Thức dậy Mộc Châu

20/01/2016 15:56

Theo dõi trên

Về huyện Mộc Châu những ngày cuối năm, khi không khí xuân đang cận kề, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự hùng vĩ mà rất đỗi ấm áp, thân thương của mảnh đất cao nguyên trù phú. Hòa vào bản tình ca của núi rừng, là tiếng nhạc vui được cất lên từ chính cuộc sống lao động sản xuất đang diễn ra sôi động, khẩn trương nơi đây.



Không khí xuân đang ngập tràn cao nguyên Mộc Châu

Đánh thức tiềm năng Mộc Châu

Mảnh đất cao nguyên Mộc Châu giờ đã đổi khác. Ngắm những sườn đổi phủ trắng màu hoa mận, những thửa ruộng phủ xanh nương, thấp thoáng cả những ngôi nhà tầng, nhà mái ngói mới dọc khắp tuyến đường dẫn vào nông trường, nhiều người vẫn không khỏi ngỡ ngàng về sự chuyển mình đến kì diệu nơi đây.

Để có được kết quả đó, ít ai biết được câu chuyện của gần 60 năm trước (năm 1956) về những người lính Cụ Hồ đầu tiên lên “khai sơn phá thạch”, xây dựng mảnh đất này. Đó là câu chuyện về Trung đoàn 280, Sư đoàn 335 - đơn vị góp phần quan trọng tạo dựng nên diện mạo của mảnh đất Nông trường Mộc Châu và huyện Mộc Châu hôm nay. Trong chuyến đi đó, chúng tôi may mắn gặp được ông Lê Ngọc Chân, nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 280 để nghe ông kể câu chuyện về hơn 60 năm trước, khi đơn vị của ông được giao nhiệm vụ biến rừng hoang, núi thẳm thành nông trường, nhà máy… Tháng 10/1957, Trung đoàn 280 được giao nhiệm vụ chuyển ra sản xuất tại thảo nguyên Mộc Châu với mục tiêu xây dựng nơi đây thành vùng kinh tế, chính trị, quốc phòng quan trọng của vùng Tây Bắc. Khi đó, các chiến sĩ lập tức được điều động lên đường làm nhiệm vụ thành lập Nông trường quân đội 280.

Giữa thâm sơn, cùng cốc những người lính lại căng mình để đối phó thiên nhiên khắc nghiệt, gây dựng sản xuất, từng bước ổn định đời sống… Vào đúng thời điểm gian khó nhất ấy, tháng 5/1959, Bác Hồ lên Mộc Châu thăm Nông trường và động viên cán bộ chiến sĩ, đó chính là động lực to lớn để bộ đội vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Bác động viên cán bộ, chiến sĩ đưa cả vợ con, gia đình lên đây để an cư lạc nghiệp. Sau chuyến thăm của Bác, phong trào thanh niên tình nguyện lên xây dựng nông trường xây dựng cuộc sống mới diễn ra sôi động.

Năm 1961, Nông trường quân đội 280 đổi tên thành Nông trường quốc doanh Mộc Châu để chính thức đi vào hoạt động sản xuất… 4 năm sau, nông trường đã hoạt động kinh doanh có lãi, mở ra bước khởi đầu cho chặng đường phát triển sau này, đưa Mộc Châu trở thành một vùng cao nguyên kinh tế nông nghiệp trù phù bậc nhất của Tây Bắc…

Sau gần 60 năm hình thành và phát triển, mảnh đất cao nguyên hôm nay đang thay da, đổi thịt và trở thành một điểm sáng cả về kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch của miền Tây Bắc hùng vĩ. Tính đến hết năm, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thuỷ sản của huyện ước đạt 1.606 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách đạt 3.454,09 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách tại địa phương đạt 344,45 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch. Toàn huyện đạt 108 tiêu chí, bình quân chung 8,3 tiêu chí/xã. Mộc Châu của ngày hôm nay đã là huyện với hai thị trấn đẹp đẽ, khang trang chạy dài theo trục Quốc lộ 6 với nhiều điểm đến thú vị. Những Hang Dơi, Thác Dải Yếm, đồng cải Ba Phách, vườn mận, đồi chè, nương ngô hay phiên chợ Tết độc lập 2/9… Với những tiềm năng sẵn có, Mộc Châu từ lâu đã thành điểm đến du lịch lý tưởng. Đặc biệt, Quyết định số 2050/QĐ-TTg  của Thủ tướng phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” là cơ sở quan trọng để quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư vào Mộc Châu. Cùng với đó là thu hút đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch quan trọng, cũng như từng bước hình thành tuyến du lịch liên quốc gia Mộc Châu - Lào qua cửa khẩu Lóng Sập và kết nối mở rộng sang các nước ASEAN…

Hiện, trên địa bàn huyện Mộc Châu đang có 1 dự án lớn với tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng (dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh) được triển khai; triển khai khởi công dự án tôn tạo tài nguyên du lịch văn bia Tây Tiến; tổ chức khảo sát, lập báo cáo đề xuất 3 dự án đầu tư hạ tầng du lịch để hỗ trợ đầu tư từ nguồn phát triển hạ tầng du lịch của dự án giai đoạn IV, tiểu vùng Sông Mê Kông. Trong năm 2015 toàn huyện hiện có 125 cơ sở lưu trú, với 1.034 phòng, 2.138 giường; khách du lịch ước đạt 750.000 lượt người, doanh thu xã hội ước đạt 500 tỷ đồng. Cùng với du lịch, các thế mạnh về chè, bò, sữa vẫn sẽ là động lực để thúc đẩy kinh tế, xã hội, văn hóa của Thị trấn tiếp tục phát triển.




