Thanh Hóa: Người dân Hải Hà bức xúc vì mất bãi biển, Chủ tịch huyện Tĩnh Gia xưng “mày tao” với phóng viên

12/07/2017 15:57

Theo dõi trên

Bãi biển xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, bỗng nhiên bị lấn chiếm xây dựng cảng container. Sự việc đang làm người dân rất bức xúc. Trò chuyện với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch huyện Tĩnh Gia đã xưng “mày tao”.



“Con rắn khổng lồ” này đang lấn chiếm một diện tích rất lớn bãi biển xã Hải Hà.

Bãi biển xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, bỗng nhiên bị lấn chiếm xây dựng cảng container. Sự việc đang làm người dân rất bức xúc. Trò chuyện với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch huyện Tĩnh Gia đã xưng “mày tao”.

“Con rắn khổng lồ ăn” bãi biển xã Hải Hà
 
Hải Hà là xã cuối của huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), giáp vùng đất Nghệ An. Do là xã ven biển, nên từ lâu, nghề chủ yếu của người dân là đi biển. Khoảng gần một tháng nay, nhiều ngư dân xã Hải Hà rất bức xúc vì bỗng nhiên, giữa bãi biển bỗng nhiên xuất hiện một túi bao bì đất to dài trông giống “con rắn khổng lồ” nằm khoanh tròn từ bờ ra đến biển.
 
“Con rắn khổng lồ” này đang lấn chiếm một diện tích rất lớn bãi biển xã Hải Hà. Đồng thời, xuất hiện một tàu hút cát đang hoạt động ven bờ. Người dân nơi đây cho biết, khoảng một tháng trước đây, bỗng nhiên xuất hiện một tàu hút cát phun cát biển sau khi hút vào chiếc túi dài to. Chiếc túi này căng phồng, nước rỉ ra ngoài, còn đất được giữ lại trong bao, tạo thành một con đê cao, dài, to bè nằm chềnh ềnh, làm xấu xí bờ biển.
 
Bên cạnh đó, còn xất hiện một bảng cấm ghi “Cảnh báo nguy hiểm. Khu vực nước sâu”. Trong khi đó, khu vực này trước đây nước nông, không có vấn đề gì, người dân tắm thoải mái, thuyền đỗ ra vào tự do. Không những thế, tại đây còn xuất hiện một số người mặc áo xanh được người dân cho biết là hải đội về trông giữ khu vực cấm. Nếu người dân ra tắm quanh khu vực cấm thì bị mấy người mặc áo xanh ra nhắc nhở, gọi vào cho bằng được.
 
Với việc chiếc túi đất bao bì chứa đất nằm ngổn ngang giữa bãi biển đã khiến cho tàu thuyền đi đánh bắt không có nơi đỗ, đi lại khó khăn, người dân không có nơi cào ngao, kéo lưới rồng. Người dân cũng bị cấm tắm trong khu vực này. Một người dân chia sẻ: “Sự việc có dải cát được bọc ni lông khổng lồ này xuất hiện gần một tháng nay. Chúng tôi không ai đồng ý cho hành động ngang nhiên xâm lấn này. Nhưng cớ sao họ vẫn tiếp tục làm như vậy. Họ có coi người dân ra gì không. Chúng tôi là người ở đây hay là họ là người ở đây mà dám làm như vậy khi chưa thông qua chúng tôi?”.
 
 
“Con rắn khổng lồ” này đang lấn chiếm bãi biển xã Hải Hà
 
Mất bãi biển, người dân thiệt thòi đủ đường
 
Như đã thông tin, người dân xã Hải Hà chủ yếu làm nghề đi biển, sống nhờ biển, khôn lớn nên người cũng nhờ biển. Nên việc họ mất bãi biển là điều hết sức đau đớn. Bao đời nay, cha ông họ đã cố gắng bám biển, đến đời họ cũng vậy. Đời đời nối tiếp, tạo nên truyền thống, văn hóa. Mặc dù biết đi biển là vất vả, khó nhọc, nhưng sinh ra ở biển, cái máu ra khơi, rong ruổi buồm trên những con sóng lớn lại là đam mê, là sự gối tiếp cha ông, nên họ cứ làm nghề này như mặc nhiên của tạo hóa.
 
Hơn nữa, ngoài nghề đi biển thì họ còn biết làm gì hơn để sinh sống. Họ yêu biển, buồn vui cùng biển. Nên không có gì lạ, khi một tấc đất bãi biển bị mất đi, khi họ không còn được bước chân trên bãi cát mà bao đời nay đã thế. Họ cảm thấy có nguy cơ bị mất tự do trên chính vùng biển quê hương của mình. Mất bến đỗ của thuyền mỗi khi cập bến. Mất bãi cào ngao, kéo lưới rồng. Mất mặt sân đá bóng của thanh thiếu niên mỗi khi nước rút, mất nơi tắm biển của bao người…
 
Hơn nữa, bắt đầu vào mùa hè, chỉ cần một cái lưới xúc, ngư dân vác lên vai đi dọc biển, nước xâm xấp đầu gối chân cũng có moi ăn, bán, nên việc khoanh vùng lấn biển như vậy khiến họ bỗng dưng bị mất đi một nghề truyền thống, một kế sinh nhai ngày nào. Đó là chưa nói đến nghề cào ngao, kéo lưới rồng như chúng tôi đã đề cập.
 
