Hòn Đá Bạc, ngoài việc còn giữ nguyên nét đẹp hoang sơ của rừng, biển còn có di tích Chuyên án CM12, đánh bại cuộc nhập biên phá hoại, âm mưu lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa do Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Ngày 22/6/2009, Bộ VHTT&DL đã ban hành quyết định công nhận di tích Hòn Đá Bạc - Trung tâm Chỉ huy kế hoạch phản gián CM12 là di tích lịch sử quốc gia.
Nhiều phần kè trên Hòn Đá Bạc để giữ các công trình điểm nhấn du lịch có dấu hiệu sạt lở.
Sau khi được công nhận, nhiều hạng mục công trình lịch sử được khởi công xây dựng, đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển du lịch. Nhưng, từ khi chuyển giao về Bộ Công an và Công an tỉnh Cà Mau quản lý khai thác (năm 2014) thì bắt đầu những chuỗi sụt giảm và mất khách du lịch.
Vấn đề Hòn Đá Bạc trước nguy cơ không còn phục vụ tốt du khách thời gian dài vừa qua đã trở thành chuyện “nóng” cần giải quyết được Huyện uỷ, UBND huyện Trần Văn Thời và UBND tỉnh bàn bạc bằng nhiều phương án. Trong các phương án “vực dậy” tiềm năng Đá Bạc được xem là “mạnh” nhất đó là liên tiếp các công văn gởi Bộ Công an của UBND tỉnh (từ năm 2017 đến nay).
Tại Công văn số 2064/UBND-KGVX ngày 28/3/2019, UBND tỉnh Cà Mau, nêu rõ: Tháng 10/2014, Khu du lịch Hòn Đá Bạc được thu hồi chuyển giao Bộ Công an và do Công an tỉnh Cà Mau trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, việc đầu tư, nâng cấp phát triển sản phẩm du lịch chưa được quan tâm đúng mức; Không thực hiện đầu tư xây dựng công trình, phát triển sản phẩm dịch vụ phục vụ du lịch cũng như chưa phát huy tiềm năng, lợi thế của Khu du lịch Hòn Đá Bạc.
Nhận thấy sự “phát triển ngược” này, tỉnh Cà Mau liên tục có ý kiến đề xuất với Bộ Công an thực hiện phương án chuyển giao Khu du lịch Hòn Đá Bạc cho địa phương nhưng từ tháng 11/2017 đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Kể cả ý kiến đề xuất bằng văn bản của tỉnh: “Nếu Bộ Công an vẫn chưa có điều kiện triển khai, đầu tư xây dựng, đề nghị Bộ chuyển giao toàn bộ di tích Khu du lịch Hòn Đá Bạc cho tỉnh quản lý và thực hiện các công việc lập quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh uỷ và Kế hoạch số 30/KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020”.
Theo kế hoạch phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã xác định tập trung phát triển Khu du lịch Hòn Đá Bạc, đầu tư điểm du lịch tham quan, giải trí chất lượng cao, tạo tiền đề cho phát triển du lịch cộng đồng khu vực lân cận, tổ chức du lịch biển, bãi biển nhân tạo, dã ngoại, du thuyền... Thế nhưng, hiện tại khu du lịch vẫn chưa có dự án đầu tư phát triển, chưa có quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết nào.
Bí thư Huyện uỷ Trần Văn Thời Nguyễn Quốc Thanh chia sẻ: “Trần Văn Thời được ví như một Cà Mau thu nhỏ, đó là thực tế. Tuy nhiên, phát huy tiềm năng du lịch trên địa bàn thời gian qua lại gặp khó. Trong khi Hòn Đá Bạc là địa danh di tích du lịch có sẵn và các điều kiện kết nối đã hoàn thiện nhưng việc không phát huy lợi thế kéo dài từ sau năm 2014 đã gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển”.
Theo nguồn tin mới nhất của phóng viên Báo Cà Mau, ngày 16/4/2019, Bộ Công an đã cử cán bộ khảo sát thực tế Hòn Đá Bạc, làm việc với Công an tỉnh Cà Mau và các ngành liên quan để bàn bạc phương án đầu tư, tôn tạo nhằm vực dậy tiềm năng của Khu du lịch Hòn Đá Bạc. Đây là động thái mang dấu hiệu rõ ràng nhất sự quan tâm của đơn vị quản lý kể từ khi nhận bàn giao.
Nhiều năm gần đây, tỉnh đã ghi nhận nhiều dấu hiệu cất cánh của ngành du lịch. Những loại hình du lịch cộng đồng, kết nối tour, cùng với nhiều khu du lịch sinh thái mới hình thành đã thu hút lượng lớn du khách đến với Cà Mau. Đó cũng là công việc khó nhất của ngành khai thác du lịch nhưng các doanh nghiệp và người dân đã và đang thực hiện hiệu quả. Hòn Đá Bạc là địa danh di tích và là điểm du lịch hấp dẫn sẵn có, nếu không phát huy được thì đó là trách nhiệm rất lớn của đơn vị quản lý, khai thác.
Phong Phú
Theo Cà Mau