Thừa Thiên Huế: Tôm chết hàng loạt, nông dân thiệt hại hàng trăm triệu đồng

28/05/2015 16:34

Theo dõi trên

Đầu tư hàng trăm triệu đồng cho nguồn giống, thức ăn, công sức nhưng đến nay hàng chục hộ nuôi tôm ở vùng đầm phá ven cửa biển của huyện Phú Lộc – TT Huế đang có nguy cơ mất trắng vì tôm nuôi chết hàng loạt.

Có mặt tại vùng cửa biển Tư Hiền những ngày này, những hộ dân nuôi tôm đang loay hoay với việc giải quyết tình trạng tôm nuôi của mình chết hàng loạt do dịch bệnh và thời tiết. Hàng loạt hồ nuôi tôm Sú, tôm thẻ chân trắng đang bị bỏ hoang do các hộ nuôi tôm không còn đủ khả năng tiếp tục vụ nuôi thứ hai trong năm.

Toàn bộ vùng cửa biển của huyện Phú Lộc có  khoảng gần 1000 ha diện tích nuôi tôm các loại. Trong đó tập trung phần lớn tại xã Vinh Hưng (350 ha), Vinh Hiền (50ha), Vinh Mỹ (200 ha)…



Những hồ nuôi tôm trên cát giờ bị bỏ hoang do nông dân đã không còn khả năng làm vụ tôm tiếp theo vì lỗ vốn do tôm chết

Ông Nguyễn Đức Vinh, 58 tuổi trú tại xã Vinh Hưng huyện Phú Lộc cho biết, ông đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để nuôi sú, tuy nhiên, sau khi thả tôm giống trên diện tích hơn 10 ha thì chỉ sau 45 ngày số tôm của ông đã chết gần hết, theo ông Vinh tổng số tôm giống mà ông thả lên đến trên 1 triệu con.

Tình trạng của ông Vinh chỉ là một trong số ít các hộ nuôi tôm ở vùng cửa biển Tư Hiền. Ông Nguyễn Khánh, thôn Phụng Chánh, xã Vinh Hưng, Phú Lộc cho biết, năm nay ông đã thả hơn 10 ha nuôi tôm cộng xen kẽ với cá. Nhưng những ngày gần đây do thời tiết nắng nóng, nên số tôm lên đến 1.7 triệu con của ông đã chết gần hết. Không những thế, do tôm chết hàng loạt nên đã ảnh hưởng đến số cá nuôi xen ghép trong hồ, làm cá sinh trưởng khó. “Gia đình đầu tư hơn 150 triệu để nuôi tôm ghép với cá Dìa, mới thả được hơn 45 ngày mà tôm đã chết hết, trong khi muốn bán tôm thì phải đủ 100 ngày tuổi. Cá Dìa thì cũng chưa bán được đồng nào”, ông Khánh buồn bã cho biết.

Dọc theo tuyến đường đê bao ven cửa biển Tư Hiền, hàng loạt hồ nuôi tôm đang bị người dân bỏ hoang do không có kinh phí để thực hiện vụ mới, được biết mỗi năm các hộ nuôi tôm sản xuất hai vụ.



Những hồ nuôi tôm trên cát cũng chung “số phận” với những hồ nuôi trên khu vực đầm phá

Ông Hầu Văn Ánh, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thắng – xã Vinh Hưng cho biết, vào các năm trước tôm cũng có chết nhưng rất ít, năm nay mới có dấu hiệu chết hàng loạt. Theo ông Khánh, năm nay tôm chết hàng loạt là do nắng nóng kéo dài, cùng với đó là bệnh đốm trắng và đầu vàng đã làm tôm chết hàng loạt. “Thời gian trước, mưa kéo dài nên làm cho độ mặn của nước giảm nhiều không đủ để tôm sinh trưởng bình thường. Việc cơi nới và cải tạo đầm phá cũng đã ảnh hưởng đến môi trường, khi cho tôm ăn thì lượng thức ăn dưới hồ còn khá lớn, để lâu ngày dẫn đến ô nhiễm nguồn nước”, ông Khánh cho biết.

Ông Trần Đình Quang – Bí thư Đảng ủy xã Vinh Hưng cho biết, có những hộ nuôi tôm đến hơn 1 tháng thì chết hàng loạt, tôm đó làm thức ăn luôn cho cá nuôi xen ghép với tôm. Tính trung bình, mỗi hồ nuôi tôm, số lượng tôm sống chỉ vào khoảng 20 đến 30 %. “Năm nay, do chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng từ nuôi chuyên canh tôm sang nuôi xen ghép với cá nên số tôm mà người dân đầu tư không lớn như hàng năm, chứ nếu nuôi chuyên canh tôm thì hậu quả còn lớn hơn”, ông Quang cho biết thêm.



Người nông dân buồn bã nhìn hồ tôm của mình đang chết dần

Trao đổi với phóng viên, ông Mai Văn Xí – Phó phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc cho biết, trong năm 2015, huyện Phú Lộc đưa vào nuôi 942 ha tôm. Trong đó có 758 ha tôm nuôi xen ghép, còn lại là vùng chuyên canh nuôi tôm. Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn địa bàn của huyện đã có 77 ha nuôi tôm bị chết, trong đó có 50 ha diện tích tôm nuôi xen ghép với cá. Diện tích tôm chết tập trung phần lớn ở các xã ven vùng biển của cửa biển Tư Hiền như xã Vinh Hưng, Vinh Mỹ, Lộc Điền, Lộc Trì, Vinh Giang.

Ông Ánh – Chủ nhiệm hợp tác xã Đại Thắng cho biết, trong thời gian sắp tới các xã nuôi tôm ven cửa biển Tư Hiền sẽ tiến hành làm sạch môi trường nước, cơi nới và lưu thông dòng chảy… để có thể tiếp tục nuôi tôm ở các vụ tiếp theo.


Đình Duy

Bạn đang đọc bài viết "Thừa Thiên Huế: Tôm chết hàng loạt, nông dân thiệt hại hàng trăm triệu đồng" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.