Một ngư dân bức xúc: “Tôi không hiểu cách làm việc của xã, huyện, tỉnh thế nào. Bao đời nay chúng tôi sống được là nhờ biển, bãi biển là một phần cuộc sống của chúng tôi. Cớ sao người lạ từ nơi khác đến đây lấn chiếm? Nếu được nhà nước cho phép, thì việc lấn chiếm ngay giữa bãi biển, làm mất nơi đỗ thuyền và nhiều việc có ích khác cho dân liệu có đúng không? Quy hoạch của nhà nước có cho phép họ làm như vậy không? Làm cái gì cũng phải nghĩ đến dân chứ. Chúng tôi tự nhiên mất bãi biển, bị người ở đâu đến đây lấn chiếm, chúng tôi không bức xúc, không buồn bã làm sao được”.
 
Người dân nơi đây cũng cho biết, ban đầu họ cũng không biết việc xuất hiện “con rắn khổng lồ” giữa bãi biển để làm gì, mãi sau khi sự việc đã rồi, thì họ mới biết là việc làm trên phục vụ cho dự án xây dựng cảng container. Nhưng đã có một cảng lớn ở phía trái bãi biển làm từ lâu giáp chân núi (tính hướng mặt quay ra biển) thì cần một cảng này nữa để làm gì, có thừa quá không, có làm xấu mỹ quan bãi biển? Trong khi đó còn làm cho dân khổ, thiệt thòi đủ đường.
 
Chủ tịch huyện Tĩnh Gia xưng “mày tao” với phóng viên
 
Để rõ hơn những vấn đề người dân xã Hải Hà phản ánh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia. Không hiểu vì lý do, và sợ gì khi trao đổi về vấn đề công khai này mà ông Dũng vừa gặp chúng tôi đã phải “rào trước”: “Tắt điện thoại, đừng có ghi âm gì hết, tôi nói trước như thế”.
 
Sau khi “dặn dò” phóng viên, vị Chủ tịch huyện mới tỏ ra an tâm chia sẻ về những vấn đề bức xúc của dân. Qua lời ông Dũng, được biết, việc xuất hiện sự việc như dân phản ánh là nhằm phục vụ cho dự án làm cảng container của công ty xi măng Long Sơn và công ty cổ phần gang thép Nghi Sơn.
 
Sau đó, ông Dũng đã gọi phóng viên bằng “mày”: “Dự án đã được tỉnh Thanh Hóa cấp phép đầu tư theo đúng quy hoạch chi tiết cảng biển Nghi Sơn, được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Nói cho bọn mày nghe đó. Không phải cái chuyện… Chủ đầu tư phê duyệt dự án, còn huyện và tỉnh chỉ đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao giải phóng mặt bằng sạch cho chủ đầu tư”.
 
Trong quá trình trao đổi với phóng viên, ông Dũng cho biết, người dân xã Hải Hà không kéo lưới rồng. Chúng tôi khẳng định là người dân xã Hải Hà có kéo lưới rồng, và đương nhiên việc bị mất bãi biển đã ảnh hưởng rất lớn đến họ, đến nghề truyền thống này.
 
Đồng thời chúng tôi hỏi ông Dũng đại ý ông có hay xuống biển Hải Hà tìm hiểu không, thì ông Dũng trả lời kiểu “mày tao”: “Tao làm chủ tịch một huyện mà lại không biết ở đấy… Anh làm ở huyện từ năm 2000, Hải Hà là địa phương hay xuống. Nói cho mày biết.. nói cho mày nghe. Một thằng chủ tịch như tao mà không biết, không biết dân sống như thế nào? Tao chả hiểu mày hỏi như thế là như thế nào???!!!”.
 
Ông Dũng cũng quả quyết cho biết, dự án cảng container đã được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý, nhưng khi chúng tôi hỏi xin các văn bản liên quan đến Bộ Giao thông Vận tải đồng ý cho dự án này, thì ông Dũng bảo chúng tôi xuống ban quản lý khu công nghiệp Nghi Sơn mà xin. Còn giấy tờ mà huyện gửi cho xã Hải Hà các công văn liên quan, khi chúng tôi xin thì ông Dũng bảo xuống xã.
 
Với tư cách là Chủ tịch huyện Tĩnh Gia mà ông Nguyễn Tiến Dũng nói chuyện “mày tao” với phóng viên, cũng như cách làm việc như vậy là có đúng tác phong của một người cán bộ vì dân, do dân không? Hơn nữa, việc làm lấn biển mà chưa thông qua ý kiến của dân thì liệu có đúng không? Dự án cảng container có phải đã được Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Thanh Hóa đồng ý? Nếu được đồng ý, thì việc làm lấn biển ngang nhiên như vậy có hợp lòng dân, có vì dân?
 
Vũ Đoàn – Gia Hà – Trần Thủy 

Bạn đang đọc bài viết "Thanh Hóa: Người dân Hải Hà bức xúc vì mất bãi biển, Chủ tịch huyện Tĩnh Gia xưng “mày tao” với phóng viên" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.