Thầy đờn Hai Nhạn và chuyện đôi mắt, đôi tai…

19/05/2017 10:10

Theo dõi trên

"Mình tuy không nhìn thấy nhưng đôi tai còn nghe rõ, còn cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nhạc lễ. Kể ra, mình còn có phước!"- thầy đờn khiếm thị Trần Quang Nhạn, tức Hai Nhạn (phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn) lạc quan nói vậy. Cho nên bao nhiêu năm qua, tiếng đờn, tiếng lòng của ông vẫn cứ réo rắt giữa đời.



Ông Hai Nhạn bên cây đờn sến. Ảnh: Duy Khôi.

Nhiều lễ Kỳ Yên đình làng ở Cần Thơ vừa qua đều có ông Hai Nhạn góp mặt trong ban nhạc lễ. Từ đình Thới An (Ô Môn), Thới An Đông (Bình Thủy) đến đình Tân An (Ninh Kiều)… nơi nào bà con cũng thấy thầy đờn khiếm thị tay nâng niu đờn cò kéo những bản nhạc lễ trang trọng, cung kính. Dù không nhìn thấy, song ông có đôi tai tinh tường, khả năng cảm âm tốt nên hễ nghe người thủ trống cái gõ "rắc" nhẹ là ông sẵn sàng cho những giai điệu ngũ cung. Buông cây đờn cò, ông cầm cây ghi-ta điện đờn ngay, rồi lại chuyển sang đờn sến mà du dương khúc "Xuân nữ"… Tiếng đờn ông lắng lòng, ngón đờn ông chuẩn xác và tinh tế như bao thầy đờn giỏi nghề.

Ông Hai Nhạn kể, ông bị hư một mắt từ năm 6-7 tuổi sau một cơn đau ban, con mắt còn lại cũng chỉ thấy "loáng thoáng". Từ khoảng năm 40 tuổi, ông Hai sống trong bóng tối đến tận bây giờ. Dù vậy, từ nhỏ ông đã theo những nhóm đờn ca tài tử ở địa phương và mong muốn sờ thử vào những cây đờn của dàn nhạc cổ, song lang... Thấy con trai đam mê và muốn tạo nghề cho con về sau, cha của ông Hai Nhạn đã cho con đi học đờn ghi-ta phím lõm. Thầy dạy ông Hai cũng là một thầy đờn khiếm thị, tên Sơn. "Ai cũng nói thầy trò tui làm chuyện khó, vậy mà làm được"- ông Hai Nhạn kể. Bằng khả năng cảm âm tốt, thầy Sơn đờn một khúc nhạc, diễn giải dây gì, phím nào rồi ông Hai đờn theo. Cực lực 2 năm, ông Hai đã đờn được cơ bản những bài lớn của đờn ca tài tử và khoảng 6 năm học nghề, tên tuổi Hai Nhạn đã là thầy đờn có nghề ở địa phương. Ông Hai còn chịu khó nghe radio, đi "học lõm" những ngón đờn hay để rồi tự tập và sử dụng được đờn cò, đờn sến. Ông từng là tay đờn chính của Đoàn văn công Tiếng hát Thới An (Ô Môn) và các đội thông tin lưu động.

20 năm nay, ông Hai Nhạn chỉ đờn nhạc lễ dịp tang chế, Kỳ Yên ở đình… Sở trường của ông là bản Bắc, các bản "Xuân nữ", "Nam ai", "Nam đảo", "Ngũ đối hạ"… Ông Hai hết lời nhắc đến sự quan tâm của Nhạc Bưởi- tức ông Lê Văn Bưởi, một thầy đờn nhạc lễ có tiếng khắp miền Tây. Nhạc Bưởi ngoài "chuốt" tay nghề còn cho các con trai chở ông Hai đi đờn bất cứ nơi đâu. Nhạc Bưởi thì xuề xòa: "Có gì đâu!", nhưng thật ra, ngoài mến cái tài ông còn thương nghị lực của ông Hai Nhạn.

Ông Hai Nhạn tâm sự: "Tôi giờ đã 54 tuổi, 2 con đã trưởng thành, có việc làm ổn định. Nghĩ cũng nhờ nghề đờn này". Có quãng thời gian ông phải đi bán vé số, bán bún… nhưng nỗi nhớ đờn ca khiến ông không bỏ nghề được. Ông quý cái nghề được "Tổ nghiệp chọn" nên trau dồi thường xuyên. Kéo cây đờn cò mà nghe tiếng bị "khè", bị "ngọng" là ông Hai cảm thấy khó chịu, cố chỉnh sửa cho chuẩn mới thôi.

Một lần nghe tiếng đờn của ông Hai Nhạn, chợt cảm nhận bao ý nghĩa cuộc sống ở đời, từ chuyện đôi mắt, đôi tai và triết lý hai từ "có phước".


Đăng Huỳnh

Nguồn: Báo Cần Thơ
Bạn đang đọc bài viết "Thầy đờn Hai Nhạn và chuyện đôi mắt, đôi tai…" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.