Thanh Chương

“Thiếu vốn” trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở Cẩm Hà

26/11/2016 10:51

Theo dõi trên

Về thăm Cẩm Hà (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vào một ngày se lạnh cuối tháng 11. Đi trên con đường bê tông chúng tôi cảm nhận được những đổi thay mà chương trình NTM mang lại. Thế nhưng, sau những gì chúng tôi nhìn thấy, cảm nhận thấy thì ở đây vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã. Trân trọng gửi tới bạn đọc nội dung cuộc trao đổi này.

- Gần kết thúc năm thứ 6 của chương trình xây dựng NTM, trong khoảng thời gian dài thực hiện, Cẩm Hà đã đạt được cụ thể bao nhiêu tiêu chí, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hùng: Trong thời gian thực hiện, địa phương đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của cấp trên; đoàn kết, nỗ lực cố gắng của toàn thể cán bộ, đảng viên trong toàn xã cùng với sự đồng lòng của nhân dân. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, nên số tiêu chí mà địa phương đạt được vẫn còn thấp.




Trụ sở làm việc của UBND xã, nay đã bị xuống cấp

 
Tính đến nay, địa phương chỉ mới đạt 8 tiêu chí, gồm: Quy hoạch; Điện; Chợ nông thôn; Bưu điện; Nhà ở dân cư; Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; Giáo dục; Hệ thống chính trị xã hội vững mạnh.

- Như ông vừa chia sẻ thì địa phương chỉ mới đạt 8 tiêu chí. Đây là con số khá “khiêm tốn”, vậy ông có thể cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Ông Nguyễn Văn Hùng: Chương trình xây dựng NTM là nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó nhân dân là chủ thể. Một số tiêu chí muốn hoàn thành nhân dân phải thực sự có tiềm lực, nếu không huy động sẽ quá sức dân.

Vì sao tôi nói nếu huy động sẽ quá sức dân. Một số tiêu chí đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, trong khi nhân dân Cẩm Hà là xã thuần nông, đời sống gặp rất nhiều khó khăn.

Khi bắt tay xây dựng NTM, địa phương xác định, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nhưng để thực hiện nhiệm vụ đó thực sự có hiệu quả, không phải thực hiện một sớm, một chiều là xong mà cần cả một quá trình.

- Vậy, theo ông, những khó khăn nào cần tháo gỡ để Cẩm Hà tiếp tục thực hiện thành công chương trình?

Ông Nguyễn Văn Hùng: Hiện nay, địa phương đang cần vốn để xây dựng một số hạng mục về cơ sở vật chất văn hóa, Trường THCS Sơn Hà, xây mới Trụ sở làm việc của UBND xã.




Trường THCS Sơn Hà nằm trên địa bàn xã Cẩm Hà. Đề án sát nhập THCS được UBND huyện duyệt 2015 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng. Nhưng xã đã đầu tư gần 500 triệu xây dựng hàng rào bao quanh, diện tích quy hoạch mở rộng trường trên 5000 mét vuông.

Trong thời gian tới, địa phương mong muốn UBND huyện, văn phòng điều phối NTM huyện chỉ đạo các ban ngành cấp huyện giúp đỡ xã trong thực hiện lộ trình hoàn thành các tiêu chí còn lại trong chương trình xây dựng NTM. Đồng thời, giới thiệu các doanh nghiệp về trên địa bàn làm việc với các HTH, THT để liên doanh, liên kết tìm đầu ra ổn định cho bà con nhân dân; phối hợp với các công ty có uy tín và chất lượng về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động cho số lao động tại địa phương sau khi đã qua đào tạo.

Nói chung, cái khó nhất hiện nay của địa phương đó là “khát vốn”. Vì vậy, kính mong Sở Tài Chính quan tâm chỉ đạo xã nhà trong thực hiện chương trình cũng như hỗ trợ nguồn kinh phí đẩy nhanh tiến độ về đích sớm.

- Còn về phía địa phương, sẽ có những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hùng: Địa phương tiếp tục tăng cường công tác nâng cao tuyên truyền, nhất là tuyên truyền để nâng cao hơn ý thức tự giác, tự chủ của người dân, nhân danh các điển hình tiêu biểu. Tăng cường tham quan, tổ chức học tập kinh nghiệm, mô hình tốt, cách làm hay của các địa phương ngay trong địa bàn huyện.

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên sâu về quản trị doanh nghiệp, kỹ năng chỉ đạo, điều phối tư vấn xây dựng mô hình; đào tạo nghề, kiến thức khoa học công nghệ cho cán bộ thôn, xóm, các chủ mô hình, chủ trang trại, người lao động. Đặc biệt, triển khai kế hoạch của Tỉnh về việc bồi dưỡng kiến thức NTM cho cán bộ cấp thôn, xóm.

Tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu tại các thôn xóm; tranh thủ tối đa thời gian, điều kiện thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ triển khai các nội dung.

Triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết theo vùng, liên vùng; theo ngành và sản phẩm chủ lực. Tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt đề án phát triển sản xuất, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khắc phục tình trạng đất nông nghiệp bỏ hoang đưa vào sử dụng có hiệu quả.

Tiếp tục phát triển chuỗi liên kết sản xuất đi vào chiều sâu đạt hiệu quả thiết thực. Đặc biệt là phát triển chăn nuôi lợn liên kết.

Bên cạnh đó, tăng cường kêu gọi các đơn vị đỡ đầu, tài trợ xây dựng NTM.

- Xin chân thành cảm ơn ông!


Nguyễn Sáng (Thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết "“Thiếu vốn” trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở Cẩm Hà" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.