Vòng xoay cầu Cái Cối năm 1967. Ảnh tư liệu
Quá trình hình thành
Vào cuối thế kỷ thứ XVII, cách đây khảng 300 năm, vùng đất Bến Tre nói chung và thị xã Bến Tre lúc bấy giờ còn hoang sơ, nhiều lau sậy, cây rừng chằng chịt, nhiều thú dữ, muỗi mòng và rắn độc, dân cư thưa thớt. Đến thế kỷ thứ XVIII, qua nhiều biến cố của lịch sử, nhiều tốp người từ miền Trung, các tỉnh lân cận bắt đầu di dân đến vùng đất hoang sơ này để khai khẩn đất hoang. họ tập trung nhiều ở các gò đất cao, ven sông rạch để dễ dàng khai khẩn, định cư sinh sống và lập làng. Nền móng đầu tiên để phát triển thành đô thị không phải là thị trấn hay thành lũy của chế độ triều đình phong kiến, mà nó xuất phát từ một làng nhỏ bên hữu ngạn một nhánh sông, dân thương hồ thường neo đậu tàu thuyền ra vào buôn bán, giao thương trao đổi hàng hóa, nông thổ sản.
Thực dân Pháp sau khi thiết lập bộ máy thống trị trên đất Bến Tre thì cũng bắt đầu kiến thiết các công sở, mở mang đường phố, bến, chợ… tập trung nơi tỉnh lỵ. Từ năm 1954 - 1975, dưới sự thống trị của chủ nghĩa thực dân mới, thị xã Bến Tre không có công trình xây dựng gì đáng kể, vẫn là một tỉnh lỵ nghèo nàn lạc hậu về công trình xây dựng, đường sá cũng như về cơ sở vật chất so với một số tỉnh lỵ khác ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Từ sau ngày miền Nam giải phóng (30-4-1975), thị xã Bến Tre có nhiều thay đổi cả về kiến trúc đô thị đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và phát triển trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Với nguồn vốn đầu tư của nhà nước và nhân dân, các công trình phúc lợi công cộng, các công trình trụ sở cơ quan đã được xây dựng tạo cho thị xã ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho đô thị cũng được tập trung đầu tư nâng cấp. Lúc này, thị xã Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại IV.
Phát triển đô thị
Từ sau ngày miền Nam giải phóng (30-4-1975), thị xã Bến Tre đã từng bước khôi phục và phát triển trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Với nguồn vốn đầu tư của nhà nước, các công trình phúc lợi công cộng, các công trình trụ sở cơ quan đã được xây dựng. Hệ thống giao thông cũng được tập trung đầu tư: Xây dựng mới đường tránh quốc lộ 60 (từ ngã ba Tân Thành đến vòng xoay Phường 7); mở rộng Đại lộ Đồng Khởi (từ ngã ba Tân Thành đến cổng chào thị xã), đường Hùng vương và kè dọc sông Bến Tre, đường Nguyễn Văn Tư (từ vòng xoay Phường 7 đến bến phà Hàm Luông), cầu Bến Tre 2, các công viên… đã tạo cho bộ mặt thị xã ngày càng khang trang hơn.
Từ năm 2004 - 2007, thị xã đã tập trung đầu tư bó láng vỉa hè, nâng cấp, mở rộng hẻm thành đường, xây dựng hệ thống thoát nước trong khu dân cư, trồng mới và chăm sóc cây xanh đường phố, mảng xanh đô thị, phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị đã tạo cho thị xã Bến Tre có một dáng dấp là một đô thị phát triển và văn minh. Bộ mặt thị xã từng ngày đã có những thay đổi rất cơ bản cả bề rộng lẫn chiều sâu. So với bản đồ tỉnh lỵ Bến Tre năm 1906, đến năm 2006, diện tích đã mở rộng hơn gấp 10 lần. Ngày 9-8-2007, Bộ trưởng Bộ Xây dựng có quyết định công nhận thị xã Bến Tre là đô thị loại III. Đây là tiền đề để thị xã bứt phá vươn lên phát triển toàn diện.
Đạt chuẩn đô thị loại II trước hạn
Ngày 13-2-2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 174 về việc công nhận TP. Bến Tre là đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Việc nâng loại đô thị TP. Bến Tre lên đô thị loại II trước năm 2020 đã xác định tại Chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2012 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1659 năm 2012 và đã được cụ thể hóa trong các định hướng, chiến lược, chương trình của tỉnh.
Vòng xoay cầu Bến Tre năm 2019. Ảnh: H. hiệp
Đây là yêu cầu khách quan trong tiến trình phát triển, phù hợp với định hướng, chương trình phát triển đô thị quốc gia, chương trình phát triển đô thị của tỉnh. Khi TP. Bến Tre trở thành đô thị loại II, hệ thống hạ tầng đô thị sẽ được tiếp tục quan tâm đầu tư đồng bộ, nhất là hệ thống các công trình công cộng đô thị, giao thông, y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa… Từ đó, nhân dân sẽ được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ văn hóa, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội với điều kiện thuận lợi hơn và chất lượng tốt hơn.
TP. Bến Tre trở thành đô thị loại II sẽ thuận lợi cho việc phát triển hội nhập văn hóa, phong tục, tập quán, lối sống và các điều kiện xã hội khác của thành phố. Bên cạnh đó còn thúc đẩy và điều chỉnh nếp sống và sinh hoạt hiện nay theo hướng văn minh, tiến bộ hơn, vấn đề về vệ sinh môi trường được quan tâm và thực hiện tốt hơn do ý thức của chính quyền và người dân được nâng cao hơn. Có điều kiện để tăng cường các hoạt động dịch vụ, thương mại, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.
Khi là đô thị loại II, người dân sẽ được hưởng lợi từ việc thành phố được quan tâm, đầu tư của quốc gia, quốc tế và của tỉnh về phát triển đô thị, kinh tế, xã hội và hướng đến một số tiêu chuẩn đô thị loại I, phát triển đồng bộ, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, từng bước chuẩn hóa hệ thống công trình hạ tầng xã hội...
Hiếu Thành
Theo Đồng Khởi