Thanh niên An Giang một thời khói lửa

28/06/2017 14:35

Theo dõi trên

Là những hạt nhân đầu tiên của phong trào yêu nước, Đoàn Thanh niên Long Xuyên - Châu Đốc tuy thay đổi qua nhiều tên gọi khác nhau cho phù hợp với từng thời kỳ lịch sử, nhưng thực chất đây là tổ chức của những người cộng sản trẻ tuổi. Hàng vạn người trẻ đã ngã xuống dưới gót giầy xâm lược của bọn thực dân và tay sai, nhưng cuối cùng mọi người vẫn đi tới đích: Giải phóng tỉnh nhà khỏi ách thống trị của ngoại bang.

Đầu năm 1970, thanh niên, học sinh, sinh viên (HS-SV) tỉnh nhà nổ ra cuộc đấu tranh phản đối nhà cầm quyền Lennol, lên án Lennol bằng khẩu hiệu đấu tranh “Phản đối Lennol”. Phong trào đã lôi kéo các tầng lớp Nhân dân TX. Long Xuyên hưởng ứng. Lực lượng tuổi trẻ học đường Long Xuyên tổ chức đốt lửa trại thực hiện “Đêm không ngủ”, dấy lên phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, “Dậy mà đi”. Tỉnh đoàn đã khéo léo bí mật tổ chức thành lập Chi đoàn sinh viên trong Trường đại học Hòa Hảo, làm hạt nhân gây dựng cơ sở và làm ngòi nổ cho các phong trào đấu tranh của HS-SV.
 
Đến giữa những năm 1970, Tổng đoàn HS ra đời, có nhiệm vụ tuyên truyền vận động HS giáo dục lý tưởng cộng sản cho họ, tránh bi quan dao động, đồng thời đại diện SV còn liên hệ phối hợp hành động với phong trào HS-SV ở Sài Gòn, Cần Thơ… Đoàn Thanh niên tranh thủ sự ủng hộ của nhân sĩ, các tôn giáo trong tỉnh, phong trào giáo chức đấu tranh lên án bản chất thâm độc, xảo quyệt của kẻ thù. Tiêu biểu thời kỳ này là sự phối hợp giữa HS-SV với giáo chức cùng hàng ngàn người ở TX. Long Xuyên đấu tranh phản đối ngụy quyền tra tấn dã man, dẫn đến cái chết của anh Nguyễn Hồng Đăng. Họ xuống đường biểu tình đòi bồi thường cho gia đình nạn nhân, đòi xóa bỏ chiến dịch “Phượng hoàng”. Khí thế cuộc đấu tranh tạo thành phong trào công khai rộng lớn có chiều sâu, kết hợp chặt chẽ với phong trào HS-SV ở Sài Gòn. SV Đại học Hòa Hảo (do Chi đoàn làm nòng cốt) xuống đường chống bọn đội lốt tôn giáo, chống “Quân sự hóa học đường” giành được thắng lợi vang dội. Các nơi khác tiến lên giành quyền dân chủ trong nhà trường, tổ chức HS-SV hoạt động công khai bảo vệ quyền lợi HS ở các trường: Thoại Ngọc Hầu, Chưởng Binh Lễ.
 
 
Thanh niên An Giang tham gia phong trào cách mạng bằng nhiều hình thức
 
Phong trào HS-SV nổ ra liên tục và trưởng thành qua các cuộc đấu tranh, được sự ủng hộ rộng rãi của mọi giới. Cuối năm 1971, cán bộ, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) thành lập đội biệt động thị xã, xây dựng lực lượng vũ trang, tổ chức đưa một số TN ưu tú vào vùng giải phóng để huấn luyện, bổ sung, xây dựng, củng cố lực lượng chuẩn bị trở về giải phóng tỉnh nhà, nhiều ĐV ưu tú được kết nạp vào Đảng. Tại TX. Long Xuyên, đội vũ trang tuyên truyền do ĐVTN đảm nhiệm được thành lập, hoạt động hợp pháp, xây dựng cơ sở bên trong.
 
Cuối năm 1973, địch tiến hành phá hoại Hiệp định Paris bằng các cuộc hành quân “Tảo thanh” tại Long Xuyên - Châu Đốc, tăng cường đàn áp quyết liệt phong trào HS-SV, ra sức bắt lính trong trường học. TN An Giang hăng hái gia nhập quân đội, quyết không đi lính làm bia đỡ đạn cho giặc. Năm 1974, đồng chí Tư Việt Sinh được bầu làm Bí thư Tỉnh đoàn Long Châu Hà, đồng chí Trần Bá Ngô được bầu làm Phó Bí thư. Tỉnh đoàn phát động phong trào TN tòng quân diễn ra rầm rộ, nhiều đơn vị bộ đội mới được thành lập. Tình hình chuyển biến mau chóng, thuận lợi chưa từng thấy. Nhiều địa phương chỉ trong 1 tuần lễ có đến 50 - 60 TN gia nhập bộ đội, họ lên đường “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Các cấp bộ Đoàn đứng ra mở lớp tập huấn cho lực lượng TN học tập nắm vững chủ trương mới của Đảng.
 
Ngày 10-3-1975, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân - dân miền Nam bắt đầu. 1/3 số xã trong tỉnh thành lập được Đoàn cơ sở. Huệ Đức, Tri Tôn, Châu Đốc, Châu Thành thành lập được Huyện đoàn. Tháng 4-1975, hầu hết cán bộ Đoàn đều được phân công bám sát chiến trường và địa bàn hoạt động, vận động TN tham gia lực lượng vũ trang và bán vũ trang, nhiều xã hình thành các trung đội dân quân tự vệ, đội du kích chiến đấu. Ngày 30-4-1975, các đơn vị bộ đội và ban, ngành của tỉnh tiến về giải phóng Tỉnh lỵ Long Xuyên. Quân địch chống trả quyết liệt, làm chậm bước tiến của ta. Trước tình hình ấy, Chi đoàn Đại học Hòa Hảo phối hợp hành động linh hoạt, nhịp nhàng với các đơn vị bạn, chiếm giữ Đài Viễn thông của địch, gọi điện về Cần Thơ nhờ lực lượng Khu chi viện. Chiều 1-5-1975, ta làm chủ hoàn toàn TX. Long Xuyên, TN - HS - SV tiếp quản Viện Đại học Hòa Hảo trong không khí tưng bừng của ngày vui đại thắng.
 
“Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 là thắng lợi vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử 200 năm dựng nước và giữ nước của Nhân dân Long Xuyên - Châu Đốc. Thắng lợi này góp phần vào thắng lợi chung của Nhân dân cả nước, trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các tầng lớp TN Long Xuyên - Châu Đốc trải qua nhiều thế hệ luôn thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, một lòng, một dạ trung thành với lý tưởng của Đảng, thủy chung với cách mạng, xứng đáng là con cháu Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính mến”. Đó là những kết luận đầy tự hào, được đúc kết trong cuốn “Sơ thảo lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng của TN An Giang 1930 - 1975”, do Tỉnh đoàn biên soạn.
 
Gia Khánh

Nguồn: An Giang Online
Bạn đang đọc bài viết "Thanh niên An Giang một thời khói lửa" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.