xôm lươn” (nằm lệch nhau), và được đặt tên theo chữ cái A, B, C… (phía An Giang) và số 0 (zêrô), 1, 2, 3... (phía Kiên Giang). Dọc theo các kênh, đất được phân lô đều nhau 3 ha (ngang 30 m, dài 1.000 m), cấp cho mỗi gia đình. Ruộng đất liền canh, liền cư thuận lợi cho phát triển sản xuất. Chính vì vậy mà năng suất lúa ở đây rất cao, đạt tới 17-18 tấn/ha/3 vụ/năm. Chạy xe trên con đường bê tông hóa vào kênh 4 thuộc xã Tân Hiệp A và Tân An (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang), nhà cửa xây kiên cố, nhiều đoạn bờ sông được kè khá đẹp. Ban đêm đèn đường sáng như phố. Tôi ghé thăm nhà ông Sáu Giá (Ngô Xuân Giá), người đã gắn bó cả cuộc đời với đồng ruộng kênh 4B (xã Tân An) này.
Sáu Giá nổi tiếng là người mê ruộng và chịu làm. Hết thời kéo bằng trâu, bò, ông lại chuyển sang làm cơ giới, nhà có đủ máy bơm nước, máy cày, máy tuốt lúa… Vừa hút thuốc lá, nhâm nhi ly trà Bắc, Sáu Giá vừa chậm rãi kể chuyện cuộc đời, chuyện tích tụ đất đai vươn lên làm giàu của gia đình mình. Cũng như bao thanh niên thời đó, sống quanh quẩn ở nhà, năm 20 tuổi (1978), Sáu Giá lập gia đình với cô thôn nữ Trần Thị Sửu. Mấy năm sau bố mẹ cho ra ở riêng, với vốn liếng là 20 công đất lắm lung, nhiều gò, phải khoét lõm để làm.
Thời đó không có máy móc, lại làm lúa mùa nên năng suất chỉ chừng chục giạ/công. Tiếng là có mấy chục công đất trong tay nhưng làm chỉ đủ lúa ăn, nghèo khó, nhà tranh vách lá. Đời sống cơ cực, Sáu Giá mong đổi đời bằng con đường vượt biên nhưng không thành, ruộng đất bị nhà nước tịch thu, chia cho các hộ khác. Thế là tay trắng lại hoàn tay trắng, về ở đậu đất nhà bố mẹ. May thay, mấy năm sau nhà nước có chính sách cho chủ cũ chuộc lại ruộng. Nhưng Sáu Giá chỉ chuộc lại được 10 công, tiền của bố mẹ (tương đương 5 chỉ vàng), coi như cho ra riêng lần 2. Có ruộng, Sáu Giá ra sức lao động, san sửa mặt bằng, năng suất lúa tăng lên, từ từ có tích lũy.
Ông Sáu Giá mua sắm máy móc vừa làm ruộng nhà vừa làm dịch vụ để tăng thêm thu nhập
“Vài năm sau đất đai sạch phèn, mặt ruộng lại bằng phẳng nên bán được giá cao, tôi quyết định bán đi để mua lại 1 lô đất xấu hơn với giá 14 chỉ vàng. Bằng cách đổi đất như vậy, tôi tích lũy dần, để có diện tích lớn sản xuất”, Sáu Giá chia sẻ. Ngồi nhẩm tính một hồi lâu, bà Sửu tiếp lời chồng: “Trong vòng hơn chục năm, tôi sinh 6 đứa con thì phải chuyển chỗ ở 5 lần. Mà mỗi lần chuyển là lại thêm cơ cực, vì đất mới toàn là lung, đìa, phải ban gò lấp xuống, rồi kéo đất về làm thổ cư. Cũng may là nhà nuôi trâu lấy sức kéo còn đỡ, chứ nhiều người phải đội từng thúng đất để ban ruộng, cực lắm”. Sang tới thời kỳ cơ giới hóa, Sáu Giá bán trâu mua máy cày, việc khai hoang phục hóa nhanh hơn rất nhiều. Rồi ông mua thêm máy tuốt lúa, làm lò sấy. Máy vừa để làm đất nhà, vừa đi làm dịch vụ để tích lũy thêm vốn.
Ở nhà, bà Sửu vừa nội trợ, vừa chăn nuôi heo, gà, cá… phụ giúp cùng chồng. Chăn nuôi vài chục con heo cũng là giải pháp để vợ chồng Sáu Giá tiêu thụ bớt lúa gạo, nhất là vào thời điểm lúa mất giá, khó bán. Tuy nhiên, lúc này đất đai ở Tân Hiệp đã có giá, thậm chí có thời kỳ lên cơn sốt, để mua 1 lô đất tốn gần tỷ đồng, nên quá sức với nhiều nông dân. Vì vậy, Sáu Giá chuyển sang mua đất manh, ai kêu bán 3-4 công, cứ gom đủ tiền là mua hết. Những người bán đất manh chủ yếu là lớp trẻ mới được gia đình cho ra riêng, chia cho vài công đất nhưng không muốn làm bán đi nơi khác. Đến nay, vợ chồng Sáu Giá đang có trong tay 52 công đất (công lớn, hơn 7 ha), được gom lại thành 3 miếng.
Cả 6 đứa con đều được lo ăn học đầy đủ, đứa đi làm nhà nước, đứa buôn bán nhưng vợ chồng Sáu Giá vẫn quyết định chia đều cho các con, chỉ giữ lại 10 công hai ông bà dưỡng già.
