Thanh Hóa quê tôi

28/12/2015 10:14

Theo dõi trên

"Thanh Hoá thắng địa là nơi Rồng vờn hạt ngọc, hạc bơi chân thành” ẩn chứa trong mình nhiều tầng lớp văn hóa, đa dạng bởi nhiều dân tộc cùng chung sống, phong phú về phong tục tập quán, tín ngưỡng và danh lam thắng cảnh.

Vùng đất hội tụ đủ các địa hình sinh thái

Nói đến Thanh Hóa là nói đến miền biển dạt dào sóng vỗ. Cùng với Sầm Sơn có biển xanh, cát trắng, nắng vàng thì vẻ hoang sơ, êm đềm lại là điểm thu hút của Hải Tiến, Hải Hòa, non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình là các vùng biển mới như Nam Sầm Sơn, cảng biển Nghi Sơn, Quảng Xương… Mỗi nơi một vẻ sống động, đã làm nên bản hòa ca du dương cho vùng biển xứ Thanh.



Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc địa phận hai huyện Quan Hoá và Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa quê tôi còn có những con sông như sông Mã mang tính lịch sử một thời bom đạn. Đến sông Mã, gặp cầu Hàm Rồng “cây cầu huyền thoại” với làn điệu hò sông Mã lộng gió bốn phương thắm đượm lòng người. Ghé thăm Khu du lịch sinh thái Hàm Rồng, du khách như lạc vào bức tranh thiên nhiên kỳ thú với núi Hàm Rồng uốn lượn bên dòng sông Mã. Hồ Kim Quy nước trong xanh bốn bề in bóng núi Rồng. Những đồi thông ngút ngàn đan xen thung lũng thơ mộng với dãy núi hình 9 khúc rồng nhấp nhô uốn lượn theo dòng sông Mã. Nơi đây, tách ra khỏi sự sôi động của phố phường còn có làng cổ Đông Sơn lấp lánh trống đồng tỏa sáng tinh thần Việt với cổng làng rêu phong mở vào những nếp nhà ngót trăm năm tuổi.

Hội tụ đủ các địa hình sinh thái: Núi, trung du, đồng bằng và biển cả. Nằm ở vị trí thuộc Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa là sự kết nối giữa đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn với khu vực miền Trung dài và hẹp, khí hậu Thanh Hóa vừa có kiểu của khí hậu miền Bắc lại vừa mang những khí hậu của miền Trung. Chính vì vậy Thanh Hóa được ví như hình ảnh của đất nước Việt Nam thu nhỏ và đó chính là tiềm năng và điều kiện lý tưởng không chỉ cho tỉnh Thanh phát triển kinh tế - du lịch mà còn làm cho bức tranh toàn cảnh về du lịch Việt Nam tạo nên diện mạo mới.

Bức tranh thủy mặc xứ Thanh

Xứ Thanh được trời phú cho thế núi, hình thác, hang động, suối…với nhiều cảnh sắc đẹp và nên thơ, những danh lam thắng tích nổi tiếng say đắm lòng người như: Ngọc Sơn (núi Bợm) với sự tích “Ngọc Trống - Ngọc Mái”; Núi Nhồi chạy quanh co, uốn lượn đến cây số. Cứ cách vài chục mét lại có một vài ngọn núi đá kỳ dị. Núi Đọ nằm trên địa bàn xã Thiệu Vân, huyện Thiệu Hóa soi hình bóng hùng vĩ của mình xuống dòng sông Chu hiền hòa, thơ mộng. Nơi đây được nhiều người biết đến là vùng đất thiêng, cổ xưa của xứ Thanh nhưng ẩn chứa trong đó nhiều câu chuyện kỳ lạ và đầy bí ẩn đang chờ được giải mã.




Suối cá thần Cẩm Lương.

