Thầy giáo Nguyễn Hữu Phúc là tấm gương chuẩn mực cho đồng nghiệp và học sinh noi theo

12/01/2017 14:02

Theo dõi trên

“Tất cả các em, thế hệ trẻ Việt Nam không được quên rằng dân tộc này đã hy sinh như thế nào trong lịch sử, cha anh các em đã nếm mùi bom đạn theo đúng nghĩa đen của nó, thuốc nổ có vị chua và mặn. Các em phải biết, phải nhớ đã có những thế hệ như thế để có các em bây giờ. Và các em phải sống sao cho xứng”. Đứng bục chào cờ hầu như tuần nào thầy cũng nhấn mạnh thông điệp này. Nhiều thế hệ học sinh Trường THCS Liên Thành (Yên Thành - Nghệ An) đã khắc ghi câu nói đó của thầy.



Thầy giáo Nguyễn Hữu Phúc 

Thầy là thần tượng của bao lớp học sinh khi ấy. Đứng lớp trên cương vị người thầy nhưng phong cách dạy dỗ như một người anh, người cha đầy bao dung và thông tuệ. Thân hình bé nhỏ nhưng thầy đã từng vào Nam ra Bắc lăn lộn trên khắp các chiến trường. Tính thầy trầm, giọng nói nhẹ và ấm, lúc nào cũng có một ánh nhìn sâu lắng, đăm chiêu như hướng về một cái gì ở xa mà sợ chân không đi tới được, có chăng là ước vọng trồng người trăm năm mà thời gian cống hiến luôn hữu hạn, không sợ chân mỏi mà chỉ sợ năm tháng trôi nhanh.

Sinh năm 1952 trên mảnh đất Yên Thành hiếu học, năm 1970 thầy vào học đại học tổng hợp. Chưa đầy một năm thì phải gác bút lên đường theo tiếng gọi bi hùng của tổ quốc. Góp mặt trong nhiều trận đánh, trong chiến dịch xuân hè 72, thầy tham gia mũi tiến công Quảng Trị, nơi khó khăn và hy sinh nhất của cuộc chiến. Ngày hòa bình, quay về không lành lặn, nhưng với tâm niệm rằng mình vẫn được sống dưới sự che chở hy sinh của bao anh em, bằng hữu, mình phải sống sao cho xứng, phải gánh vác cả những ước mơ dang giở của bạn bè. Và thầy tiếp tục về lại trường học tập. Ra trường, làm thầy, không ngại đi gieo con chữ khắp mọi nẻo. Nhưng di tật chiến tranh không cho người ta sải cánh bay xa, năm 2002 thầy chuyển công tác về Trường THCS Liên Thành. Và cũng ở đây, thầy đã từ giã mái chèo trên cương vị người thuyền trưởng, về hưu năm 2012 sau mười năm cống hiến cho trường. Trong những năm tháng làm hiệu trưởng của mình, thầy vinh dự bốn lần được danh hiệu chiến sỹ thi đua. Quan trọng hơn là thầy đã làm mái trường quê chuyển mình rõ rệt. Trong lòng cán bộ giáo viên và học sinh của trường, của xã, thầy xứng đáng là hiệu trưởng suốt đời, in sâu và để lại trong họ nhiều kỷ niệm.

Dưới sự lãnh đạo của thầy, số giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi và những học sinh được danh hiệu học sinh giỏi nhiều, trường đã hai lần được đón nhận bằng khen của tỉnh. Năm 2015, trường đón nhận danh hiệu trường chuẩn Quốc gia. Thành tích đó in đậm hình bóng thầy, một người đàn ông nhỏ bé đã nhuộm bạc mái đầu xanh cho những điều còn mãi đó. Đối với một trường quê được xây dựng và cải tạo trên nên nhà kho cũ thì danh hiệu đó là một kì tích.