Đến thế hệ trẻ
Chia tay gia đình Sáu Giá, tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Đức Duy, ở cùng ấp. Anh Duy thuộc thế hệ 7X, sinh sau ngày đất nước đã được hòa bình thống nhất. Theo thống kê của xã Tân An, toàn xã có 3.499,5 ha đất, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 3.104,6 ha, nhưng có tới 1.814 hộ, trung bình chỉ đạt 1,7 ha hộ. Mỗi hộ trung bình có 5 người, nếu chỉ bám vào ruộng thì không đủ sống.
Vì vậy, phần lớn thanh niên đến độ tuổi lao động là đi tìm việc làm ở nơi khác, ít chịu bám ruộng. Hiện số lao động của xã đi làm việc trong và ngoài tỉnh là gần 3.000/7.065 người trong độ tuổi lao động. Trong đó, chỉ có 1.845 người đã qua đào tạo lao động. Để đạt mức thu nhập 35,5 triệu đồng/người/năm như hiện nay, người dân Tân An phải trông chờ một phần từ “lương thành phố”, chứ không phải hoàn toàn từ đồng ruộng. Cũng như những bạn bè cùng trang lứa, anh Duy nuôi giấc mộng đổi đời bằng con chữ nhằm thoát cảnh đồng ruộng chân lấm tay bùn. Nhưng sau vài lần đi thành phố ôn thi cũng không lọt vào được cánh cửa đại học, đành chấp nhận “về quê cắm câu”.
Sau khi lập gia đình, vốn liếng ra riêng là 7 công mẫu (1 ha) sau nhà, là con út nên được ở kế bên nhà cha, mẹ. Anh Duy tâm sự: “Đã về vườn thì phải quyết tâm bám ruộng. Vụ đầu tiên không có vốn liếng nên ba mẹ đầu tư cho hết, chỉ chăm sóc rồi đợi ngày thu hoạch. Từ vụ sau thì phải tự bơi. Mặc dù là con nhà nông nhưng tôi không chủ quan mà không ngừng học hỏi qua sách báo, các cuộc hội thảo, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ vào sản xuất, nhờ đó mà luôn đạt lợi nhuận cao”. Theo anh Duy, ở nông thôn bây giờ ruộng không phải là hiệu quả nhất nhưng bền vững nhất. Vì chăn nuôi nhỏ lẻ, vài con heo, mấy trăm con gà, nếu không dịch bệnh thì đến lúc bán cũng bị thương lái ép giá, lời lãi chẳng đáng là bao.
Nhưng mua ruộng giờ cũng không dễ, đụng đến là tiền tỷ, trong khi mức thu nhập ở nông thôn chỉ vài chục triệu đồng/hộ/năm. Anh Duy cho biết: “Đất manh (không có thổ cư) hiện nay giá thấp nhất cũng trên 100 triệu đồng mỗi công. Còn 1 lô (3 ha), có nhà cửa đàng hoàng tầm 3 tỷ đồng, quá sức đối với đại bộ phân nông dân, chứ không riêng gì lớp trẻ mới ra riêng”. Để có được 2,5 ha đất canh tác, ngoài diện tích đất cha mẹ cho, vợ chồng anh Duy phải mua thêm 2, 3 lần mới được. Tiền mua đất có được là nhờ “cắm” sổ đỏ ở ngân hàng, sau đó tích lũy qua mỗi mùa vụ trả dần. “Cách đây khoảng chục năm, mỗi công đất tôi mua trị giá 3 cây vàng.
Cũng may hồi đó vàng còn rẻ, chỉ mười mấy triệu đồng 1 cây, nên còn mua được. Chứ bây giờ mà vay tiền mua đất làm ruộng thì không hiệu quả”, anh Duy khẳng định.
Theo tính toán của anh Duy, mỗi ha làm lúa 3 vụ/năm, lãi ròng khoảng 30 triệu đồng, trong khi vốn mua đất không đã tốn trên 700 triệu đồng. Một gia đình 2 vợ chồng và 2 đứa con, muốn sống được bằng ruộng phải có ít nhất khoảng 3 ha.
Vì ở nông thôn bây giờ chi phí cũng như ở chợ, không ai nấu bằng rơm bằng củi nữa, từ gas, điện, điện thoại, đến rau xanh, thậm chí gạo cũng phải mua. Cái gì cũng tốn tiền nên chi tiêu dè sẻn lắm là 5 triệu đồng/tháng/gia đình 4 người. Mỗi năm thu nhập 80-90 triệu đồng (3 ha) thì mới còn dư được chút ít tích lũy cho con cái lớn lên đi học ở xa.
Ông Trần Quang Cảnh, Trưởng ban lãnh đạo ấp kênh 4B cho biết, toàn ấp hiện có 820 ha đất sản xuất, với 385 hộ, trung bình mỗi hộ có hơn 2 ha. Số hộ có nhiều đất chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó hộ có nhiều nhất là 10 ha. Một ha đất sản xuất 3 vụ/năm thu được 18-19 tấn lúa hàng hóa. Nếu giá ổn định ở mức 4.500 đ/kg thì thu được từ 80-85 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 45-50 triệu đồng 3 vụ, còn lại là lợi nhuận.
Vì vậy, mỗi nhà phải có từ 3 ha trở lên mới sống được, còn 1-2 ha là rất chật vật.
Theo Đ.T.CHÁNH (nongnghiep.vn)