Thị trấn Vĩnh Hưng, Long An: Chung tay bảo vệ vùng biên giới

23/08/2017 14:09

Theo dõi trên

Năm 2002, tỉnh Long An có chủ trương thực hiện công trình đê bao kè chống lũ dọc kênh nên UBND huyện Vĩnh Hưng đã vận động, khuyến khích dời chợ cá vào khu đất trống cặp hông chợ bách hóa huyện để lập chợ tạm.


Từ khi chợ tạm hoạt động đến nay đã hơn 10 năm, và chợ được xây dựng tạm thời nên kết cấu hạ tầng đã xuống cấp trầm trọng, hệ thống cấp thoát nước hư hỏng không đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hộ dân xunh quanh.
 
Xuất phát từ tình hình thực tế trên, hội nghị ban thường vụ huyện ủy Vĩnh Hưng đã thống nhất chủ trương di dời chợ rau quả thực phẩm lên chợ Bàu Sậy để có nhiều điều kiện thuận lợi cho các tiểu thương ổn định kinh doanh mua bán và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời thực hiện quy hoạch phát triển chung về mạng lưới thương mại trên địa bàn huyện.
 
Từ khi dời về chợ Bàu Sậy, các tiểu thương ở đây rất vui mừng và phấn khởi. Chị Thanh Bình - tiểu thương buôn bán trái cây tại chợ cho biết “Từ ngày dời về chợ Bàu Sậy các tiểu thương đều rất vui vì có nơi buôn bán ổn định và sạch sẽ. Không phải sống chung với cảnh nước bẩn và những mùi hôi thối”. Nhưng bên cạnh đó, một số tiểu thương không chịu di dời và khi các cơ quan chức năng đến làm nhiệm vụ thì có những lời lẽ không hay và ra sức chống người thi hành công vụ.
 
Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay đã có 105/117 tiểu thương đã di dời về chợ Bàu Sậy để ổn định việc buôn bán, còn một số rất ít tiểu thương và hộ gia đình như anh Nguyễn Đình Cơ, chị Nguyễn Thị Lê và anh Lê Văn Tèo…không muốn di dời chợ vì mất đi nguồn thu từ việc thu tiền bãi do mình tự đặt ra. Vì thế, anh Cơ, anh Tèo và chị Lệ đã có những hành động rất côn đồ như ném đá những người đang thi hành công vụ và ra sức chống phá rất nguy hiểm.
 
Khi được hỏi về vấn đề này, lãnh đạo huyện Vĩnh Hưng bức xúc nói: “Không phải chúng tôi bất lực, nhưng đây là một vùng đất giáp biên giới nên tình hình an ninh chính trị hết sức nhạy cảm, thời gian tới chúng tôi sẽ giải quyết, nếu không có kết quả, buộc chúng tôi phải có những bệnh pháp thích đáng với những tiểu thương và hộ dân chống phá này”.
 
Mục đích xây dựng chợ thì đã rõ, nhu cầu người dân cũng rất cần và việc di dời chợ rau quả thực phẩm là chủ trương nhằm đảm bảo lợi ích của nhân dân và sự phát triển lâu dài. Do đó, dư luận và người dân địa phương chỉ còn biết trông chờ sự vào cuộc mạnh tay của các cơ quan chức năng để ngăn chặn triệt để những hành vi chống phá của những tiểu thương hộ gia đình này và trả lại sự bình yên cho một huyện biên giới.
 
Hải Âu

Bạn đang đọc bài viết "Thị trấn Vĩnh Hưng, Long An: Chung tay bảo vệ vùng biên giới" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.