Triết lý giáo dục của thầy chính là mọi người đều xứng đáng được hưởng nền giáo dục tốt nhất có thể, ở tuổi ăn học thì không có lý do gì đáng để nhận án đuổi học, là một môi trường giáo dục thì không được đẩy trách nhiệm của mình cho xã hội. Vì triết lý đó, trường không có trường hợp nào bị đuổi học. Những trường hợp tự ý bỏ học thì thầy đều cắt cử cán bộ hoặc đích thân đến nhà vận động. Nếu so sánh điều này với câu nói của Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị “có hơn nghìn học sinh bỏ học là thường” thì mới thấy lương tâm và trách nhiệm của một nhà giáo dục, không phải bỗng dưng mà thầy lại có được sự kính trọng của con em và nhân dân toàn xã.

Nói chuyện với chúng tôi, thầy chia sẻ, muốn học sinh tiến bộ thì phải quan sát hàng ngày, phải hàng ngày, vì cái tuổi này nó bồng bột lắm, không sát sao là xảy sự ngay. Mình giáo dục thì cốt là giáo dục, kiến thức phổ thông thì đã có chuyên môn đảm trách rồi, mình phải cho học sinh cái góc nhìn, như triết học nói là cái thế giới quan đấy, phải giúp chúng nó xây dựng cho bản thân hệ giá trị cơ bản để từ đó biết mà phấn đấu, phải giúp chúng biết có ước mơ, hoài bão, mục tiêu cho cuộc đời. Triết lý giáo dục đúc kết một đời đơn giản chỉ có vậy nhưng đã nâng cánh biết bao ước vọng bay cao và đi xa để không ngừng tô điểm cho mảnh đất đầy sỏi đá.

Ai cũng nói thầy hiền, thầy hiền thật, nhưng dưới quyền là những nắm đấm thép như thầy hiệu phó Hoàng Văn Hổ, những giáo viên tâm huyết như thầy giáo Phạm Xuân Tiến. Một tập thể có tâm có tài, có kỷ luật. Vì vậy mà trường không ngừng lớn mạnh và đạt nhiều bằng khen, thành tích.

Nói về thầy Phúc, thầy Tiến chia sẻ: Thầy là tấm gương chuẩn mực cho đồng nghiệp và học sinh noi theo. Trước hết là đạo đức lối sống giản dị, trong sáng, thương yêu đồng nghiệp như con, em của mình, kịp thời động viên khích lệ khi có thành tích tốt, ân cần khuyên nhủ góp ý chân thành khi sai sót để ngày càng tiến bộ, chuyên môn nghiệp vụ thầy Phúc là tâm gương cho sự tự học không ngừng, đến những năm cuối của nghề dạy học nhưng thầy cũng không cho mình nghỉ, đọc sách tham khảo, giải toán miệt mài... trao đổi hăng say với đồng nghiệp trẻ những bài toán khó, nhiều cách giải sáng tạo... Trên cương vị lãnh đạo đơn vị thầy là người quản lý giỏi, thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục toàn diện.

Một cuộc đời, là phép cộng của những hy sinh, là giá trị của sự cố gắng không mệt mỏi. Giữa đường đời náo nhiệt chạy đua với danh vọng tiền tài, thầy vẫn lặng lẽ đưa đò và “hằng ngày” dõi theo những đoàn khách sang sông. “Gác mái ngư ông về viễn phố”, đôi mắt thầy vẫn ánh lên một cái nhìn xa như trông chờ điều gì đó, ánh lên ước mong cống hiến, đã về hưu nhưng chắc rằng thầy vẫn chưa cho mình được nghỉ. Dòng sông cuộc đời vẫn trôi, con thuyền chở chữ đã nằm im trên bãi. Những con sóng đã không làm chao đảo được tay chèo. Những cố gắng âm thầm, niềm hy vọng và đức thanh cao vẫn nguyên vẹn trong con người ấy.

Con nước có xuống lên, con sóng có gầm rú xô mạn thuyền nghiêng ngả thì vẫn mong những người cầm mái chèo vẫn sẽ vững vàng, những khách sang sống đến được bờ vinh quang sẽ không thể quên công ơn ấy.
 
Nguyễn Cường

Bạn đang đọc bài viết "Thầy giáo Nguyễn Hữu Phúc là tấm gương chuẩn mực cho đồng nghiệp và học sinh noi theo" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.