Bánh rế trông có vẻ đơn giản, nhưng để chế biến thành công đòi hỏi người làm phải khéo léo. Khoai mì (sắn) hay khoai lang là một trong những nguyên liệu chính của loại bánh này. Phải chọn những củ khoai lang, khoai mì thật tươi, không non cũng không già và phải trải qua 6 công đoạn chế biến khác nhau mới có thể chế biến được những chiếc bánh rế đậm đà.
Khoai sau khi chọn xong, bỏ vào thau nước ngâm vài tiếng cho bớt nhựa, sau đó lột sạch vỏ và bào thành sợi nhỏ đều. Tiếp theo, trộn khoai đã bào với một xíu hương vani rồi mới mang đi chiên.
Dầu nóng làm cho khoai chín và kết dính, đan xen vào nhau, tạo nên những chiếc bánh có hình dạng trông như cái rế để lót xoong nồi niêu của người dân vùng quê, nhưng lại có kích thước nhỏ hơn, từ đó cái tên bánh rế ra đời. Khi thấy bánh rế đã kết dính với nhau và chín đều, ta nên dùng vá vớt bánh ra vỉ cho khô dầu.
Công đoạn tiếp theo là thắng đường trên một chảo khác. Khi đường tan chảy hết, gấp từng chiếc bánh rế nhúng sâu vào chảo đường rồi vớt ra, cứ tiếp tục cho đến hết, sau đó rưới thêm một ít mè trắng rang sẵn lên trên bề mặt bánh vừa nhúng đường để khi dùng tạo hương thơm và có vị đặc biệt hơn.
Bánh lúc này sẽ có màu vàng ươm, khi ăn sẽ giòn tan cùng với đó là hương vị ngọt, béo hòa quyện của mè, khoai, đường…
Những chiếc bánh được xếp chồng lên nhau, khi đã nguội, y hệt như đồ chơi con nít. Nhìn, rất thích mà ăn lại càng thích hơn. Bánh cho ta một hương vị rất là đặc biệt. Đó là sự hòa lẫn, quyện chặt của một hỗn hợp những hương vị: cái bùi bùi của tinh bột, cái beo béo của dầu, cái ngon ngọt của đường mật và không thể thiếu độ giòn tan.