Núi Trường Lệ với những truyền thuyết lung linh sắc màu huyền thoại mang đậm chất nhân văn; Và rồi để ngâm mình tắm thỏa thích dưới làn nước trong xanh, mát lành của thác Ma Hao thì thật tuyệt vời. Lung linh huyền ảo là Thác Muốn một thung lũng đẹp, hẹp nhưng dài là một quần xã rừng sinh thái độc đáo, lá rừng, đá còn nguyên vẹn. Xen lẫn là khung cảnh làng bản với nhà sàn tỏa khói lam chiều, dòng suối nhỏ, ruộng bậc thang, sắc màu thổ cẩm… tạo nên bức tranh thủy mặc. Đây là điểm nhấn đã và đang thu hút rất đông khách du lịch gần xa.

Về với Hang Con Moong nơi có nhiều động, thực vật khá phong phú như: Khỉ, gấu, nai… du khách được thả hồn trong không gian yên ả, trầm mặc đôi khi bắt gặp những chú khỉ tung tăng kéo nhau xuống núi, nghe tiếng chim kêu hòa lẫn tiếng nước chảy tạo thành bản nhạc giao hưởng thiên nhiên thật kỳ thú! Toàn bộ hệ thống rừng nguyên sinh quanh khu vực hang còn giữ được nguyên vẹn, với nhiều loài cây gỗ quý, có đường kính lớn.

Du khách không khỏi ngạc nhiên về một suối cá thần Cẩm Lương linh thiêng và kỳ lạ với muôn vàn câu hỏi “vì sao?” là sản phẩm độc đáo của thiên nhiên ban tặng với cảnh quan tuyệt đẹp có rừng, có sông suối, bản làng và những người dân hiền lành đậm nghĩa đậm tình tạo nên một bức tranh làng quê mộc mạc, dung dị. Mỗi lần đến nơi đây du khách sẽ được thỏa sức ngắm và quên hết bao muộn phiền, bộn bề trong cuộc sống.




Thành nhà Hồ.

Về miền di sản văn hóa

Đối với những du khách say mê lịch sử thì không thể bỏ qua di tích Thành Nhà Hồ với những kiến trúc độc đáo, đặc sắc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới; đền thờ Lê Hoàn; khu di tích lịch sử Lam Kinh; khu Lăng miếu Triệu Tường ở làng Gia Miêu, xã Hà Long, Hà Trung là di tích khảo cổ cấp quốc gia; phủ Chúa Trịnh; khu di tích lịch sử đền Bà Triệu... Ngoài ra, Thanh Hoá còn có những di sản văn hoá bao gồm các trò chơi dân gian, các làn điệu xứ Thanh, các lễ hội và nhiều hoạt động văn hoá khác…

Nếu đi về phía Bắc của Thanh Hoá, du khách sẽ đến với huyện Nga Sơn, nơi có động Từ Thức với rất nhiều điều kỳ thú do thiên nhiên tạo ra, theo truyền thuyết đây là nơi Từ Thức gặp Tiên. Đến huyện Như Thanh có vườn quốc gia Bến En - nơi phong cảnh núi, hồ thơ mộng, cùng những cây cổ thụ và nhiều loài động vật quý hiếm. Những địa danh: Cổng trời, Son Bá Mười… quanh năm mây phủ chẳng khác gì tiên cảnh bồng lai, khí hậu ôn hòa được ví như Sa Pa, Đà Lạt hiện hữu ở tỉnh Thanh. Đến với bản làng miền Tây xứ Thanh du khách còn được thưởng thức những đặc sản của núi rừng như xôi ngũ sắc, rượu ngô, canh đắng, trứng kiến…

Thanh Hóa - nơi phát tích vương triều Nguyễn, vua Lê, chúa Trịnh, từng được nhà Hồ chọn làm nơi xây dựng kinh đô, để lại cho con cháu muôn đời sau hàng ngàn di tích giá trị. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó. Thắng cảnh Thanh Hóa trông có vẻ mộc mạc, đơn sơ, hoang dã chứa đựng cả một quá khứ và hiện tại phi thường.

Theo Lê Thị Hường (Làng Việt Online)

Bạn đang đọc bài viết "Thanh Hóa quê tôi" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.