Cao nguyên Mộc Châu mang nét đẹp hoang sơ, trữ tình

Mảnh đất cao nguyên rạo rực đón xuân

Vẻ đẹp của cao nguyên Mộc Châu càng được tô điểm, bởi bức tranh cuộc sống của người dân nơi đây ngày một khởi sắc.Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng đi lên.

Ngày chúng tôi về, một không khí lao động, sản xuất rạo rực, tưng bừng đang diễn ra trên khắp rẻo cao Tây Bắc. Nhắc đến Mộc Châu, không thể không nhắc tới thương hiệu chè Mộc Châu có tiếng nhất vùng Tây Bắc. Cùng với một số DN sản xuất chè khác, người “anh cả” Công ty Chè Mộc Châu -  tiền thân là Nông trường chè Mộc Châu đang đồng hành đưa thương hiệu chè Mộc Châu đến với đông đảo bạn bè thế giới. Thị trấn Nông trường Mộc Châu còn nổi tiếng với nghề nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều nông hộ nơi đây có cuộc sống khấm khá hơn. Với hơn 500 hộ nuôi bò, bình quân mỗi hộ nuôi từ 15 con cho thu nhập trung bình 30 triệu đồng/tháng; hộ nuôi nhiều nhất là 80 con; Không ít hộ có thu nhập hàng tháng khoảng 50 triệu đồng… Nhiều người vẫn nói vui: Con bò đã mang lại cơm no, áo ấm và đời sống tinh thần cho bà con nơi đây. “Bằng chứng là cuộc thi hoa hậu Bò sữa thường niên diễn ra mới đây. Đó thực sự là ngày hội của chúng tôi” - anh Phạm Xuân Trung - cán bộ văn hóa của thị trấn Nông trường Mộc Châu cho biết.

Theo chân anh cán bộ văn hóa thị trấn, chúng tôi tìm tới gia đình chị Vũ Thị Đáng - một trong những hộ chăn nuôi bò sữa nổi tiếng ở Mộc Châu. Gia đình chị Đáng cũng được mệnh danh là “triệu phú” của nông trường chăn nuôi bò Mộc Châu. Từ vốn liếng 1 con bò, 1 con bê giống Australia, đến nay, nông trang của chị đã có hơn 40 con. Trừ chi phí, mỗi tháng gia đình chị thu lãi 70 - 80 triệu đồng. Hỏi về duyên cớ đến với mảnh đất cao nguyên Mộc Châu, chị bảo, nghề trồng trọt chỉ đủ mang lại bữa ăn chưa đủ no, nên năm 2002, chị và gia đình quyết định xa quê (Ninh Bình) ngược lên Mộc Châu lập nghiệp. “Nơi đây đã là quê hương rồi, mình sẽ gắn bó đến cuối đời thôi” - chị Đáng tâm sự.

Trên quê hương thảo nguyên hôm nay, không khí đón xuân đang rạo rực khắp các bản làng.Khác với người Kinh và đồng bào dân tộc ở nhiều vùng trong cả nước, đồng bào dân tộc Mông ở Mộc Châu ăn Tết vào đầu tháng Chạp âm lịch. Tết của người Mông thường diễn ra trong 3 ngày nhưng trước đó cả tháng, khắp các bản làng ở xã Lóng Luông, Tân Lập, Lóng Sập, Chiềng Xuân… đã nhộn nhịp không khí đón xuân. Tết cũng là dịp người Mông ở Mộc Châu tổ chức các trò chơi truyền thống, thu hút đông đảo du khách và đồng bào tìm đến. Tết của người Mông kết thúc được ít ngày, cũng là thời điểm các dân tộc còn lại trên địa bàn chuẩn bị cho Tết cổ truyền. Đến Mộc Châu những ngày cuối năm, cảm nhận chung là không khí tưng bừng, khẩn trương như ngày Tết cũng là bởi vậy.

Càng vui hơn, khi tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 13,06% năm 2014 xuống còn 12% năm 2015. Ngoài những chính sách hỗ trợ chung của Nhà nước tới đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc, huyện Mộc Châu cũng chủ động bố trí các nguồn lực để hỗ trợ người dân đón Tết Nguyên đán với tinh thần: Không để người dân nào phải chịu đói trong dịp Tết. Rời Mộc Châu, khi những rừng mận, rừng đào đã rực sắc hoa, những bản làng đỏ màu ngói mới… chúng tôi trào dâng hy vọng về mảnh đất thảo nguyên đang diện màu áo mới và hứa hẹn những đổi thay to lớn trong tương lai.

Theo Nguyễn lộc (Báo Du Lịch)

Bạn đang đọc bài viết "Thức dậy Mộc Châu" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.