Thương cánh đồng khô

08/05/2018 16:21

Theo dõi trên

Những ngày xuân qua vội, nắng giờ đây đã gắt gỏng hơn nhiều. Ngoài sân nhành mai hôm nào cũng xanh màu lá, không còn là lộc biếc như lúc đang xuân.

Chúng làm tôi liên tưởng về một kiếp người, tuổi còn xuân bao giờ cũng đẹp, cũng hồn nhiên, khi những ngây thơ qua rồi thì người ta lại sống chậm hơn và thấy tiếc nhớ chuỗi ngày thơ mộng cũ.
 

Tôi chợt nhớ cánh đồng quê năm cũ. Mùa hạn về cánh đồng ấy nứt nẻ, khô cằn. Năm nào cũng vậy, vụ mùa xong, hình bóng những cánh đồng vàng bông lúa chín đã không còn, thay vào đó là cánh đồng mùa hạn vàng màu nắng cháy. Gốc rạ trơ mình dưới nắng, chúng tranh thủ vắt kiệt sức mình để trổ ra những bông lúa chét gầy guộc, héo hon. Đó là khi người dân quê tranh thủ chăn vịt chạy đồng để tận dụng hết những gì còn sót lại. Bước giữa đồng, thoáng nghe đâu đó từng thanh âm quen thuộc, tiếng sẻ gọi đàn, tiếng sơn ca vi vút, tiếng đàn trâu gặm cỏ bên mấy lùm tre kẽo kẹt… tất cả vừa đồng điệu, vừa rạch ròi từng thanh âm một, tất cả cứ rơi vào miền nhớ xa vời.
 
Ký ức đồng khô còn đâu đó mấy hôm theo ông đi hái rau về. Kỳ diệu thay, khi nhiều loài hoa cỏ chọn mưa về để sinh sôi, nảy nở thì có một loài rau bình dị biết khiêm nhường chọn mùa nắng để sinh sôi, chính là rau đắng - loài rau dại gắn bó bao đời với bữa cơm quê. Có lần được nghe ông nội kể rằng, ngày đó quê mình nghèo khó, giặc giã hoành hành nên có khi nhà còn có mấy hạt gạo, thế là vị đắng canh rau đã làm đỡ lòng người quê khổ, và cứ thế cái thời “ba vá muỗng dừa” lặng lẽ trôi mau, ông nội lớn lên cùng vị đắng quê nhà, cùng bao tháng năm dầm mưa dãi nắng.
 
Cánh đồng khô còn sống lại đâu đó những chuỗi ngày thơ bé, những ngày chân đất, lưng trần trốn mẹ đi chơi. Tuổi thơ cứ thần tượng những cầu thủ bóng đá nước nhà nên cứ mùa về, sau giờ tan lớp là hẹn nhau mang bóng ra đồng thi thố. Về tới nhà là mặt mũi lấm lem bụi đất, mình mẩy toàn là vết xót rạ rơm.

Tuổi thơ như nước chảy qua cầu, bọn trẻ ngày xưa giờ đã lớn. Vì cuộc mưu sinh nên nhiều đứa đã rời bỏ miệt quê yên tĩnh ấy đến với thị thành. Chẳng biết trong tiềm thức còn mấy ai nhớ thương thuở lưng trần chân đất, thuở mà vị đắng canh rau đã nuôi mình lớn khôn.

Theo Báo Bạc Liêu

Bạn đang đọc bài viết "Thương cánh đồng khô" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.